Bộ sưu tập xe cổ và tấm bằng lái xe đạp độc đáo của người đàn ông Thanh Hóa
(Dân trí) - Những ký ức về xe đạp xưa được ông Ngôn lưu giữ thông qua bộ sưu tập hơn 50 chiếc xe cổ. Ông Ngôn còn sở hữu tấm bằng lái xe đạp từ năm 1960, đây là tấm bằng khá hiếm hoi về ký ức xe đạp thời xưa.
Ông Nguyễn Hữu Ngôn (62 tuổi, trú thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sở hữu bộ sưu tập hơn 50 chiếc xe đạp cổ. Ông cho biết, sở thích sưu tầm xe của mình bắt đầu từ năm 2000.
"Từ khi còn nhỏ đến lúc lớn lên đi làm, xe đạp là phương tiện gắn liền với cuộc sống của tôi. Mãi sau này, ký ức về những buổi đi học, những lần đạp xe đi khắp nơi để làm việc cứ thế ùa về. Từ đó tôi có đam mê sưu tầm xe đạp cổ", ông Ngôn chia sẻ.
Bộ sưu tập của ông Ngôn có 52 chiếc xe đạp. Trong số này, có những chiếc xe có niên đại từ 50 năm đến hơn 100 năm. Theo ông Ngôn, từ thời xa xưa, xe đạp là phương tiện quý giá mà mọi người ai cũng mong muốn được sở hữu.
"Trong thời chiến, xe đạp dùng để vận chuyển vũ khí, lương thực ra chiến trường. Xe đạp còn là phương tiện giúp người lao động bớt những khó khăn, giúp học sinh đến trường. Sau này tôi nhận thấy xe đạp không chỉ là phương tiện mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nó rất thân thiện với con người nên tôi yêu thích", ông Ngôn cho hay.
Những chiếc xe đạp được ông Ngôn lưu giữ và chăm sóc cẩn thận. Hầu hết số xe ông Ngôn sở hữu đều gắn bó một thời với người dân Việt Nam. Trong đó có những loại xe do Việt Nam sản xuất như Thống Nhất, Hữu Nghị, Đoàn Kết, Sông Mã, Hà Nội...
Ngoài ra, ông còn sưu tầm những chiếc xe của các hãng nước ngoài như Peugeot, Mercier, Aviac, Sterling... có giá bằng cả cây vàng thời xưa.
Xe đạp thời xưa được gắn số khung, cấp đăng ký sở hữu và biển số xe.
Ngoài ra, những chiếc xe còn được gắn mác nhãn hiệu. Trong ảnh là nhãn hiệu xe Mercier nổi tiếng của Pháp. Theo ông Ngôn, đây là loại xe được làm bằng chất liệu nhôm là chủ yếu nên rất nhẹ.
Chân chống mỗi chiếc xe đạp cũng được thiết kế khác nhau.
Xe đạp Thống Nhất nổi tiếng ở Việt Nam một thời có thiết kế không thua kém các dòng xe nước ngoài. Trước kia, xe đạp Thống Nhất được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội.
Năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp Thống Nhất theo giá cung cấp. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước được mua một xe duy nhất. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng.
Tuy nhiên, số lượng xe đạp Thống Nhất rất hạn chế, nên người được phân phối xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, xe đạp Thống Nhất càng trở nên quý hiếm, xa xỉ vào thời bấy giờ.
Loại xe này cũng được sử dụng để vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men ra tiền tuyến trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện ông Ngôn sở hữu rất nhiều xe đạp Thống Nhất, có những chiếc xe đang còn nguyên bản và sử dụng tốt.
Chính vì giá trị lớn như vậy, những chiếc xe đạp trước đây sẽ được cấp giấy chứng nhận sở hữu. Thậm chí, có thời kỳ còn tổ chức cuộc thi cấp bằng lái xe đạp phổ thông.
"Tôi nghĩ xe đạp lúc bấy giờ là phương tiện duy nhất. Vì vậy, cần có những cuộc thi cấp bằng như xe máy bây giờ. Tôi may mắn khi sở hữu tấm bằng xe đạp phổ thông được cấp vào năm 1960. Nhìn vào tấm bằng có thể thấy cuộc thi hết sức khốc liệt", ông Ngôn cho biết thêm.
Theo ông Ngôn, mỗi chiếc xe sẽ có những chi tiết thể hiện thương hiệu riêng. Ngoài ra, có xe mang điểm nhấn nhất định về khâu thiết kế như yên xe, túi đựng đồ...
Hiện ông là chủ tịch câu lạc bộ xe đạp cổ ở Thanh Hóa. Hằng ngày, ông Ngôn vẫn thường xuyên sử dụng xe đạp để đi chơi, thăm bạn bè.
"Thú chơi xe đạp sẽ giúp chúng ta nhận ra nhiều hiểu biết hơn về cuộc sống. Xe đạp trong thời chiến tranh, thời bao cấp, mỗi thời kỳ có ý nghĩa khác nhau. Thậm chí, khi chơi xe đạp, những người trẻ tuổi hiện nay sẽ cảm thấy như được sống lại ký ức một thời nhọc nhằn, gian khó của ông bà, cha mẹ mình trên những chiếc xe đạp cũ", ông Ngôn cho biết thêm.