Starlink: Giải bài toán kết nối cho Việt Nam từ không gian
(Dân trí) - Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện hướng đến công dân số, Chính phủ số. Song trong một số điều kiện, cơ sở hạ tầng Internet của nước ta vẫn còn nhiều thách thức.

Trong khi đô thị đã tiến đến công nghệ 5G, thì nhiều vùng sâu, vùng xa có địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, thôn bản nằm cách xa nhau nên gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động truyền phát Internet. Tín hiệu vẫn chập chờn hoặc hoàn toàn không có kết nối.
Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng.
Chính vì thế, Starlink - hệ thống Internet vệ tinh từ quỹ đạo thấp - có thể là chiếc cầu nối thu hẹp khoảng cách này.
Hạ tầng truyền thống và những thách thức từ thực tiễn
Việc kéo cáp quang hay dựng trạm BTS di động tại các khu vực miền núi cao, biên giới, hải đảo để phát Internet thường rất tốn kém, khó bảo trì và hiệu quả kinh tế thấp. Nước ta hiện còn nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn về viễn thông.
Một số huyện đảo như Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Trường Sa phụ thuộc hoàn toàn vào vệ tinh truyền thống hoặc cáp biển không ổn định; Nhiều thôn bản vùng cao ở Hà Giang, Sơn La, Lai Châu còn chưa có sóng 4G…

Tốc độ Internet tối đa của Starlink khi download dao động từ 25Mb/s đến 220Mb/s và tốc độ khi upload dao động từ 5Mb/s đến 20Mb/s (Ảnh minh họa: Tech Science).
Theo số liệu thống kê tính đến tháng 2 của Trung tâm Internet Việt Nam, hai đô thị lớn nhất của Việt Nam là Thủ đô Hà Nội và TPHCM không phải là khu vực có tốc độ Internet trung bình cao nhất cả nước.
Thay vào đó, Bắc Kạn là tỉnh có tốc độ mạng Internet cố định trung bình nhanh nhất cả nước, với tốc độ download trung bình đạt 238,81 Mb/s và tốc độ upload trung bình đạt 175,56 Mb/s.
Xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Hà Nam (tốc độ download/upload trung bình đạt 227,52 Mb/s và 183,62 Mb/s) và Quảng Trị (tốc độ download/upload trung bình đạt 225,36 Mb/s và 167,47 Mb/s).
Tốc độ Internet cố định trung bình tại Hà Nội chỉ đạt 139,71 Mb/s khi download và 107,92 Mb/s khi upload, cao hơn tốc độ download/upload trung bình của cả nước. Tại TPHCM, tốc độ download và upload trung bình đạt 140,78 Mb/s và 113,73 Mb/s.
Trong những năm qua, dù cơ sở hạ tầng Internet của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế như 3 trong 6 tuyến cáp ngầm đang hoạt động đã hơn 10 năm tuổi.
Đáng chú ý, tuyến cáp SMW3 kết nối Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu sắp kết thúc vòng đời hoạt động sau hơn 2 thập kỷ.
Trong khi, nhiều nhà mạng tại Việt Nam như VNPT, Viettel trong quá trình tắt 2G để đẩy mạnh phát triển và thương mại hóa 5G thì công nghệ 2G rất cũ kỹ vẫn phải duy trì ở một số khu vực đặc thù như hải đảo, nhà giàn DK...
Điều này cho thấy, chúng ta vẫn còn đối mặt những thách thức trong việc duy trì Internet chất lượng cao đồng bộ trên mọi miền đất nước.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2024 chứng kiến sự gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai, dẫn đến nhiều thương vong và thiệt hại tài sản lớn. Điều này cũng sẽ làm tăng thêm rủi ro về hạ tầng truyền thống Internet của Việt Nam.
Những điều này đặt ra bài toán, Việt Nam cần công nghệ Internet mạnh mẽ và đồng bộ để có thể kết nối toàn diện ngay cả khi xảy ra thiên tai.
Tập đoàn Công nghệ và Khai phá Không gian SpaceX đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Việt Nam trong những năm gần đây.
Ngày 25/9/2024, Phó Chủ tịch Cấp cao SpaceX Tim Hughes, cho biết, tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam thời gian tới, trong cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ở New York (Mỹ).
Ông Hughes hé lộ, SpaceX đã khởi động các dự án Internet vệ tinh từ cách đây 5 năm và hiện có hơn 6.000 vệ tinh ở quỹ đạo thấp, có thể cung cấp dịch vụ Internet Starlink gần như mọi nơi trên trái đất.
Starlink là dự án sử dụng vệ tinh phóng lên quỹ đạo để phủ sóng Internet trên toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao đề xuất đầu tư tại Việt Nam của Tập đoàn SpaceX và bày tỏ mong muốn đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa hai bên. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Việt Nam xác định chuyển đổi số là một trong những động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Đề xuất của SpaceX cũng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ là một thị trường tiềm năng cho Internet vệ tinh, mà còn là nơi có dân số am hiểu công nghệ và nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.
Việc mở rộng triển vọng này sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu tiếp cận Internet toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số.
Cơ hội kết nối vùng sâu, vùng xa
Địa hình phức tạp và thời tiết khó lường đã phơi bày những hạn chế của các phương pháp Internet truyền thống trong việc duy trì kết nối ở những khu vực bị ảnh hưởng.
Ví dụ, cơn bão Yagi lịch sử năm 2024 đã khiến đường truyền Internet, sóng điện thoại bị đứt gãy trên diện rộng. Người dân bị đẩy vào cảnh "mất liên lạc", không thể cập nhật thông tin về tình hình bão lũ, cầu cứu sự trợ giúp khi cần thiết.
Câu chuyện về bão Yagi phản ánh một thực tế về sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng Internet trong các sự kiện thiên tai; nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới Internet ổn định.
Tình hình này đặt ra nhu cầu về một giải pháp mới để đảm bảo tính liên tục của hệ thống viễn thông cho cả đất liền và vùng ven biển.
Do đó, nhu cầu về Internet vệ tinh như một giải pháp viễn thông thay thế để tăng cường kết nối giữa đất liền và các vùng xa xôi của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Theo Quyết định 659 ngày 23/3 của Thủ tướng Chính phủ, tập đoàn Space Exploration Technologies (SpaceX) của tỷ phú Elon Musk đã được cấp phép thí điểm có kiểm soát để triển khai dịch vụ Internet qua vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

Internet vệ tinh có thể cung cấp kết nối ngay khi trên biển (Ảnh minh họa: Techspace).
Theo đó, SpaceX thực hiện thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ loại hình mạng viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam, nhưng vẫn tuân theo nguyên tắc đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Với sự mở rộng của công nghệ vũ trụ trên nhiều lĩnh vực mới, công nghệ mạng vệ tinh mang lại lợi thế là cung cấp quyền truy cập Internet cho các khu vực xa xôi và thiếu dịch vụ, do đó cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục thông qua các khóa học trực tuyến và nâng cao chăm sóc sức khỏe thông qua y học từ xa.
Hơn nữa, hệ thống vệ tinh có thể tăng cường kết nối trong thảm họa, cải thiện khả năng ứng phó và quản lý.
Một lợi ích khác là vệ tinh kết nối các vùng xa xôi với nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế Internet, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và thu hút đầu tư vào các địa điểm này.
Ví dụ, nếu Starlink được thương mại tại Việt Nam, có thể giúp đất nước tiết kiệm chi phí xây dựng hệ thống riêng trong khi vẫn có thể truy cập ngay vào các dịch vụ Internet.