Tâm điểm
Bạch Ngọc Chiến

Học tiếng Anh như thế nào để không bị… ấp úng?

Cách đây không lâu báo Dân Trí đưa tin về việc các người đẹp... gây tranh cãi trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, với phần trả lời bằng tiếng Anh ấp úng như "học sinh tập phát âm". Có thể phần thi ngoại ngữ không phải yếu tố quan trọng nhất với một cuộc thi sắc đẹp, nhưng trong thế giới ngày nay, bạn muốn bước lên chuyến tàu hội nhập, muốn mở những cánh cửa kiến thức, công nghệ của nhân loại thì tiếng Anh lại rất quan trọng và học để sử dụng thành thạo tiếng Anh cũng không phải là việc quá khó khăn. 

Có nhiều phương pháp học tiếng Anh hiệu quả. Trong đó, sau hơn 30 năm học và sử dụng ngoại ngữ này, tôi nhận thấy việc xác định mục tiêu và tự tạo động lực cho mình sẽ quyết định chúng ta học tốt hay không. Tôi có may mắn được học tiếng Anh khi đất nước bắt đầu mở cửa và nhu cầu tiếng Anh tăng lên rất nhanh chóng. Vì thế ai đi học tiếng Anh cũng đều có mục đích rất cụ thể. Động lực của tôi hồi đầu những năm 1990 là học tiếng Anh tốt để có thể đi dạy thêm ở các trung tâm buổi tối hoặc kèm riêng cho các nhóm học viên khác nhau. Vừa học vừa dạy nên khi học cũng rất kỹ, quyết tâm hiểu cho thấu đáo ngữ pháp, phát âm và các mẫu câu.

Một điểm may mắn là tôi được học tiếng Anh từ những giáo viên được đào tạo rất bài bản ở trong nước và nước ngoài. Tôi nhớ mãi cô Lý, cô Hà ở Khoa Phiên dịch tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội phát âm tiếng Anh rất hay và dạy rất kỹ về phát âm. Trong tiếng Việt, chúng ta không phát âm các phụ âm cuối của từ nhưng trong tiếng Anh, phát âm các phụ âm cuối rất quan trọng, nhất là khi chia động từ và danh từ dạng số nhiều. Ngày nay, học tiếng Anh rất thuận lợi vì chúng ta có thể học với giáo viên bản ngữ rất dễ dàng để có thể "bắt chước" cách phát âm chuẩn xác.

Học tiếng Anh như thế nào để không bị… ấp úng? - 1

Thí sinh thi vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ - một trong những môi trường đào tạo ngoại ngữ tốt nhất ở Hà Nội, tháng 6/2022 (Ảnh minh họa: Tố Linh)

Ngày đầu tiên đi làm hướng dẫn cho hai vị khách du lịch người Mỹ, tôi nghe được rất ít. Đến hết chuyến đi mới nghe được khá hơn. Họ nhận xét là "tiếng Anh của bạn rất tốt ở phần ngữ pháp nhưng ngữ điệu và trọng âm thì cần cải thiện". Hóa ra là ngoài việc học ngữ pháp thì đọc đúng trọng âm của từ cũng như có ngữ điệu phù hợp cũng quan trọng không khác gì đọc các từ tiếng Việt đúng dấu.

Khi còn đi học, tôi nghĩ nếu muốn tạo ra lợi thế thì phải chọn một chuyên ngành để xây dựng kho từ vựng và kiến thức. Thế là tôi chọn đọc các bài báo về văn hóa, lịch sử. Càng về sau này khi sử dụng tiếng Anh nhiều hơn trong công việc, tôi mới thấy các kiến thức nền tảng về chính trị, văn hóa, xã hội giúp người sử dụng ít nhất cũng duy trì được cuộc đối thoại dài hơn là vài câu phát biểu giới thiệu bản thân hoặc những câu xã giao thông thường.

Hồi làm ở VTV4 tôi phỏng vấn một bạn học ở Anh về muốn ứng tuyển vào làm phát thanh viên tiếng Anh. Tôi cho bạn đó đến trường quay để đọc thử. Sau khi xem băng tôi gặp bạn ấy và bảo "em đi học lại tiếng Anh đi". Bạn ấy rất sốc và tỏ ra tức giận. Bạn bảo "vì các anh bắt em đọc những bài phóng sự của các anh nên em không tự tin được. Nếu để em tự nói những gì em nghĩ và em biết thì chắc chắn sẽ tốt hơn". Tôi bảo "nếu để em tự nói thì chỉ khoảng 30 phút là em hết vốn. Trong khi một năm kênh của anh phát hơn 8.000 giờ tiếng Anh nên em phải biết những thứ công việc yêu cầu chứ không phải chỉ dựa vào những gì mình có. Đó là chưa nói đến phát âm vẫn còn mất các phụ âm cuối." 

