Điều gì làm nên "sự khác biệt Israel"?
Trong chương trình đối thoại với cựu thủ tướng Israel Ehud Barak diễn ra ở Nhà hát Lớn, Hà Nội ngày 16/8, ông Ehud Barak đã chia sẻ về những kỳ tích của "Quốc gia khởi nghiệp" - tên một cuốn sách về sự phát triển kinh tế của Israel. Đây là những điều đã được cả thế giới biết đến. Một ví dụ trong vô vàn những điều mà người Israel đã làm được: Đất nước này có Biển Chết, theo đúng nghĩa đen của từ này vì nước quá mặn không một sinh vật nào sống nổi. Thế nhưng, hơn một nửa lượng nước mà Israel tiêu thụ trong năm là từ nguồn khử mặn. Hệ thống khử mặn khổng lồ có thể lấy nước biển và biến thành nước tinh khiết.
Israel không có kỳ quan được thiên nhiên ban tặng như vịnh Hạ Long hay vịnh Bái Tử Long của Việt Nam, nhưng có một "kỳ quan" khiến cả thế giới ngưỡng mộ, đó chính là trí tuệ của người Do Thái. Dựa vào trí tuệ, người Israel đã biến đất nước khô cằn với một nửa quốc gia nằm trong sa mạc trở thành đất nước có nền công nghệ nông nghiệp hàng đầu thế giới. Họ đã phát triển loại hình nông nghiệp chất lượng cao tách biệt khỏi mặt đất. Cây trồng không gieo dưới đất mà được trồng trong nhà kính có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất dinh dưỡng…
Nhưng ông Ehud Barak lại thành thật cho rằng: "Tôi không tin có sự khác biệt nào giữa người Israel và bất kỳ dân tộc nào khác. Tất cả chúng ta đều bình đẳng. Chất xám người Việt cũng có chất lượng cao như của người Israel".
Vậy điều gì làm nên sự khác biệt? Theo ông Ehud Barak, sáng tạo chính là tài nguyên của Israel và đưa đất nước này trở thành quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Muốn sáng tạo, phải vượt qua những khuôn khổ, biết phá vỡ những rào cản, không rập khuôn. Người Israel không bao giờ chấp nhận chỉ có một ý kiến đúng về một vấn đề, bởi vì cuộc sống có thể thay đổi. Cách đây hơn 40 năm, Chính phủ Israel đã bắt đầu có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để khởi nghiệp sáng tạo.
Trông người mà ngẫm đến ta, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới sáng tạo - xem đây như một động lực tăng trưởng mới khi mà mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào vốn, tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ đã tới giới hạn. Thế nhưng, công cuộc đổi mới sáng tạo ấy đang là cả một "hành lộ nan" với không ít những rào cản. Trả lời phỏng vấn người viết bài này, ông Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) thẳng thắn cho rằng những thói quen, tư duy cũ và không ít quy định hiện hành đang kìm hãm đổi mới sáng tạo.
Trong nhiều trường hợp, cơ chế "làm theo quy định, tiến theo quy trình" đã triệt tiêu mọi sáng tạo. Thoạt nghe chắc nhiều người không đồng ý, bởi vì "làm theo quy định" là đúng rồi, không lẽ làm trái quy định? Vấn đề ở đây không phải câu chuyện làm đúng hay làm sai quy định, bởi vì quy định đặt ra để thực hiện. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở "làm theo" thì làm sao có thể đổi mới sáng tạo, nhất là trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất kinh doanh. Không làm trái nhưng vượt lên những lề thói cũ, dám đổi mới, dám sáng tạo thì có được không? Sản phẩm của một nền khoa học công nghệ "theo quy trình, đúng quy định" nhiều khi chỉ là những bản báo cáo trước các hội đồng nghiệm thu rồi xếp bỏ vào ngăn kéo, không hề được ứng dụng trong cuộc sống.
GS Vũ Hà Văn - Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (Vin BigData Institute), có lần đã tâm sự với tôi: Ông nhận thấy nhiều địa phương có nguồn ngân sách lớn, muốn đầu tư vào công nghệ nhưng gặp nhiều thủ tục chồng chéo nhau và gần như không thể tiến hành một dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo mà đúng với quy định.
Thực tế này đòi hỏi thay đổi phương thức quản lý theo sản phẩm và kết quả. Vấn đề lớn hơn là xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, trong đó không phải chỉ đội ngũ nghiên cứu, doanh nhân…, mà cán bộ, công chức cũng phải trăn trở tìm giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của đất nước. Ông Nguyễn Đình Cung tâm sự: Khi đi đến một số địa phương, lãnh đạo chia sẻ rằng đứng trước một vấn đề nào đó phải 99,9% an toàn về mặt pháp lý thì họ mới quyết định. Như vậy còn không gian nào cho đổi mới sáng tạo?.
Trở lại với phát biểu của cựu thủ tướng Israel Ehud Barak, người Israel có văn hóa phản biện trong truyền thống, từ xa xưa, họ không bao giờ hài lòng với một giải pháp có sẵn, không chấp nhận việc chỉ có một ý kiến đúng về một vấn đề nào đó bởi vì cuộc sống luôn vận động và mọi thứ đều có thể thay đổi. Khi bàn bạc về quyết sách thì tự do tranh luận, không ai độc quyền chân lý. Nhưng khi thực hiện quyết sách thì trên dưới một lòng. Trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo và ngay cả trong cuộc sống, thất bại là giai đoạn quá độ để tiến tới một giai đoạn thành công hơn, chứ thất bại không phải là vết nhơ hay bi kịch.
Trong khi đó, ở Việt Nam, chúng ta biết rằng doanh nghiệp nhà nước sẽ không dám mạo hiểm đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo vì theo quy định, nếu đầu tư thì không được phép thất bại. Nhưng với khởi nghiệp sáng tạo, 100 dự án đầu tư, chỉ cần một vài dự án thành công đã có thể tạo ra giá trị đột phá lớn, lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều những gì đã bỏ ra.
Theo ông Ehud Barak, ngay ở Israel có lẽ chỉ 5 trong số 100 công ty khởi nghiệp thực sự thành công. Với tư duy sợ thất bại, không dám thất bại, không được phép thất bại thì chắc chắn không ai dám làm gì.
Kinh nghiệm quốc tế đã rõ, những bài học lịch sử không thiếu và hiện nay cũng đã có chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Con đường phát triển dựa trên sự đổi mới sáng tạo sẽ hình thành từ văn hóa "không ngại thất bại" và phản biện - điều mà người Israel luôn có cùng với hành trình quốc gia khởi nghiệp của họ.
Tác giả: Nhà báo Phùng Nguyên hiện công tác tại báo Nhân Dân. Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí Quốc gia.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn.