DNews

"Người Sài Gòn bất đắc dĩ" sống mòn dưới gầm cầu

Nguyễn Vy

(Dân trí) - 21 năm sống vô gia cư bên bờ sông ở TPHCM, dù đã mệt mỏi, anh Điền và gia đình cũng không có lựa chọn nào khác. Cuộc sống tạm bợ của cả nhà hoàn toàn đối lập với thành phố nhộn nhịp, phồn hoa.

"Người Sài Gòn bất đắc dĩ" sống mòn dưới gầm cầu

12h, cái nóng hầm hập giữa trưa khiến cả nhà anh Điền vã mồ hôi. Mỗi người chia nhau một góc, ngồi riêng cho thoáng.

Con trai út của anh chạy nhảy khắp nơi, chân đầy bùn đất, da dẻ đen nhẻm. Thỉnh thoảng, anh dáo dác nhìn về phía con vì sợ cậu nhóc lọt xuống sông, không biết bơi rồi chết đuối.

Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 1
Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 2

Gọi là nhà nhưng nơi gia đình anh ở chỉ là căn chòi lá dựng tạm ở bờ sông cỏ mọc um tùm, dưới chân cầu Bà Bướm (quận 7, TPHCM).

Anh Điền nói nửa đùa nửa thật, gia đình anh là "người Sài Gòn bất đắc dĩ". Ở giữa thành phố phồn hoa nhất nước nhưng cả nhà sống tạm bợ nơi mé sông, hiếm khi ra khỏi mảnh đất toàn bùn lầy ấy. Bầy trẻ con chẳng đi học, vợ chồng anh cũng chỉ biết đường đi từ nhà ra chợ, rồi từ chợ quay về nhà.

Anh nói dù mang tiếng sống ở thành phố nhưng gia đình anh chẳng thuộc về mảnh đất này.

Ở TPHCM, người ta có thể chi tiền "mát tay" cho những cuộc chơi xa hoa, sống trong các căn hộ cao ốc bạc tỷ. Đối lập với hình ảnh đó là những mảnh đời sống dưới chân cầu như gia đình anh Điền. Họ chỉ âm thầm lặng lẽ, tìm cách sinh tồn.

Sống như con nước trôi!

Anh Trần Thanh Điền (42 tuổi) cười chua chát, bộc bạch, có lẽ cả đời, anh cũng chẳng ngờ có lúc sống cảnh đời vô gia cư thế này.

Anh Điền quê ở Đồng Tháp, là con trai duy nhất của một gia đình không mấy khá giả. Khi anh 20 tuổi, gia đình làm ăn thất bại, phải bán hết ruộng vườn khiến cả nhà gần như trắng tay.

Năm đó, anh Điền quyết tâm lên TPHCM tự lập nghiệp, kiếm tiền, gửi về cho ba mẹ. Nhưng số phận đánh đố, anh Điền chẳng những không lo được cho gia đình, mà còn sống rất chật vật.

Thời điểm ấy, anh sống bằng đồng lương ít ỏi từ nghề bốc vác. Làm được vài năm, anh được mai mối rồi kết hôn với chị Nguyễn Thị Năm. Ở chung nhà với mẹ vợ không bao lâu, anh Điền đưa vợ con dọn ra ngoài.

Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 3
Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 4

Không tiền, không nhà, không ai giúp đỡ, anh Điền vét sạch tiền mua một chiếc ghe cũ rồi cùng vợ sống lênh đênh trên sông. Kể từ đó, cuộc sống của vợ chồng anh gắn liền với việc giăng lưới, mò tôm, bắt ốc, đắp đổi qua ngày.

Cuộc sống lênh đênh trên ghe khổ cực. Anh Điền nhớ mãi cảnh mưa xuống, nước tạt ướt rượt lòng thuyền. Vợ chồng anh lúc đó chỉ ôm nhau mà khóc, trách sao cuộc sống lại khổ đến thế. 

Về sau, một chủ đất thương tình, mới cho anh dựng chòi ở tạm, xây cho anh cả một cây cầu thép làm lối đi lại lên bờ. Căn chòi mưa thì dột, nắng thì nóng. Gia đình chỉ có một chiếc bình ắc quy đủ thắp sáng chiếc bóng đèn, có quạt cũng chẳng thể dùng.

Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 5
Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 6

Có nghề đánh cá, anh Điền kiếm được 200.000-300.000 đồng/ngày. Cứ tối đến, anh lại chèo xuồng ra giữa sông Sài Gòn, giăng 22 chiếc lú 12 cửa ngục. Đi đêm lắm, anh Điền cũng sợ cảnh gặp "ma".

