Dẹp "taxi chặt chém" được không?
Nửa đầu tháng 5 liên tiếp xảy ra ba vụ tài xế taxi "chặt chém" và "nhảy đồ" của khách trên địa bàn Hà Nội. Trong đó có cả trường hợp liên quan đến khách du lịch nước ngoài. Hôm 5/5, sau khi hai nữ du khách người Nga bị một lái xe taxi chiếm đoạt 2 chiếc điện thoại, cơ quan chức năng đã truy tìm, bắt giữ lái xe và trả lại tài sản cho nạn nhân. Tuy nhiên, thông tin về sự việc lan nhanh và thêm một hình ảnh xấu xí nối dài chuỗi các sự việc tiêu cực trước đó liên quan đến tài xế taxi.
Công bằng mà nói, thời gian qua nhiều tài xế đã có hành động đáng biểu dương trong việc giúp đỡ khách, trả lại tài sản khách để quên. Nhưng thực tế đáng buồn là "con sâu làm rầu nồi canh". Tình trạng tiêu cực tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, nhưng khi thông tin lan truyền qua các kênh khác nhau đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh tài xế taxi nói riêng và địa phương nói chung.
Du khách trong nước cũng như nước ngoài hiện nay có nhiều lựa chọn điểm đến và những thông tin xấu sẽ khiến họ cân nhắc. Hơn nữa, dịch vụ taxi thường hoạt động ở các đầu mối giao thông, những nơi là "bộ mặt" và là điểm đến đầu tiên của du khách như sân bay, ga tàu, bến xe… Do vậy, thái độ và hành vi của tài xế taxi sẽ quyết định quan trọng đến trải nghiệm, nhận thức của du khách về địa phương nơi họ đến. Nhiều chuyên gia đã phân tích rằng đây không hề là chuyện nhỏ. Không dẹp được nạn taxi "chặt chém", "nhảy đồ" của khách và cao hơn nữa là xây dựng văn hóa phục vụ cho các tài xế taxi, thì chúng ta vẫn còn đứng trước những rủi ro nhất định trong nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, an toàn.
Những sự việc tiêu cực trên khi được phản ánh trên báo chí và mạng xã hội, đều nhận sự quan tâm rộng rãi và hàng loạt ý kiến lên án tài xế. Đặc biệt trong bối cảnh sau hai năm đại dịch, các cơ quan quản lý và cả xã hội đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để phục hồi du lịch, thu hút du khách thì những sự việc đó lại đi "ngược dòng", có thể khiến không ít nỗ lực đổ sông, đổ biển.
Cần nhìn thẳng vào sự thật rằng, tình trạng taxi "chặt chém", thậm chí "nhảy đồ" của khách đã tồn tại nhiều năm qua song không được khắc phục triệt để, dường như đang trở thành "bệnh nan y". Từ năm 2015, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đề cập đến 6 "nỗi sợ" của du khách nước ngoài khi tới Việt Nam, trong đó có tình trạng "làm giá", "chặt chém". Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà quan trọng hơn còn khiến khách du lịch cảm thấy không được coi trọng, bị coi thường.
Vậy không lẽ chúng ta bó tay trước thực trạng xấu xí nêu trên? Theo ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, những trường hợp taxi "chặt chém" hành khách trong thời gian vừa qua đều là taxi dù. Như vậy địa chỉ phát sinh nạn "chặt chém" đã được khoanh vùng rõ ràng. Trước hết, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này thì các cơ quan quản lý phải xử lý từ gốc rễ, đó là mạnh tay dẹp taxi dù. Trong trường hợp vẫn tồn tại loại hình vận chuyển khách trái phép là taxi dù và vẫn phát sinh nạn "chặt chém", cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý liên quan trực tiếp.
Ngoài ra, theo tôi, ở nước ta có nhiều cơ quan quản lý nhưng không rõ đầu mối, không xác định được ai là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của khách du lịch, ngăn chặn những hành vi nhằm thu lợi bất chính từ họ. Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực có mô hình cảnh sát du lịch, như Campuchia, Thái Lan, Malaysia… Ở Việt Nam, các chuyên gia từng đề cập đến sự cần thiết của mô hình này, nhất là một số địa phương thu hút đông du khách, song đến nay đây vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Một số chuyên gia cũng đã đề xuất phương án phân vùng quản lý taxi, hay thiết lập trung tâm điều hành taxi chung của Hà Nội như cách mà nhiều đô thị tiên tiến đã làm; khuyến khích các hãng taxi xây dựng công cụ giám sát giao dịch giữa lái xe và khách hàng.
Trước mắt, đường dây "nóng" tiếp nhận phản ánh của du khách về tình trạng "chặt chém" cần được công khai và hoạt động kịp thời hơn, tránh tình trạng khi người dân gọi đến thì lại gặp tình trạng đường dây "nguội". Về lâu dài, tôi cho rằng cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tài xế taxi hành nghề đúng quy định, cư xử văn minh, thì việc tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm là cần thiết. Sự lên án của cộng đồng qua các kênh báo chí, mạng xã hội đối với taxi "chặt chém" cũng sẽ góp phần tác động đến nhận thức, góp phần để tài xế nào đó dự định thực hiện hành vi xấu xí sẽ phải nghĩ lại.
Chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, an toàn, quảng bá du lịch…, thì cũng đừng tiếc nỗ lực để dẹp bỏ taxi "chặt chém".
Trần Thanh là phóng viên báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2017, theo dõi và đưa tin các lĩnh vực Pháp luật, Thời sự trên địa bàn Hà Nội.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!