Ghế "nóng" Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hà Nội
Công cuộc "đốt lò" đang diễn ra theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và quy định pháp luật. Việc kỷ luật, khởi tố ông Nguyễn Thanh Long - nguyên Bộ trưởng Y tế, và ông Chu Ngọc Anh - nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, gần đây càng cho thấy "không có vùng cấm, không có nể nang", kể cả trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, rất cần sự ổn định về mặt tổ chức.
Thời gian qua, không riêng ngành y tế hay UBND TP Hà Nội có cán bộ cấp cao bị kỷ luật, khởi tố do vi phạm pháp luật; nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng đang trải qua quá trình làm trong sạch đội ngũ.
Có ý kiến cho rằng, việc lãnh đạo ngành bị xử lý khiến không khí trong đơn vị dường như chùng xuống, anh em cấp dưới khó tránh khỏi "tâm tư". Song thử hỏi, nếu tiêu cực vẫn tồn tại, nếu những ai có sai phạm không bị xử lý và những người đứng đầu không ai chịu trách nhiệm, liệu rằng đơn vị đó, ngành đó có tốt lên, có thể tiếp tục vận hành một cách lành mạnh?.
"Đừng sợ làm sẽ mất uy tín, sợ khuyết điểm là không tiến bộ được, mà làm để lấy lại uy tín và đã như thế thì phải công khai" - đây là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại một cuộc họp diễn ra vào tháng 4/2018. Và những gì đã và đang diễn ra là tất yếu: Có vi phạm thì phải xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó, cá nhân nào làm sai người đó chịu trách nhiệm, không thể có chuyện "đóng cửa bảo nhau" rút kinh nghiệm, hay "giơ cao đánh khẽ". Như Bác Hồ từng nói, "thà chặt một cành sâu cho cây xanh tốt", "một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm".
Đâu đó vẫn còn có những băn khoăn rằng việc cách chức nhiều cán bộ như vậy lấy đâu người làm. Đề cập thẳng về vấn đề này trong dịp tiếp xúc cử tri tại Hà Nội vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ "con chị nó đi, con dì nó lớn". "Vắng ông trưởng, ông phó tạm quyền thay, sau đó phải chọn người cho đúng, chính xác, chứ không vội vàng đưa, bầu người nào đó lên. Nếu không chín chắn, chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao?".
Tổng Bí thư nói thêm: "Đến nay Hà Nội vẫn chưa có chủ tịch chính thức phải không? Phải chọn người cho đúng, quan trọng vẫn là công tác cán bộ".
Thực tế, sau khi ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh bị kỷ luật, khởi tố thì ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, tạm thời điều hành hoạt động của Bộ Y tế kể từ ngày 7/6; ông Lê Hồng Sơn - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội phụ trách, điều hành hoạt động của UBND TP.
Trong bộ máy lãnh đạo thì chức danh nào cũng quan trọng, song chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Hà Nội có vị trí đặc biệt. Bộ Y tế là cơ quan liên quan đến sức khỏe của người dân và phòng chống dịch bệnh, còn Hà Nội là thủ đô của đất nước. Do vậy, bổ nhiệm nhân sự đảm đương được những vị trí này càng phải "chọn người cho đúng", có tài, có đức và đủ "kháng thể" để vượt qua cám dỗ tiêu cực, lợi ích nhóm.
Công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", thế nên, lựa chọn cán bộ phải kỹ lưỡng và thận trọng chứ không thể vì trống ghế mà vội vàng bổ nhiệm. Theo đó, những băn khoăn kiểu như "cách chức nhiều cán bộ lấy đâu người làm" là không cần thiết phải đặt ra và hoàn toàn không có cơ sở. Ai sai thì phải xử lý theo quy định pháp luật. Đất nước ta không thiếu người có thể đảm đương được những vị trí quan trọng, để đến mức "làm ngơ" với sai phạm. Không ai không thể thay thế, ngay cả với những vị trí quan trọng như Bộ trưởng, Chủ tịch UBND thành phố. Đâu phải chưa từng có tiền lệ về nhân sự cấp cao bị xử lý và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai phạm điều hành, vậy nhưng, các vị trí chủ chốt rốt cuộc cũng đều có người thay thế và công việc vẫn vận hành tốt!
Việc thay thế nhân sự vì vậy phải trên cơ sở kinh nghiệm, bài học thời gian qua, đồng thời tin tưởng rằng với thế hệ kế cận, khi việc sàng lọc, bổ nhiệm được thực hiện một cách thận trọng, sáng suốt thì không phải không có nhân tài sẵn sàng cống hiến.
Dù là ai khi ngồi vào những vị trí "ghế nóng" như Bộ trưởng Bộ Y tế hay Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng cần hiểu rõ trách nhiệm của người đứng đầu với tổ chức, biết lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ khó khăn được giao phó. Chức vụ đó hoàn toàn không phải là cơ hội để kiếm tìm lợi ích cá nhân!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!