"Ở đây, tối đến là im phăng phắc. Ám ảnh nhất là đợt dịch Covid-19 hay mấy dịp Tết. Vì không chỉ ban đêm, cả ngày hiếm lắm mới có tiếng xe máy chạy qua. Cảm giác cô đơn và bị cô lập khiến tôi không khỏi chạnh lòng", anh nói.

Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 7
Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 8

Vợ chồng anh sinh 3 người con. Từ đó, 5 miệng ăn phụ thuộc sức lao động của anh Điền. Chị Năm ám ảnh mỗi lần đi sinh con lại giật gấu vá vai, chạy vạy đủ nơi mượn tiền.

Lâu nay, chính quyền địa phương, mạnh thường quân thỉnh thoảng cũng đến giúp đỡ gia đình. Đồ đạc trong nhà từ điện thoại, quần áo, vật dụng bếp,… cũng là nhờ những người xung quanh thương tình, mang đến tặng. 

"Cuộc sống khó khăn, chúng tôi chỉ có thể sống đến đâu hay đến đó thôi", anh Điền thở dài.

Phận người chẳng dám ước mơ

Nhắc đến tương lai của các con, anh Điền cũng bối rối.

"Chắc gả 2 đứa con gái đi, cho có người chăm sóc cho chúng. Còn thằng nhỏ, nếu không được đi học, chắc sau này lại nối nghiệp tôi, cuộc sống long đong rồi cũng qua ngày", anh Điền nói, vẻ mặt buồn so.

Anh tự đặt tên số phận của gia đình mình là "phận chân cầu", sẽ chẳng bao giờ có một căn nhà ổn định. Sống ở đây lâu, cả nhà cũng đã quen với mùi bùn đất, rác thải.

3 đứa trẻ thất học. Hai chị My và Yến từng được đến lớp nhưng cũng nghỉ ngang vì nhà hết tiền. My năm nay đã 17 tuổi, giờ đi làm thêm ở quán cà phê để phụ ba mẹ trang trải sinh hoạt gia đình, nuôi em.

Yến mới 14 tuổi, cuộc sống quẩn quanh không có nổi một người bạn. Hằng ngày, cô bé chỉ ở nhà, ít nói, rất sợ người lạ. Ai hỏi về nguyện vọng học hành, Yến cũng chỉ đáp: "Dạ không, nhà con không có tiền".

Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 9
Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 10

Nhìn Yến, chị Năm bỗng thấy nghẹn ngào.

"Trước đây khi cả nhà còn sống trên ghe, Yến cũng được đi học. Tôi biết con muốn dẫn bạn về nhà chơi lắm, nhưng ghe thì chật, làm gì có chỗ tiếp khách.

Con biết nhà nghèo nên chủ động xin ba mẹ cho nghỉ học. Hay tin con nghỉ, thầy cô cứ tới vận động chúng tôi cho con trở lại trường. Tôi cũng muốn lắm, nhưng tiền ăn qua ngày còn đong đếm từng đồng…", chị Năm trầm ngâm.

Cậu con trai út là người khiến chị Năm bận lòng nhiều nhất. Năm nay cậu bé đã 6 tuổi mà thấp bé như đứa trẻ lên 4.

Cách căn chòi không xa là hai trường mầm non. Mỗi lần cùng mẹ ra chợ bán cá, cậu bé lại dừng chân, đứng nhìn mấy đứa nhỏ ríu rít phía sau cổng trường.

Nhiều lần, Đô hỏi: "Mẹ ơi, ngày mai con đi học nha mẹ?". Chị Năm chỉ im lặng, lén quẹt nước mắt, lảng sang chuyện khác.

Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 11
Người Sài Gòn bất đắc dĩ sống mòn dưới gầm cầu - 12

Nghe chị Năm nhắc hai chữ "đi học", Đô mừng rỡ, chạy vào hỏi mẹ thêm lần nữa. Người mẹ nuốt nước mắt, gật đầu đại để tránh phải đối mặt thêm với thắc mắc của con.

Nhìn gương mặt con, anh Điền cười gượng, ngồi trầm ngâm. Nghe gặng hỏi tiếp về tương lai bọn trẻ, anh Điền trau mày, suy nghĩ lung lắm.

"Chắc tôi ráng tích cóp, tìm cách cho con được đi học. Đời tôi khổ đủ rồi, mong con không phải khổ nữa", anh nói, ánh mắt nhìn xa xăm.

Ảnh: Nguyễn Vy