Tâm điểm
TS Đặng Kim Sơn

Cuộc đua quốc gia thịnh vượng: Cơ hội bứt phá của Việt Nam

Cuộc đua quốc gia thịnh vượng: Cơ hội bứt phá của Việt Nam - 1

Trung tâm TPHCM nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa: Hoàng Giám)

Tăng trưởng kinh tế, trước hết để phục vụ mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi "không có gì quý hơn độc lập, tự do", hơn ai hết, Người hiểu rằng: "Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì". Dân là gốc của nước, dân giàu nước mạnh là mục tiêu của mọi dân tộc, mọi đất nước trên thế giới.

Liên hợp quốc có thành viên chính thức là 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Ngân hàng Thế giới chia 162 nước chính theo bốn mức thu nhập: 29 thuộc nhóm thu nhập thấp (bình quân thu nhập đầu người hàng năm dưới 1.026 USD); 50 thuộc nhóm thu nhập trung bình (từ 3.996 đến 12.375 USD) và 83 thuộc nhóm thu nhập cao (trên 12.357 USD). Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF thì chia 39/83 nước là "nước công nghiệp" hay các "nền kinh tế tiên tiến".

Trừ nhóm các nước "thu nhập cao" nhờ vào dầu mỏ và các lợi thế tự nhiên sẵn có, đa số các quốc gia ở Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương công nghiệp hóa sau hàng trăm năm tích lũy tư bản đầy mồ hôi, máu và nước mắt của giai cấp vô sản, xâm chiếm thuộc địa và lao động nô lệ. Con đường công nghiệp hóa trong hòa bình vài chục năm của các quốc gia mới giành được độc lập từ sau năm 1945, bằng sức lực, tài nguyên của chính mình là vô cùng gian nan.

Cuộc đua tiến về công nghiệp hóa bắt đầu sau năm 1945 nhưng chỉ xuất hiện được vài nền kinh tế công nghiệp mới được coi là kỳ tích như Israel, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Sau ngày bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, cùng với nước Đức thống nhất, sau gần 10 năm, có thêm Latvia, Estonia, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Croatia, Hungary… trở thành nước thu nhập cao và các nước này đều đã phát triển công nghiệp từ trước chiến tranh thế giới thứ 2.

Còn lại, hầu hết các nước đang phát triển, kể cả các quốc gia đã có nền công nghiệp hùng mạnh như nước Nga và nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ, vẫn đang chật vật vượt "bẫy thu nhập trung bình" do chưa đạt được mức tăng trưởng cao về thu nhập quốc dân (GNI/người) trong một thời gian liên tục.

Ngân hàng thế giới thường xuyên điều chỉnh ngưỡng phân loại này theo thu nhập trung bình đầu người và mức lạm phát thế giới, có thể dựa vào xu thế từ các giai đoạn trước để hình dung cái "bẫy" đó trong tương lai.

Các nền kinh tế thành công khi còn ở mức như Việt Nam năm 2018 (2.587 USD/người) phải nâng tốc độ tăng trưởng hàng năm lên 8,2 - 10,5% suốt 5 -9 năm để đưa chỉ số thu nhập quốc dân GNI/người vượt ngưỡng, như Nhật Bản giai đoạn 1966 - 1972; Hàn Quốc (1977 - 1985); Singapore (1971 - 1975)… Còn tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn hẳn. Đỉnh cao nhất cũng chỉ có 19 năm tăng trưởng trên 7% (1989 - 2007) rồi tốc độ đã chững lại dần.

Cuộc đua quốc gia thịnh vượng: Cơ hội bứt phá của Việt Nam - 2

Thu nhập bình quân đầu người của một số quốc gia, vùng lãnh thổ tính đến 2018. Nguồn: Ngân hàng Thế giới, theo phương pháp Atlas, đơn vị USD theo giá hiện hành.

Nhìn vào đồ thị dự báo tăng trưởng kinh tế tính từ năm 2018 theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới: trong vòng 5 năm sau Trung Quốc sẽ vượt lên mức quốc gia thu nhập cao; khoảng 10 năm sau là Malaysia và 10 năm nữa đến lượt Thái Lan. Trong thời gian tới, nếu Việt Nam thực sự thay đổi được mô hình tăng trưởng và tăng tốc thì có thể đạt kết quả khác nhau tùy mức độ. 

Theo mô phỏng của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia:

Tăng trưởng 6% mỗi năm như tốc độ 10 năm qua, so với mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra thì đến năm 2030, Việt Nam mới gần thành nước có thu nhập trung bình cao, có thể về đích chậm một năm nhưng đến năm 2045 khó mà trở thành nước thu nhập cao (phải chậm 6-7 năm).

Tăng trưởng 7% mỗi năm như thời kỳ đổi mới mạnh mẽ ngay sau mở cửa, Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao sớm hơn mốc năm 2030 nhưng đến năm 2045, vẫn có thể chậm đạt mục tiêu là nước thu nhập cao mất 1-2 năm. 

Tăng trưởng với tốc độ trung bình 8% mỗi năm thì chúng ta sẽ đến sớm hơn 3-4 năm với mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao, trước năm 2030 và trở thành nước thu nhập cao sớm hơn năm 2045 khoảng 2-3 năm.