Trong một cuộc họp gần đây, sếp của tôi bảo "một đối tác nước ngoài vừa nói với tôi là cả công ty của ông chỉ có mỗi mình ông nói được tiếng Anh". Chúng tôi rất choáng về tuyên bố này. Sếp tôi giải thích "ý ông ấy là nói tiếng Anh mà không phải là thứ tiếng Anh chuyên ngành mình đang làm thì cũng như chưa biết nói tiếng Anh". Đúng thế, công việc của chúng tôi đòi hỏi phải hiểu các thuật ngữ về tài chính, đầu tư và quản trị doanh nghiệp thì mới có thể làm việc được với đối tác nước ngoài. Vì thế ở công ty, một yêu cầu bắt buộc là mọi cán bộ cao cấp phải có bằng MBA học bằng tiếng Anh, ưu tiên các chương trình MBA của nước ngoài.

Từ trải nghiệm bản thân, tôi đúc rút được mấy kinh nghiệm như thế này. Trước hết, nên học tiếng Anh càng sớm càng tốt. Có một cháu trong nhà tôi chỉ nhờ YouTube mà lúc mới 4-5 tuổi đã đọc và biết tất cả các từ về các phương tiện vận tải, đọc các con số từ 1-100. Trẻ em có mẫn cảm ngôn ngữ rất tốt nên rất dễ học ngoại ngữ khi còn chưa biết đọc, giống như các cháu học tiếng mẹ đẻ vậy. Ngoài ra, đã có nghiên cứu nói rằng nếu một người học ngoại ngữ trước 12 tuổi thì có khả năng học và nói ngoại ngữ đó như tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, kể cả khi bắt đầu muộn nhưng xác định đúng mục đích, sử dụng phương pháp phù hợp thì vẫn có thể làm chủ được ngoại ngữ. Có những học giả chỉ sau một năm học ngoại ngữ đã có thể dịch sách chuyên ngành.

Thứ hai, nên học một cách kỹ lưỡng, phải phát âm chuẩn xác. Học "nhúng" trong môi trường ngoại ngữ sẽ giúp học sinh sẽ không chỉ phát âm chuẩn mà còn nắm được các tình huống và ngữ cảnh để sử dụng đúng từ. Ông Trương Vĩnh Ký là một trong những người biết nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam từ trước đến nay, một phần vì khi còn nhỏ ông được học trong một trường dòng có học sinh từ nhiều nước khác nhau. Khi ông trò chuyện riêng với học sinh nước nào thì ông dùng ngôn ngữ nước đó. Khi làm việc ở Mỹ, tôi đã chứng kiến nhiều cháu con của đồng nghiệp sang Mỹ chưa biết tiếng Anh hoặc biết rất ít, nhưng chỉ sau 6 tháng các cháu đã nói tiếng Anh như học sinh bản xứ. Hiện nay, internet, truyền hình cáp, phim ảnh, các ứng dụng tin tức… là các công cụ rất hữu hiệu cho cách học này. 

Thứ ba, nên học tiếng Anh chuyên ngành, thay vì chỉ là tiếng Anh giao tiếp thông thường. Nói cách khác là học luôn các môn học bằng tiếng Anh từ bé và cùng với thời gian học sinh sẽ xây dựng được kiến thức nền vững chắc. Tại một cuộc hội thảo về dạy tiếng Anh, thay vì nói 10 phút, tôi chỉ nói 5 phút và xin phát một video 3 phút. Đó là một cháu học sinh lớp 2 trình bày bằng tiếng Anh một "dự án khoa học mini" rất thú vị với đủ kiến thức toán và khoa học. Cháu đó mới chỉ học tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học được một năm. Và tôi nghĩ nhiều cháu có thể học được và đạt được trình độ như thế nếu chuyên cần. Đối với học sinh lớn hơn, cách học hiệu quả là nên tìm tài liệu chuyên ngành để đọc và cần đọc sách, truyện tiếng Anh.  

Thứ tư, học tiếng Việt cho tốt. Những người giỏi ngoại ngữ chắc chắn là những người giỏi tiếng mẹ đẻ.

Cuối cùng là học mãi vì chúng ta không bao giờ có đủ kỹ năng và kiến thức để làm tốt công việc. Chỉ có cách tự học, tự bù đắp những kỹ năng, kiến thức còn thiếu thì mới có thể đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của công việc và có thể tồn tại được trong một thế giới cạnh tranh ngày càng khốc liệt này.

Tác giả: Ông Bạch Ngọc Chiến là thạc sĩ quan hệ ngoại giao tại Đại học Monash, Australia. Khởi nghiệp là giáo viên tiếng Anh, rồi làm hướng dẫn viên du lịch, ông Chiến từng công tác tại Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 2014, ông luân chuyển về địa phương giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Tháng 7/2019, ông được chỉ định tham gia ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, giữ chức Phó chủ tịch tổ chức này. Tháng 7/2020, ông Chiến xin thôi công tác, chuyển ra khu vực tư nhân làm Phó chủ tịch Tổ chức giáo dục Equest.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!