Bài học từ vụ "container hạt điều"
Các doanh nghiệp này ký hợp đồng thông qua một công ty môi giới nhưng không nhận được tiền thanh toán. Họ bắt đầu phát hiện các container mất kiểm soát và nhận thấy nhiều dấu hiệu lừa đảo, gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ thì mã SWIFT (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch toàn cầu) bị thay đổi nhiều lần. Doanh nghiệp Việt chưa nhận được tiền, còn người mua, bằng cách nào đó, đã lấy được bộ chứng từ gốc… Các container thì đang trên đường xuất sang Italy, có những container đã cập bến.
May mắn, sự việc kết thúc có hậu sau 3 tháng khi doanh nghiệp kiên trì đấu tranh và có sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng các bên liên quan. Đến nay toàn bộ container hạt điều nghi bị lừa đảo đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Sự việc trên có tính điển hình nhưng không phải duy nhất. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa, đối phó nên rất dễ vướng vào các lừa đảo, tranh chấp thương mại quốc tế. Khảo sát của PwC (một trong các công ty kiểm toán hàng đầu hiện nay) cho hay, 52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nói rằng họ trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát; cao hơn mức 46% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.
Vậy bài học rút ra từ vụ "container hạt điều" và thực trạng tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế thời gian qua là gì?
Đầu tiên, doanh nghiệp của chúng ta đã quá tin tưởng vào người môi giới. Hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản (thiếu nhiều điều khoản quan trọng) nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận.
Doanh nghiệp đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác, một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Trong vụ container hạt điều, khi thương vụ Việt Nam tại Italia hỗ trợ doanh nghiệp, đi kiểm tra, hầu hết công ty nhập khẩu đều có địa chỉ là nhà dân thường, ở vùng sâu vùng xa, không hoạt động, thậm chí có công ty là ngôi nhà bỏ hoang giữa cánh đồng...
Doanh nghiệp cũng không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro. Ví dụ Italia vốn là thị trường mua hạt điều rất ít, nay có hợp đồng lớn đột ngột, giao dịch trong thời gian ngắn mà không thấy đó là điều bất thường. Một dấu hiệu rủi ro khác là có nhiều chủ thể tham gia giao dịch (hàng đưa đến Italia, nhưng thanh toán qua ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ).
Một sơ hở lớn trong vụ việc vừa qua là doanh nghiệp cung cấp cho người mua mã DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh toàn cầu) gửi chứng từ đến ngân hàng. Với mã này, kẻ gian có thể theo dõi hành trình và can thiệp, đánh tráo, đánh cắp chứng từ ở một khâu nào đó.
Một kinh nghiệm hữu ích là chúng ta cần thận trọng với những đối tác thường thúc ép trong khâu đàm phán, thực hiện. Những đối tác chỉ dùng tin nhắn, không muốn gặp mặt hay nói chuyện trực tiếp, chỉ dùng email miễn phí cũng khó có thể tin tưởng. Về thanh toán quốc tế, cần lưu ý rằng ngân hàng không chỉ đóng vai trò tổ chức thanh toán mà còn có vai trò tư vấn. Ngân hàng có hệ thống đại lý của mình, và có thể tư vấn cho người bán biết một ngân hàng do người mua chỉ định có tin tưởng được hay không. Nếu không tin tưởng ngân hàng do người mua chỉ định, người bán nên thương lượng, đề nghị người mua chuyển sang ngân hàng khác, hoặc thay đổi phương thức thanh toán, hoặc yêu cầu phải có thêm bảo lãnh ngân hàng.
Doanh nghiệp nên yêu cầu người mua đặt cọc. Điều này vừa giúp chứng minh người mua thực sự có tài khoản ở ngân hàng, vừa thể hiện cam kết, ý chí thực sự của người mua. Việc yêu cầu đặt cọc là bình thường khi giao dịch với đối tác mới, doanh nghiệp không nên để người mua thuyết phục bỏ qua điều kiện này.
Trong trường hợp muốn bán hàng mà lại chưa yên tâm về người mua, người bán có thể yêu cầu vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Như vậy ai có vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng thì cũng chưa thể nhận được hàng.
Trong trường hợp cước phí trả tại Việt Nam (người bán thuê tàu và trả cước, như trường hợp các container điều vừa qua), người bán không nên trả hết tiền cho hãng tàu ngay, mà lấy bảo lãnh ngân hàng để đàm phán với hãng tàu cho thanh toán trả chậm. Nếu người mua chưa thanh toán tiền hàng, người bán chưa trả hết cước thì hãng tàu cũng không thể giao hàng cho người mua. Doanh nghiệp cũng có thể chọn sử dụng các phương thức phòng tránh rủi ro của ngân hàng, ví dụ xác nhận L/C, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng... Sẽ mất thêm một khoản phí, nhưng giảm bớt rủi ro.
Các phương thức phòng ngừa rủi ro khác bao gồm mua bảo hiểm thanh toán, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các công ty luật, mua thông tin từ các trang thông tin uy tín để xác minh độ tin cậy của đối tác...
Trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp logistics không chỉ là người giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các thủ tục vận chuyển, giao nhận hàng hóa với người bán, người mua mà còn đóng vai trò như một "van" an toàn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nếu người mua yêu cầu vận đơn đích danh, nên sử dụng nghiệp vụ 2 bộ vận đơn. Trên vận đơn chủ (vận đơn của hãng tàu, master bill of lading) ghi tên người nhận hàng là đại lý của doanh nghiệp logistics. Đối với vận đơn thứ cấp (vận đơn do doanh nghiệp logistics phát hành, house bill of lading), tên người nhận hàng chính là tên người mua hàng. Vận đơn chủ được gửi cho đại lý của doanh nghiệp logistics, còn vận đơn thứ cấp gửi cho ngân hàng người mua. Khi thanh toán tiền cho ngân hàng, người mua nhận được vận đơn thứ cấp, còn đại lý của doanh nghiệp logistics sẽ dùng vận đơn chủ để nhận hàng từ hãng tàu và sau đó giao cho người mua. Như vậy, nếu người mua hay ai đó có trong tay bộ vận đơn thứ cấp cũng không thể trực tiếp nhận hàng từ hãng tàu.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh tình trạng nhận hàng không đúng chất lượng như hợp đồng, thậm chí hợp đồng nhập khẩu đồ dùng gia đình, nhưng mở container ra là rác. Trường hợp này sẽ khó xảy ra nếu sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp logistics có đại lý giao nhận ở nước người bán.
Cuối cùng, doanh nghiệp Việt Nam đừng coi học tập, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, hay rộng hơn nữa là đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp là chi phí, mà hãy coi đó là khoản đầu tư! Khoản đầu tư đó sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của những rủi ro từ tranh chấp, lừa đảo trên thị trường quốc tế.
Tác giả: Ông Trần Thanh Hải là Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!