"Tiến sĩ cầu lông"
Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh đang "gây bão" trên mạng xã hội.
Thoạt đầu nhiều người tưởng rằng ai đó đã chế hình ảnh để làm trò đùa. Nhưng sau đó họ được xác thực đây chính là luận án ngành Giáo dục học, hoàn thành tại Viện Khoa học Thể dục thể thao năm 2021 và được đăng tải trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao khẳng định nội dung đề tài được công bố tháng 12/2021 và nghiệm thu thành công cấp viện hôm 19/1 vừa qua. Trong khi đó, theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì công trình này "chưa xứng tầm là một luận án tiến sĩ", "không có tính chất khoa học nào và nội dung hầu như không có gì...".
Dõi theo diễn biến sự việc, tôi từ chỗ ngạc nhiên chuyển sang ngỡ ngàng khi được biết ngoài luận án tiến sĩ nêu trên, còn có hàng loạt luận án tương tự (về tên gọi, nội dung) cũng ở môn cầu lông và một số bộ môn thể thao khác.
Câu chuyện "tiến sĩ cầu lông" và việc mới đây Thanh tra Chính phủ công bố những hạn chế, khuyết điểm trong đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) giai đoạn 2015-2017, cho thấy những thắc mắc, thậm chí bức xúc về "đề tài vô bổ", về "lò ấp tiến sĩ"… nhiều năm qua là hoàn toàn có cơ sở.
Bản thân tôi ban đầu nghĩ đơn giản rằng học thạc sĩ hay tiến sĩ là thuần túy nghiên cứu khoa học. Do vậy những đề tài nghiên cứu phải được lựa chọn xứng tầm chứ không thể nào dễ dãi. Nhưng thực tế giúp tôi hiểu rằng không hẳn như vậy. Ở nhiều cơ quan hành chính, không hiếm công chức thu xếp nhiệm vụ chuyên môn, công việc gia đình để học thạc sĩ, tiến sĩ. Sự nỗ lực của họ không hẳn chỉ phục vụ niềm đam mê nghiên cứu khoa học, bồi đắp kiến thức phục vụ cho yêu cầu công tác. Động lực lớn nhất để họ học thạc sĩ, tiến sĩ là nỗi lo… tinh giản biên chế, bởi theo quy định của đơn vị, nếu các chỉ số ngang nhau thì người có trình độ học vấn cao hơn sẽ ít có khả năng thuộc diện tinh giản hơn.
Vậy là mục đích học thạc sĩ, tiến sĩ rất "đa dạng", có những người thực sự tâm huyết với nghiên cứu khoa học, nhưng với nhiều người đơn thuần chỉ để có tấm bằng giúp "giữ ghế" hay thăng tiến trong công việc - cho dù công việc đó về sau không liên quan đến đề tài nghiên cứu của họ.
Trong những trường hợp nghiên cứu khoa học không phải mục đích chính, thì rất có thể phát sinh những đề tài, những luận án dễ dãi, sao chép nhau. Vấn đề là nghiên cứu sinh có thể dễ dãi với chính mình, nhưng xã hội không chấp nhận điều đó bởi ít nhất hai lẽ. Thứ nhất, những luận án vô bổ gây lãng phí nguồn lực xã hội, gây mất niềm tin vào chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Thứ hai, những tiến sĩ được ra lò dù không xứng tầm dẫn đến tình trạng "vàng thau lẫn lộn", ảnh hưởng đến những tiến sĩ học thật, làm thật, chất lượng cao thật.
Được biết từ năm 2017 tới nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ với một số điều kiện tiêu chuẩn được điều chỉnh theo hướng phù hợp với thực tiễn, cũng như yêu cầu cao hơn đối với các nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, những lùm xùm liên quan đến đề tài luận án tiến sĩ vừa qua cho thấy việc siết chặt ngay từ đầu vào, từ khâu lựa chọn đề tài nghiên cứu đang trở nên cấp thiết. Đối với những đề tài vô thưởng vô phạt, không có giá trị khoa học và không hữu ích thì cần phải cần loại bỏ thẳng tay.