Tâm điểm
Nguyễn Dương

Phạt tù, tước giấy phép vĩnh viễn tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao?

Hơn 2 năm kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 được thông qua, mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn nâng cao hơn, đã góp phần khiến nhiều tài xế thay đổi thói quen uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Cụ thể, theo Nghị định 100, tùy vào loại phương tiện điều khiển (ô tô, xe máy) cũng như nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà người vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 2 - 40 triệu đồng; thời gian tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tai nạn giao thông trong thời gian qua đã giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Tuy được kéo giảm song tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe vẫn là vấn đề bức xúc hiện nay. Điều đáng nói là trong số người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe còn có cả cán bộ, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước.

Gần đây nhất ngày 2/6, lái xe Nguyễn Đức Thịnh điều khiển xe Audi BKS 98A - 499.44 chạy với tốc độ cao trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, khi qua ngã tư giao cắt với đường Hùng Vương đã đâm vào xe mô tô khiến 3 người trong một gia đình tử vong tại chỗ. Lái xe Nguyễn Đức Thịnh vừa mới chuyển từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang (thuộc Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang) đến Ban quản lý bảo trì đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang) công tác hơn một tháng nay. Khi lái xe này về dự tiệc liên hoan chia tay cơ quan cũ thì xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm nói trên. Điều tra sau tai nạn, cảnh sát xác định lái xe này chạy xe trong tình trạng say xỉn với nồng độ cồn đo được cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100. 

Phạt tù, tước giấy phép vĩnh viễn tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao? - 1

Hiện trường vụ tai nạn do tài xế Thịnh gây ra ngày 2/6. (Ảnh: Bá Đoàn).

Có thể kể thêm, tại Bắc Giang, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT tỉnh này đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Còn theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, hiện có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu, bia và con số này đang có xu hướng gia tăng. 

Thực trạng trên đặt ra vấn đề, một mặt cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100, qua đó tiếp tục nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định 100. Mặt khác, chúng ta cần tính đến biện pháp mạnh tay hơn với tài xế vi phạm nồng độ cồn, nhất là những người vi phạm ở mức cao để đảm bảo tính răn đe. Hay biện pháp nên được nghiên cứu, xem xét áp dụng là phạt tù, tước giấy phép vĩnh viễn với lái xe vi phạm nồng độ cồn mức cao.

Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã phạt tù hành vi vi phạm nồng độ cồn mức cao hoặc đưa ra các chế tài rất nghiêm khắc. Đơn cử, theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, luật pháp nước này quy định, những người lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,25mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc phạt tiền đến 500.000 yen (tương đương 100 triệu đồng Việt Nam), đồng thời bị phạt 13 điểm (lái xe bị phạt 15 điểm sẽ bị thu hồi bằng lái).

Đối với những người lái xe trong lúc say (hay lái xe trong tình trạng say rượu không làm chủ được năng lực hành vi như đi đứng loạng choạng và nói năng lung tung), thì bất kể người lái xe đó uống bao nhiêu rượu bia, họ sẽ bị phạt tù đến 5 năm, hoặc phạt tiền đến 1 triệu yen (hơn 200 triệu đồng Việt Nam), đồng thời bị phạt 35 điểm…

Cũng tại Nhật Bản, tài xế sau khi sử dụng đồ uống có cồn và gây tai nạn, thương vong, sẽ bị kết tội "lái xe nguy hiểm gây thương vong" bị phạt tù đến 15 năm nếu có người bị thương, hoặc phạt tù đến 20 năm nếu có người bị tử vong.

Còn ở Singapore, việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc. Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên hai yếu tố, đó là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe.

Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích.

Ở Anh quốc, tài xế chưa điều khiển phương tiện song nếu cảnh sát phát hiện ra có nồng độ cồn vượt mức cho phép thì vẫn bị phạt.

Tình trạng "ma men" sau tay lái ở Việt Nam tồn tại nhức nhối nhiều năm nay, và như đã nói ở trên, Nghị định 100 đưa ra mức xử phạt khá nặng song số trường hợp vi phạm qua phát hiện của cơ quan chức năng vẫn rất lớn. Đó là không tính những trường hợp "chưa bị lộ". 

Hồi đầu tháng 6, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn phạt tù tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông (theo điều 260 Bộ Luật hình sự). Theo vị đại diện Văn phòng Ủy ban, nên xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chủ thể chưa gây hậu quả; cùng với đó, mức phạt hành chính nên được điều chỉnh tăng theo mức độ vi phạm.

Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe vi phạm nồng độ cồn, chúng tôi cho rằng kiến nghị của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là cần thiết và nên sớm được triển khai.

Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, viết mảng xã hội; hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!