Cuộc đua quốc gia thịnh vượng: Cơ hội bứt phá của Việt Nam - 3

Kịch bản đuổi theo các quốc gia trong vùng nếu Việt Nam tăng trưởng GNI/người trung bình 8% mỗi năm. Nguồn: Dự báo giai đoạn 2020 - 2050 của Nhóm nghiên cứu Trung tâm dự báo kinh tế xã hội quốc gia, dựa trên dữ liệu Ngân hàng Thế giới.

Rõ ràng, mô hình tăng trưởng cũ kéo dài đến hiện nay đang khiến kinh tế Việt Nam loay hoay trong bẫy thu nhập trung bình. Nếu kiên quyết chuyển sang mô hình tăng trưởng mới thì cơ hội bứt phá, vượt lên là khá hiện thực. Nhiệm vụ này đặt ra đã hơn 10 năm song Đại hội XIII đánh giá kinh tế Việt Nam "Chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng". Một quyết tâm chính trị phải nghiêm túc đặt ra để thực hiện cho được khát vọng dân tộc.

Ngày xưa tụt hậu nghĩa là mất độc lập, dân tộc lâm vào cảnh nô lệ; hôm qua tụt hậu là đói nghèo, chiến tranh, bất bình đẳng thì ngày hôm nay tụt hậu đồng nghĩa với bất ổn xã hội, thua thiệt kinh tế, đe dọa an ninh… Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) năm 1992 đã nhận định: "Trong cuộc chạy đua kinh tế đang diễn ra sôi động trên thế giới và trong khu vực, chúng ta phải tránh nguy cơ bị tụt hậu, phấn đấu thu hẹp khoảng cách và dần đuổi kịp các nước xung quanh thì mới giữ vững được độc lập, bảo vệ được an ninh chính trị, xã hội". 

Các quốc gia thành công trong cuộc đua hiện đại hóa không phải là những nước tự hào sau chiến thắng như Nga hay dựa vào thế mạnh sẵn có như Ukraine, mà lại là các dân tộc chịu khổ nhục của nghèo hèn như Hàn Quốc, những nền kinh tế ê chề sau chiến bại như Đài Loan, luôn lo sợ thường trực trước nguy cơ bị xâm lăng như Israel. 

Tổng thống Park Chung-hee nói với lao động Hàn Quốc làm thuê ở Đức một đêm đông năm 1964: "Nhìn khuôn mặt rám nắng của các bạn, trái tim tôi tan nát… Các bạn trải qua những khoảng thời gian cố gắng này chỉ vì Hàn Quốc quá nghèo khó". Họ cùng khóc, hạ quyết tâm "Chúng ta phải làm phần việc của mình để xóa đói nghèo ở Hàn Quốc, để thế hệ sau không phải trải qua những gì chúng ta đang trải qua". Nguyện ước "Làm thế nào một đất nước như Hàn Quốc, vốn không được chuẩn bị đầy đủ cho kỷ nguyên sắp tới, lại có thể giàu có như Đức bây giờ?" đã thành hiện thực chỉ 15-20 năm sau, nhờ quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân.

Đau đớn tột cùng mới tạo được quyết tâm chính trị đủ biến khát vọng thành hiện thực. Việt Nam đã có quyết tâm đó năm 1945 khi từ thân nô lệ đói khát dành độc lập tự do; năm 1986 từ đáy sâu khủng hoảng kinh tế bứt phá đổi mới.

Cuộc đua quốc gia thịnh vượng: Cơ hội bứt phá của Việt Nam - 4

So sánh GDP bình quân đầu người của Việt Nam với một số nước trong vùng trong 130 năm. Nguồn: Tính theo số của The Madison project (Sách Economy - A Millennial Perspective) theo giá USD cố định 1990.

Trên con đường đến thịnh vượng và văn minh, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Việt Nam có thể tập trung làm bốn việc để đạt mức phát triển kinh tế nhanh 7-8% trong quỹ thời gian 10-20 năm, kịp về đích như mục tiêu đề ra và có tích lũy đủ nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho tương lai. 

Thứ nhất, điều chỉnh không gian của hai vùng kinh tế trọng điểm và hai thành phố chính để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; thứ hai, điều chỉnh cơ cấu kinh tế ngành theo lợi thế đa dạng các vùng kinh tế; thứ ba, sắp xếp thế trận các thành phần kinh tế để xây dựng nội lực quốc gia; thứ tư, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực bằng cơ chế thị trường. Đây chính là nội dung cơ bản của đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhưng để có tất cả, cần quyết tâm chính trị cao độ của Nhà nước và Nhân dân.

Hiện nay, thế giới đang xem xét điều chỉnh tại cơ cấu lại mô hình phát triển sau đại dịch Covid-19, cùng với đó là sự thay đổi địa chính trị toàn cầu và biến đổi khí hậu nhanh chóng. Việt Nam cần tranh thủ tối đa mọi cơ hội của cách mạng công nghệ số, định hình lại để phát triển theo hướng mới trong khoảng 4-5 năm trước mắt, có quyết tâm và nhanh chóng gắn quá trình phục hồi kinh tế với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tác giả: TS Đặng Kim Sơn từng giữ chức Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2016. Ông hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!