DNews

Nỗi tủi nhục của người phụ nữ lấy phải gã chồng "chí phèo"

Hạnh Linh

(Dân trí) - "Sao số tôi khổ thế này, lấy phải ông chồng nát rượu", lời chị Mong vừa cất lên, người chồng say xỉn đã "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" khiến chị chỉ biết ôm con 2 tháng tuổi ngồi chịu trận.

Nỗi tủi nhục của người phụ nữ lấy phải gã chồng "chí phèo"

Đánh vợ, ném con vì "ma men" dẫn lối

Ông Nguyễn Văn Phúc, Điều phối viên Ngôi nhà Ánh Dương thuộc Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa), cho biết hơn 2 năm qua, tổng đài 18001744 - Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa tiếp nhận 634 cuộc gọi liên quan đến bạo lực giới, 40 người phụ nữ đến tạm lánh.

"Họ có những câu chuyện, tuổi tác, điều kiện sống khác nhau nhưng chung hoàn cảnh cùng cực, bị chồng bạo lực", anh Phúc nói.

Nỗi tủi nhục của người phụ nữ lấy phải gã chồng chí phèo - 1

Bị chồng đánh đập, lăng mạ, một người phụ nữ đến tránh trú tại Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa (Ảnh: Ngôi nhà Ánh Dương).

Trong số những nạn nhân được Ngôi nhà Ánh Dương giúp đỡ, anh Phúc nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ đồng bào Thái, khuôn mặt khắc khổ, gầy gò của chị Vi Thị Mong, 38 tuổi, quê xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là nạn nhân được nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương về tận địa phương giúp đỡ vì bị chồng nghiện rượu thường xuyên đánh đập. 

Trong chia sẻ của mình, chị Mong cho biết, anh Vi Văn Du (chồng chị Mong) ham rượu chè. Mỗi lần say, anh đều chửi bới, đánh chị đến "chết đi sống lại". Nhiều lần chính quyền đến can thiệp nhưng chị Mong im lặng, không dám tố cáo chồng hành hạ.

Trước những trận đòn của người chồng say xỉn, chị Mong chỉ biết đau đớn kêu trời: "Sao số tôi khổ thế này, lấy ai không lấy lại đi lấy thằng nát rượu".

Nỗi tủi nhục của người phụ nữ lấy phải gã chồng chí phèo - 2

Ông Nguyễn Văn Phúc, Điều phối viên ngôi nhà Ánh Dương nghe điện thoại, trò chuyện với nạn nhân bị bạo lực (Ảnh: Hạnh Linh).

Tưởng chừng như lời kêu than của chị khiến người chồng say xỉn dần tỉnh ngộ. Nhưng nào ngờ, người đàn ông ấy lại liên tiếp trút giận lên người vợ bằng những trận đòn nhừ tử, còn chị Mong chỉ biết ngồi ôm con 2 tháng tuổi chịu trận.

Đánh vợ đã đành, người chồng vũ phu ấy còn giật đứa con trên tay chị Mong ném ra ngoài. Trước hành vi bạo lực của chồng, chị Mong chạy ra ôm con, vừa khóc vừa gọi điện cầu cứu tổng đài của Ngôi nhà Ánh Dương nhờ hỗ trợ.

Bắt vợ bán nhẫn cưới lấy tiền tiêu xài

Ông Phúc cho biết, bạo lực giới xảy ra ở tất cả các tầng lớp trong xã hội với nhiều nguyên nhân khác nhau như: kinh tế gia đình khó khăn, ngoại tình, ghen tuông, định kiến giới, chồng ham chơi, say rượu. Hệ lụy của bạo hành rất lớn và người chịu thiệt thòi không ai khác đó chính là phụ nữ và trẻ em.  

Theo ông Phúc, bạo lực gia đình không chỉ là những cái vung chân, vung tay mà còn là những câu mắng, đay nghiến... Những lời lẽ đó, mang đến những "vết thương", nỗi đau lớn về tinh thần khó chữa lành cho nạn nhân.

Nỗi tủi nhục của người phụ nữ lấy phải gã chồng chí phèo - 3

Một phụ nữ được tránh trú an toàn ở Ngôi nhà Ánh Dương (Ảnh: Ngôi nhà Ánh Dương).

Trường hợp của chị Lê Thị Hà ở thành phố Thanh Hóa là một câu chuyện bạo lực, khủng bố tinh thần.

Chia sẻ với Ngôi nhà Ánh Dương, chị Hà cho biết, chồng chị là Trần Văn Tài không có việc làm. Kinh tế phụ thuộc vào đồng lương công nhân của chị, cuộc sống ngày càng khó khăn khi anh Tài ham chơi, vợ chồng phải nương nhờ nhà ngoại.

Để có tiền tiêu xài, anh Tài đi vay nợ. Đến khi gia đình đã bán hết đồ đạc, anh bắt vợ bán cả nhẫn cưới để trả nợ. "Nhiều lần chị Hà viết đơn ly hôn nhưng anh Tài hứa sẽ thay đổi. Nghĩ đến con, chị lại cho chồng một cơ hội", anh Phúc kể.

Năm 2020, chị Hà vay mượn tiền để chồng sang Đài Loan (Trung Quốc) lao động. Nào ngờ "ngựa quen đường cũ", anh Tài đàn đúm ăn chơi. Sau 6 tháng ở xứ người, anh Tài trở về mang theo khoản nợ lớn. Khi chủ nợ đến đòi, anh Tài trốn ra Hà Nội.

