Tâm điểm
Hoàng Lam

Cú tát "triệu like"

Một sự việc hi hữu và chấn động tại lễ trao giải Oscar lần thứ 94 diễn ra vào ngày 28/3, khi nam diễn viên Will Smith đi thẳng lên sân khấu và... dành một cú tát cho Chris Rock. Nam diễn viên hài Chris Rock trong vai trò người trao giải ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất đã có lời đùa thái quá về chiếc đầu đinh của Jada Pinkett Smith - vợ Will Smith, vốn dĩ là hệ quả của căn bệnh rụng tóc mà nữ diễn viên này đang phải đối mặt.

Không ai khuyến khích hành vi bạo lực, đặc biệt là ở một sự kiện văn hóa giải trí tầm cỡ, quy tụ nhiều diễn viên, gương mặt nổi tiếng và được tường thuật trực tiếp ở nhiều kênh sóng, tuy nhiên hành động của nam diễn viên Will Smith lại được cộng đồng mạng, đặc biệt là chị em phụ nữ "rần rần" ủng hộ.

Ở vị thế của một người phụ nữ và một người vợ, tôi cảm thấy vợ của Will Smith thật hạnh phúc khi chồng cô sẵn sàng đối mặt với dư luận để bảo vệ mình. Được người đàn ông của mình bảo vệ và chở che, đó là điều mà tất cả phụ nữ đều mong ước. Tôi cho rằng, cú tát của Will Smith không chỉ là để bảo vệ vợ mình mà là lời tuyên chiến mạnh mẽ đối với vấn nạn miệt thị ngoại hình và bình phẩm khiếm nhã về ngoại hình của người phụ nữ, mà vợ anh là một trong số những nạn nhân.

Không ai sinh ra đều may mắn xinh đẹp. Nhưng nếu chưa đẹp và không có những đường nét đúng "tiêu chuẩn đẹp" thì cũng không phải lỗi của họ và bản thân họ không đáng phải chịu tổn thương từ đánh giá của người khác đối với ngoại hình của mình.

Bản thân tôi cũng là nạn nhân của những lời nhận xét khiếm nhã về ngoại hình, mặc dù những người đưa ra những lời nói ấy không hẳn là đã cố ý. Một người phụ nữ tăng cân không kiểm soát sau 2 lần sinh nở và "sở hữu" làn da đen bẩm sinh, chính bản thân tôi cũng không thấy tự tin về bản thân nhưng khi nghe những lời nhận xét "không mấy dễ chịu" từ những người xung quanh, tôi không khỏi chạnh lòng. Dù cố gắng "miễn nhiễm" trước những bình phẩm nhưng rõ ràng nó đã cản trở tôi trong cuộc sống, trong công việc, thậm chí cả những thú vui nhỏ nhỏ rất phụ nữ là chụp ảnh khoe Facebook.

Bởi vậy, tôi thực sự nể phục Nguyễn Trần Thiên Hà và Nguyễn Ngọc Dung - 2 trong số các thí sinh dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2022. Nếu Thiên Hà gây tranh cãi với hình dáng có phần mũm mĩm thì Ngọc Dung không có chiều cao theo "chuẩn đẹp" của số đông. Tôi nghĩ họ cũng sẽ buồn, cũng sẽ tổn thương, nhưng điều quan trọng hơn là họ đã sẵn sàng đối mặt với dư luận để làm điều mình muốn và nỗ lực vì mục tiêu ấy. Vẻ đẹp về bản lĩnh và lòng quyết tâm, hơn hết là họ biết yêu chính bản thân mình, theo tôi là điều xứng đáng được ghi nhận.

Chắc hẳn các bạn còn nhớ Anchilee Scott-Kemmis - đại diện cho phái đẹp đất nước Thái Lan tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Thế giới 2021. Anchilee Scott-Kemmis cũng gây tranh cãi bởi ngoại hình "vượt chuẩn" thường thấy của một cuộc thi nhan sắc. Tất nhiên, dù phải chịu nhiều áp lực từ những lời bình phẩm chê bai nhưng Anchilee Scott-Kemmis với phong thái trình diễn tự tin, sự thông minh sắc sảo, kỹ năng ứng xử nhạy bén và khả năng ngoại ngữ đã mạnh mẽ "tuyên chiến" với những định kiến về sắc đẹp để được là chính mình và tự hào về bản thân mình.

Ngoại hình có thể thay đổi theo thời gian và quan niệm về cái đẹp cũng có thể thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Nhưng sự tôn trọng người khác, bao gồm cả ngoại hình cũng chính là phẩm giá của bản thân mỗi người. Một lời nói đùa cợt quá trớn về ngoại hình người khác còn sắc hơn một nhát dao bởi nó gây tổn thương lâu dài và khó xóa mờ, thậm chí còn đẩy họ vào bi kịch.  

Dù không ủng hộ việc sử dụng bạo lực để giải quyết bất kỳ vấn đề gì nhưng tôi sẵn sàng thả một "like" cho Will Smith. Và thêm một "phiếu" nữa cho nam tài tử này vì câu xin lỗi dành cho Chris Rock ngay sau đó. Tôi nghĩ cú tát này là bài học cho Chris Rock, và cũng là một lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai lấy ngoại hình người khác làm trò tiêu khiển rẻ tiền.