Loa phường: Truyền thanh hữu ích hay "công nghệ 0.4" làm khổ người nghe?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Thông tin Hà Nội sẽ "phủ sóng" loa phường đến từng ngõ ngách đang thu hút dư luận. Đa số ý kiến phản đối cho rằng loa phường là "0.4" nhưng cũng không ít người công nhận hiệu quả của loa phường.

Loa phường thể hiện "sức mạnh" trong cao điểm phòng chống dịch

Phường Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội) có dân số khoảng 26.000 người. Hệ thống loa phát thanh được thiết lập ở 7/12 tổ dân phố. Theo bà Nguyễn Phương Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Phú La, hiện hệ thống loa truyền thanh của phường vẫn hoạt động bình thường.

Bà Phương Anh đánh giá, hệ thống này đang hoạt động "khá hiệu quả" và phát huy hiệu quả nhất trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Loa phường: Truyền thanh hữu ích hay công nghệ 0.4 làm khổ người nghe? - 1

Đại diện một vài cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố cho hay, trong công tác phòng, chống dịch, hệ thống truyền thanh đã hoạt động rất tốt, rất hiệu quả (Ảnh: Hữu Nghị).

Bà Phương Anh cho biết, về nội dung tuyên truyền, phường phát qua hệ thống truyền thanh khi có chỉ đạo từ trên gồm các nội dung cần thiết như: tuyên truyền về công tác, các biện pháp phòng, chống dịch; các chủ trương chính sách của Nhà nước; thông tin tiêm chủng vaccine…

Bình thường thông tin được phát theo tần suất 2 lần/tuần hoặc 5 lần/tuần. Thời gian phát thanh thường vào 6h sáng và 17h chiều. Tuy nhiên, tùy vào mức độ cần thiết, tính cấp bách mà địa phương sẽ tăng thêm thời lượng phát thanh hoặc phát thanh đột xuất để thông tin kịp thời đến người dân.

Vị lãnh đạo UBND phường Phú La chia sẻ thêm, hầu hết người dân trên địa bàn đều có ý kiến tích cực rằng, qua hệ thống loa truyền thanh họ nắm bắt được thông tin cần thiết, hữu ích.

Riêng trong thời điểm dịch bệnh, phường có tiếp nhận vài ý kiến từ người dân về việc loa phát thanh gây ảnh hưởng tới các cháu học sinh đang phải học online. "Khi đó, phường đã tiếp thu, mong người dân chia sẻ vì địa phương đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch quan trọng. Sau đó phường có điều chỉnh thời lượng, thời gian phát thanh phù hợp hơn" - bà Phương Anh nói.

Chia sẻ thêm về kế hoạch "phủ sóng" loa phường sắp tới ở Hà Nội, một lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân cho biết, hệ thống loa truyền thanh của cơ sở vẫn hoạt động thường xuyên.

Việc khai thác, quản lý, vận hành hệ thống này được giao cho UBND cấp phường. Phường phát các nội dung trên cơ sở hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin; cũng có nội dung do phường chủ động tuyên truyền, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của địa phương.

"Trong công tác phòng, chống dịch, hệ thống truyền thanh đã hoạt động rất tốt, rất hiệu quả" - vị này bày tỏ.

Loa phường: Truyền thanh hữu ích hay công nghệ 0.4 làm khổ người nghe? - 2

Câu chuyện nên bỏ loa phường hay tiếp tục "phủ sóng" đang gây ra nhiều tranh cãi (Ảnh: Nguyễn Trường).

Nên bỏ dần hay tiếp tục "phủ sóng"?

Câu chuyện Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đưa hệ thống truyền thanh đến từng thôn, tổ dân phố… đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân Thủ đô. Chia sẻ cảm nhận về hoạt động của loa phường, anh Vinh (sống ở Hà Đông) cho biết, bản thân không cảm thấy phiền toái, cuộc sống không bị ảnh hưởng dù chiếc loa được lắp ngay gần nhà.

"Mùa hè tôi nghe thông tin phát trên loa từ sớm. Theo tôi, mọi người nên cảm thông trong việc tiếp tục "phủ sóng" loa phường. Việc tuyên truyền các chính sách, thông báo lịch tiêm chủng… bằng hệ thống truyền thanh khá hữu ích" - anh Vinh nói.

Cùng chung quan điểm, một bạn đọc Dân trí bày tỏ bản thân ủng hộ chương trình quy hoạch âm thanh để tuyên truyền chính sách pháp luật tới người dân bằng trí tuệ nhân tạo. 

Bạn đọc tên T.T.Mai cho rằng, nên duy trì loa phường nhưng không nên mở loa vào buổi sáng sớm và tối muộn trừ trường hợp khẩn cấp. Chỉ nên mở vào buổi chiều, âm thanh phát ra vừa phải, tránh tối đa việc gây ô nhiễm âm thanh cho người dân.

Bên cạnh đó cũng có không ít độc giả phản đối gay gắt việc Hà Nội tiếp tục "phủ sóng" loa phường.

Bạn đọc Nguyễn Minh Vỹ gay gắt: "Xin đừng "khủng bố" nhân dân bằng âm thanh loa phường nữa! Thời đại 4.0 sao lại dùng công nghệ 0.4...?".

Theo tài khoản Nguyên Nguyễn, hoạt động này không phù hợp thực tiễn, lãng phí, không hiệu quả, chỉ gây thêm khó chịu cho người dân, nhất là những gia đình sống gần loa.

Tài khoản Thang Nguyenduc bình luận: "Loa phường thời kỳ Covid-19 thì có tác dụng thiết thực, nhưng bây giờ chỉ thấy đưa những tin mà trên mạng internet đã đưa rồi, không còn thiết thực và thời sự nữa. Khi loa phường phát thì dù có đóng cửa kính vẫn thấy ầm ĩ, giọng đọc oang oang nhức hết cả đầu óc. Nếu kém tác dụng thì nên hạn chế phát thường xuyên, chỉ phát thanh khi cần thông báo".

Bạn đọc Tuấn Đồng Anh đồng quan điểm nên bỏ loa phường. "Thời đại công nghệ thông tin, ai ai cũng có smartphone (điện thoại thông minh), không nhất thiết phải cần đến loa phường, vừa ồn ào lại phiền phức".

Bạn đọc Tuan Trinh phân tích: "Cái loa phường không phải là bỏ hay để, mà là cách dùng nó thế nào thôi. Hiện nay nhiều nơi dùng loa không đúng nên làm người dân bức xúc. Ví như phát thanh liên miên, thông tin tràn lan, chất lượng âm thanh thì quá chán... Nên dùng loa vào những sự vụ thực tế, cấp bách thôi... Cứ oang oang cả ngày thì khổ lắm".

Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông

Để nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đến năm 2025, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Trước đó, vào năm 2017, Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến người dân để quyết định "số phận" loa phường và động thái này cũng lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Ở thời điểm đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi.

Tuy nhiên sau đó, Hà Nội quyết định giữ nguyên loa phường ở các huyện, xã; giảm dần tại các quận nội thành và sẽ lắp đặt ở những vị trí phù hợp, ít ảnh hưởng đến người dân.

Dòng sự kiện: Loa phường