Năm 2021, anh Tài về và khoe với vợ có công việc, thu nhập ổn, trả gần hết nợ. Thấy cuộc sống dần ổn định, chị Hà sinh thêm con. Nhưng khi con được 2 tháng tuổi thì nhận tin chồng giả chữ ký của mình để vay nợ 486 triệu đồng.

Tháng 7/2022, anh Tài không trả được nợ, chủ nợ đâm đơn kiện, anh bị kết án 2 năm tù. Sau khi chấp hành xong án, trở về, anh Tài thường xuyên đến nhà ngoại đòi đưa 2 đứa con về nuôi nhưng chị Hà không đồng ý. Thấy vợ từ chối lời đề nghị, anh Tài chửi bới, đay nghiến, khủng bố tinh thần, dọa bắt cóc các con và ép chị không được ly hôn.

Quá sợ hãi, chị Hà gọi điện đến Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa. Tiếp nhận thông tin, nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương tư vấn, trấn an, ổn định tâm lý, hướng dẫn chị cùng 2 con đến tránh trú ở Ngôi nhà Ánh Dương. Đồng thời, đưa chị Hà đến Trung tâm trợ giúp pháp lý, phối hợp với luật sư để tư vấn về các vấn đề pháp lý.

Quan niệm "tốt khoe, xấu che" cổ xúy cho bạo lực gia đình

Theo ông Phúc, hơn 2 năm đi vào hoạt động, tổng đài hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới của Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa tiếp nhận 2.380 cuộc gọi. Trong đó có 634 cuộc gọi liên quan đến bạo lực cần được trợ giúp. Số ca can thiệp qua tổng đài và cộng đồng là 184. Có 40 ca đến tạm lánh, trực tiếp được hỗ trợ tại Ngôi nhà Ánh Dương.

Năm 2024, số cuộc gọi liên quan đến bạo lực, số vụ can thiệp ở cộng đồng, số ca đến tránh trú ở Ngôi nhà Ánh Dương đều giảm so với năm 2022. Nhiều tháng trong năm 2023, 2024 Ngôi nhà Ánh Dương không có nạn nhân đến tạm lánh.

Nỗi tủi nhục của người phụ nữ lấy phải gã chồng chí phèo - 4

Căn bếp tại Ngôi nhà Ánh Dương (Ảnh: Hạnh Linh).

"Việc giảm các vụ bạo lực gia đình là tín hiệu đáng mừng. Song, chúng tôi lo ngại các đối tượng bị bạo lực im lặng, giữ quan niệm "tốt khoe, xấu che"", ông Phúc nói.

Ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, kiêm Giám đốc Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa, cho biết Ngôi nhà Ánh Dương hoạt động dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.

"Nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu, đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực", ông Xuyên nói.

Theo ông Xuyên, từ khi thành lập, Ngôi nhà Ánh Dương trở thành điểm tựa an toàn cho những người bị bạo lực giới, giúp họ được chăm sóc kịp thời, khắc phục tổn thương cơ thể và tâm lý.

Ngoài ra, những nạn nhân đến đây còn được cung cấp kiến thức, kỹ năng để có thể phòng ngừa và bảo vệ mình; có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm, bứt ra khỏi cuộc sống bế tắc,…

Nỗi tủi nhục của người phụ nữ lấy phải gã chồng chí phèo - 5

Nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương lắng nghe những tâm sự của người bị bạo lực (Ảnh: Ngôi nhà Ánh Dương).

Vừa qua, Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa thực hiện việc truyền thông trực tiếp cho 500 người là cộng tác viên công tác xã hội, người dân tại cộng đồng. Trong đó, tổ chức 10 lớp truyền thông nâng cao nhận thức về công tác xã hội trong cách phòng tránh, ứng phó với những thông tin tác động xấu của mạng xã hội gây ra cho 500 người là cha, mẹ, người chăm sóc và cộng tác viên công tác xã hội.

"Chúng tôi là những người làm dịch vụ nhưng thực lòng luôn mong "ế" khách. Nếu không may ai bị bạo lực thì hãy lên tiếng, liên hệ với Ngôi nhà Ánh Dương. Chúng tôi luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, tìm cách giải quyết, hướng dẫn cách chấm dứt bạo lực", ông Xuyên chia sẻ.

Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Ngôi nhà Ánh Dương là mô hình cung cấp các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và bảo vệ  cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Đây là những nỗ lực trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Hoạt động này nhằm giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Mô hình nhà tạm lánh thuộc dự án "Giảm nhẹ tác động của Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương, cũng như bảo đảm tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam", do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Ngôi nhà Ánh Dương ra đời không chỉ giúp nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có nơi tạm lánh an toàn khi gặp bạo lực về giới; còn tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các ban, ngành và tổ chức có liên quan trong giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới một cách chuyên nghiệp và thân thiện, áp dụng phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm.

Ngôi nhà Ánh Dương tại Thanh Hóa là 1 trong 4 cơ sở được xây dựng và vận hành tại Việt Nam. Tất cả mọi tiếp nhận hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới được thực hiện thông qua đường dây nóng miễn phí 18001744.