Hệ thống đèn đường đến với thôn bản vùng cao
(Dân trí) - Trước đây, người dân xã Mường Hoong, Đăk Glei, Kon Tum thường lo lắng khi lưu thông trên những con đường không ánh đèn vào ban đêm. Nhưng với hệ thống đèn đường bằng năng lượng mặt trời vừa lắp đặt, bà con đã có thể yên tâm lao động sản xuất.
Đường làng rạng rỡ trong ánh đèn
Sáng sớm những ngày cuối tháng 10, người dân xã Mường Hoong đã náo nhiệt tập trung lại để hoàn tất các công đoạn cuối cùng của hệ thống đường đèn bằng năng lượng mặt trời. Chỉ vài giờ đồng hồ nữa, tuyến đường Thông Làng Mới sẽ không còn cảnh tượng u tối, mà thay vào đó sẽ rực rỡ ánh đèn khi trời về đêm.
Tất bật sơn cột, lắp đèn, kiểm tra các trụ móng vừa được xây, người dân xã Mường Hoong không giấu nổi niềm vui khi cùng nhau hoàn thiện dự án. Đã rất nhiều năm họ gặp khó trong việc di chuyển vào buổi tối vì thiếu đèn đường, dẫn đến sinh hoạt khó khăn, sinh kế vì thế cũng khó cải thiện.
Ông A Dung chia sẻ: "Mường Hoong là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei, Kon Tum. Do địa hình có nhiều đồi núi chia cắt, phức tạp, mùa mưa kéo dài, nên giao thông đi lại đặc biệt khó khăn. Nhất là vào buổi tối, việc đi lại của bà con luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn vì thiếu đèn đường. Vì vậy, kinh tế - xã hội khu vực khó phát triển, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao. Đây cũng là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh Kon Tum".
Do đó, những năm gần đây, toàn xã Mường Hoong đã xác định xây dựng hệ thống đèn đường là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện đời sống an sinh xã hội địa phương.
Và Thông Làng Mới là một trong những tuyến đường được lắp đèn năng lượng mặt trời thuộc dự án Thắp sáng đường quê do Trung ương Đoàn TNCS HCM (Trung ương Đoàn) phối hợp thực hiện cùng Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO).
Hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời được lựa chọn do có nhiều lợi thế phù hợp với điều kiện thực tiễn của các thôn bản vùng cao, nhất là về mặt chi phí. Nếu sử dụng đèn điện lưới, các hộ dân phải trả tiền điện mỗi tháng, thì vận hành đèn năng lượng mặt trời lắp một lần có thể dùng được vài năm, không quá tốn kém lại mang lại lợi ích lâu dài.
Ngay khi khởi động dự án, các hộ dân trong xã đều ủng hộ. Tham gia vào quá trình hoàn thiện công trình, ông A Cam cho biết: "Đường miền núi quanh co, vô cùng trắc trở với nhiều dốc đèo, nên chúng tôi đi lại khó khăn lắm. Trước đây, các thôn chưa có đèn điện, nếu buộc phải ra đường vào ban đêm, chúng tôi phải mang theo đèn pin. Còn không thì cứ ở nhà cho chắc".
Vì thế, theo lời chia sẻ của ông, từ khi dự án Thắp sáng đường quê được triển khai, bà con đều mừng rỡ. Đường sáng, ban đêm mọi người gặp nhau dễ dàng hơn. Tình nghĩa xóm làng từ đó cũng thêm gắn bó. Ngoài ra, tình trạng trộm cắp vặt cũng hạn chế, đời sống khu vực dần được nâng lên ít nhiều.
Ánh đèn sẽ luôn được thắp sáng
Dự án Thắp sáng đường quê nhằm hỗ trợ mục tiêu Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh 2021-2030, tầm nhìn 2050 và mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, trong năm 2022, SABECO cam kết đồng hành cùng Trung ương Đoàn thực hiện 34 km tuyến đường đèn năng lượng mặt trời cho 34 khu vực nông thôn thuộc 34 tỉnh thành Việt Nam.
Dự kiến, khi các tuyến đường được hoàn thành, sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các khu vực này, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, mang lại môi trường bền vững và an toàn cho hơn 210.000 hộ gia đình nơi đây.
Bên cạnh đó, SABECO cũng hỗ trợ kinh phí để phối hợp cùng Trung ương Đoàn để xây dựng 30 sân thể thao cộng đồng tại 30 tỉnh thành trong giai đoạn 2022-24. Dự án nhằm nuôi dưỡng lối sống khỏe mạnh đặc biệt là ở vùng nông thôn và thúc đẩy sự phát triển của thể thao Việt Nam.
Ngoài các chiến lược phát triển kinh doanh, SABECO cũng cam kết mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng với chiến lược phát triển bền vững xoay quanh 4Cs: Đất nước (Country), văn hóa (Culture), bảo tồn (Conservation) và tiêu thụ (Consumption).