Sau 20 năm, tiếng Anh người Việt vẫn tụt hậu?

Cùng một xuất phát điểm, sau hơn 20 năm, Ba Lan đứng thứ 9 thế giới về trình độ tiếng Anh. Còn Việt Nam xếp hạng 29. Tại sao sau 20 năm, tiếng Anh chúng ta vẫn kém cỏi?

Kém 20 bậc so với Ba Lan

Theo cuộc khảo sát từ hơn 910.000 người trưởng thành học tiếng Anh toàn thế giới của Tổ chức giáo dục EF, Việt Nam xếp thứ 29/70 quốc gia về khả năng tiếng Anh. Ba Lan, một nước nằm trong khu vực Đông Âu, xếp hạng thứ 9/70.

Điều đáng nói ở đây là vào những năm 80 của thế kỷ 20, tình hình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam và Ba Lan có nhiều điểm tương đồng.

Theo Hoàng Vân Vân, trong bài nghiên cứu “Hiện trạng và vấn đề của việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam” (The current situation of Teaching English in Vietnam, 2008), ở miền Bắc những năm 1975 - 1986, 70% học sinh chọn tiếng Nga. Kế tiếp là tiếng Trung và tiếng Pháp. Tiếng Anh chỉ bắt đầu phổ biến từ những năm 1980 khi Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế. Năm 1982, tiếng Anh trở thành một môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông.

Sau 20 năm, tiếng Anh người Việt vẫn tụt hậu? - 1

Theo George Braine trong sách “Giảng dạy tiếng Anh trên thế giới” (Teaching English to the World, 2005), trước 1989, ngoại ngữ chính của người Ba Lan là tiếng Nga. Sau đó, Ba Lan thay thế tiếng Nga bằng tiếng Anh, tạo nên một cuộc cải cách giáo dục trong thế kỷ 21.

Sự thay đổi của Ba Lan chậm 3 năm (1989) so với Việt Nam (1986). Tuy nhiên, thời gian không ảnh hưởng đến kết quả, vì 2015, khả năng tiếng Anh của người Ba Lan xếp hạng thứ 9/70 nước trong khi Việt Nam chỉ đứng thứ 29.

Yếu nhất là tiếng Anh giao tiếp

Cô Tô Thùy Trang, giảng viên tiếng Anh tại ĐH Ngoại Thương TP.HCM chia sẻ: “Sau khi làm một số nghiên cứu, mình thấy rằng trong các nước thuộc khối ASEAN, Việt Nam gặp vấn đề tiếng Anh nhiều nhất. Ở các nước khác, ứng viên gặp rắc rối về tiếng Anh rất ít. Còn Việt Nam, các công ty nước ngoài tìm kiếm nhân sự giỏi chuyên môn thì có nhưng giỏi tiếng Anh thì rất hiếm. Lao động Việt Nam đặc biệt kém tiếng Anh giao tiếp.”

Nguyên nhân vì đâu?

Lý giải vì sao khả năng tiếng Anh của người Việt vẫn lẹt đẹt dù chịu khó đầu tư, cô Trang cho biết: “Học tiếng Anh thì phải sử dụng thực tế. Nhiều người học vì bằng chứ không học theo nhu cầu thực tế. Lắm trường hợp thi IELTS để du học, đạt 6.5 nhưng sang nước ngoài học chuyên sâu vẫn gặp vấn đề như thường. IELTS chỉ đảm bảo em đạt học bổng thôi, còn chuyện tiếp thu tiếng Anh lại hoàn toàn khác. Điều đó cho thấy người học phải quan tâm đến mục đích áp dụng khi học ngoại ngữ nhiều hơn. Nên định hướng ngay từ thồi sinh viên. Chứ ra đi làm thì hơi muộn rồi. Lúc ấy công việc nhiều, lấy chồng, có con, đủ thứ xảy ra, chẳng còn thời gian và nhiệt huyết để mà học tiếng Anh nữa.”

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu: “Chìa khóa để tránh tụt hậu cho người Việt là tiếng Anh”

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007, cố cựu Thủ tướng Singapore đã phát biểu: “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”. Tại buổi phỏng vấn với tờ News York Times vào năm 2010, ông nhấn mạnh: “Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của đất nước tôi và đó cũng là điều đem lại thành công cho chúng tôi thông qua việc kết nối rộng rãi với toàn cầu.”

Sau 20 năm, tiếng Anh người Việt vẫn tụt hậu? - 2

Có thể thấy rõ sau nhiều năm Việt Nam đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tiếng Anh. Đặc biệt khi so sánh với nước có cùng điểm xuất phát như Ba Lan.

Khả năng tiếng Anh kém cỏi khiến người Việt mất cơ hội phát triển kinh tế. Quan trọng hơn hết, chúng ta mất thời gian. Gần một phần tư thế kỷ đã qua đi và chúng ta vẫn kém cỏi so với bạn bè.

Trong tương lai, nếu phấn đấu, người Việt có thể lấy được tiền bạc và cơ hội đã bỏ lỡ. Song khoảng thời gian 20 năm ấy mãi mãi không bao giờ trở lại.

Đỗ Thanh Lam

(Thực hiện)