Người phụ nữ Dao thu nhập cả trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi giỏi

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Chị Chíu Tài Múi (Chíu Thị Phương), người dân tộc Dao, Thôn Kéo Chản, xã Đồng Tâm (Bình Liêu, Quảng Ninh) không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn xây nhà, mua ô tô nhờ chăn nuôi, làm kinh tế giỏi.

Những năm qua, phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên Hội phụ nữ trên địa bàn xã Đồng Tâm (Bình Liêu, Quảng Ninh).

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng và hạnh phúc. Chị Chíu Tài Múi (Chíu Thị Phương), sinh năm 1979 người dân tộc Dao, Thôn Kéo Chản, xã Đồng Tâm (Bình Liêu, Quảng Ninh) là ví dụ điển hình. 

Chị Phương là một trong những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình, nơi 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống.

Chị Phương sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình không hỗ trợ được gì cho chị khi đi lấy chồng.

Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn, tài sản bố mẹ để lại là những khoảnh rừng chưa trồng bất cứ một loại cây gì có thể cho thu nhập, và một ít ruộng.

Hai vợ chồng đã phải xoay xở nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Với suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo, để con cái có cuộc sống no đủ, chị đã trăn trở, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống.

Nhận thấy chăn nuôi, trồng cây quế, hồi phù hợp với địa hình, khí hậu nơi sinh sống, chị Phương cùng chồng đã mạnh dạn vay vốn từ họ hàng, bạn bè và ngân hàng để chăn nuôi lợn, trồng quế, hồi và buôn bán hồi quế.

Người phụ nữ Dao thu nhập cả trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi giỏi - 1

Ngoài buôn bán, gia đình chị Phương còn tập trung chăn nuôi lợn thịt…. (Ảnh: H.G).

Chị Phương tâm sự: "Lúc đầu chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nên đàn lợn của gia đình không lớn, còi cọc, hiệu quả kinh tế không cao. Tôi cùng chồng đã tự học hỏi trên mạng, học từ bạn bè, những người đã làm trang trại có hiệu quả về khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là chăn nuôi lợn thịt và chăn nuôi lợn nái để tự nhân giống đàn vật nuôi của gia đình.

Từ đó, tôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi tại gia đình nên trong quá trình chăn nuôi đàn lợn luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, đem lại thu nhập cao. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất được 4 lứa lợn cho thu nhập trên 200 triệu đồng".

Bên cạnh đó, chị cùng chồng còn tích cực chăm sóc 4ha rừng hồi, quế của gia đình, đến nay rừng hồi, quế của gia đình chị đang phát triển rất tốt. Ngoài ra, chị còn thu mua hoa hồi, quế của bà con trong thôn và các thôn lân cận để phơi khô rồi đem bán.

Tính trung bình mỗi năm, thu nhập của gia đình chị từ nguồn thu mua hoa hồi, quế (sau khi trừ vốn) được lãi gần 100 triệu đồng. Với sự tích cực, chịu thương, không ngại khó, ngại khổ, từ các nguồn thu nhập, năm 2016, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang với diện tích trên 200m2. Năm 2021 gia đình chị mua được thêm 1 xe ô tô 7 chỗ để phục vụ cho nhu cầu đi lại của gia đình.

Người phụ nữ Dao thu nhập cả trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi giỏi - 2

Những hộ dân có trồng cây hồi ở thôn, bản đều được chị Phương giúp thu mua lại (Ảnh: H.G).

Người phụ nữ Dao thu nhập cả trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi giỏi - 3

Sau khi thu mua về, chị Phương sẽ luộc và phơi khô hồi trước khi mang đi bán (Ảnh: H.G).

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn là hội viên rất tích cực, năng động tham gia các phong trào thi đua của Hội phụ nữ. Ngoài ra, chị và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên truyền các thành viên trong gia đình và mọi người thân tham gia thực hiện tốt các phong trào của địa phương. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm