(Dân trí) - Sau một thời gian đắn đo, chị Huyền (Hà Nội) quyết định xuống tiền mua một căn hộ cũ cho bố mẹ ở quận Đống Đa thay vì lựa chọn một căn hộ mới ở các khu vực vùng ven.
"LỘT XÁC" CĂN HỘ 120 M2 SIÊU CŨ THÀNH NƠI NGHỈ DƯỠNG SANG CHẢNH NGÀY GIÃN CÁCH
Sau một thời gian đắn đo, chị Huyền (Hà Nội) cho biết gia đình chị đã quyết định "xuống tiền" mua một căn hộ cũ ở quận Đống Đa thay vì lựa chọn một căn hộ mới ở các khu vực vùng ven.
"Bố mẹ tôi đã quen với môi trường sống này, quen vị trí trung tâm, thuận lợi. Đã xem qua rất nhiều chỗ, nhưng căn hộ này khiến tôi thấy thu hút vì view rất đẹp, căn nhà thoáng và sáng", chị Huyền chia sẻ lý do bố mẹ chị quyết định chọn mua căn hộ này.
Dù biết là chọn một căn hộ rất cũ để sửa sang sẽ rất tốn kém thời gian lẫn tiền bạc nhưng theo chị Huyền: "View và vị trí mới là cái không thể thay đổi được, còn mọi thứ mình đều có thể thay đổi nếu quyết tâm. Bất cứ căn nhà nào cũng có thể sửa đẹp theo ý của mình". Chị quyết định phụ trách dự án cải tạo toàn bộ căn nhà này cho bố mẹ.
"Toàn bộ tường vách ngăn chia trong không gian chính trong nhà được đập bỏ, trần nhà tắm được đẩy cao lên, phân tách lại các phòng. Các đường điện, nước, điều hòa đều phải làm lại từ đầu...", chị Huyền nói.
Với tổng chi phí chưa đến 1 tỷ đồng bao gồm cả nội thất và các thiết bị đồ dùng mới 100%, chị Huyền cho biết sau 2,5 tháng thi công, mua sắm, bố mẹ chị đã chuyển về đây vào ngày 23/7, đúng thời điểm trước ngày Hà Nội thực hiện giãn cách.
Chị mong muốn căn hộ sau khi sửa sang sẽ như nơi nghỉ dưỡng của bố mẹ trong những ngày giãn cách. Đến nay, cả chị và bố mẹ đều cho rằng sự lựa chọn này là phù hợp và hoàn toàn ưng ý.
Căn bếp cũ được thiết kế khá chật chội, vật dụng cũ kỹ. Do vậy chị Huyền quyết định làm mới không gian bằng việc bỏ bớt những thứ không cần thiết, đồng thời chọn tông màu sáng kết hợp với gỗ trầm, vừa đảm bảo thoáng sáng lại vừa tạo cảm giác ấm cúng.
Căn bếp mới cũng được chị đầu tư hệ thống cây xanh làm vật trang trí khá bắt mắt, tạo cảm giác thư thái. Theo chị Huyền, căn bếp là phần rất quan trọng của căn nhà, xứng đáng được đầu tư nhiều nhất.
Phòng khách cũ của căn hộ thiếu sự đồng nhất về gạch sàn. Tường nhà là màu sơn xanh cũ của những thập niên 90. Để phục vụ ý tưởng biến căn hộ thành nơi nghỉ dưỡng, thiết kế chú trọng đến cách bố trí làm sao để không gian thư thái, nhiều mảng xanh, mộc mạc, nhiều ánh sáng, không gian chung phải thoáng rộng.
"Tôi rất sợ nơi nào chia nhỏ bằng quá nhiều vách ngăn, bởi sẽ làm nát không gian. Tôi đi tìm kiếm các từ khóa Santorini, Japandi, Mid-century… thế rồi chạm đến mái vòm, mảng tường trắng, các góc xanh trong nhà, tất nhiên bên cạnh công năng theo nhu cầu của gia đình", chị Huyền chia sẻ.
"Cú lột xác" tiếp theo là khu vực nhà tắm. Các phòng này được gia chủ lựa chọn với những điểm nhấn khác nhau, nhưng chung quy màu chủ đạo vẫn là gỗ kết hợp với những vật dụng men trắng, đảm bảo cảm giác sạch sẽ khi bước chân vào.
Phòng ngủ thiết kế khá tối giản. Chị Huyền cho biết căn hộ này khá rộng nhưng chỉ có 2 phòng ngủ. Do chỉ để ông bà ở, chị không thiết kế phòng trẻ con.
Ở căn phòng ngủ thứ hai, chị chọn tông màu gỗ là chủ đạo kết hợp thêm cây xanh và mảng tường trắng để ăn gian diện tích.
Sau khi xử lý một số vấn đề liên quan đến những hạng mục không cần thiết, loại bỏ phần rườm rà, phòng khách nhà bố mẹ chị Huyền đã trở nên thoáng đãng hơn, có không gian cho các cháu khi sang chơi.
"Ông bà cũng cảm thấy thoáng đãng hơn, giờ Hà Nội giãn cách cũng rất cần chỗ cho ông bà nghỉ ngơi", chị Huyền tâm sự.
Vì thiết kế lại không gian ở cho người lớn tuổi nên chị Huyền quyết định sử dụng gam ghi nhạt để vừa sang trọng nhưng cũng không có cảm giác chật chội bức bí. Nhiều người ví phòng khách này như một quán cà phê rất "chill".
Chị Huyền cho biết việc sửa lại căn hộ cũ thực sự rất mất thời gian, công sức nhưng nếu chú tâm, thành quả mang lại thú vị không kém gì căn hộ mới.