(Dân trí) - Tím không biết mình ngất đi, tỉnh lại bao nhiêu lần. Khi bò ra được đường lớn, cô kiệt sức, đôi chân như hóa đá do dẫm trong tuyết lạnh thời gian dài.
Tím không biết mình ngất đi, tỉnh lại bao nhiêu lần. Khi bò ra được đường lớn, cô kiệt sức, đôi chân như hóa đá do dẫm trong tuyết lạnh thời gian dài.
Ngôi nhà của ông Lữ Phò Biên (SN 1964, trú bản Pụng, xã Mường Ải, Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm lọt thỏm giữa bản. Thấy có khách đến, Lữ Thị Tím (SN 1985) từ căn buồng của mình khó nhọc đi bằng hai đầu gối ra. Đôi chân của Tím bị cắt cụt đến cổ chân - dấu vết kinh hoàng của cuộc trốn chạy khỏi bọn buôn người cách đây hơn 10 năm.
Lữ Thị Tím nức tiếng nơi bản làng vùng biên bởi tài thêu thùa. Dưới bàn tay của Tím, những hoa văn trên chiếc váy Thái trở nên sinh động, sặc sỡ hơn rất nhiều. Một ngày, người phụ nữ tên Nguyệt hay vào bản bán hàng đến tỉ tê, bảo chị ta có xưởng thêu bên Viêng Chăn (Lào), cần những người có tay nghề cao như Tím, nếu làm tốt, mỗi tháng có thể kiếm 2-3 triệu đồng. 3 triệu đồng thời điểm đó là cả một số tiền lớn mà cha mẹ Tím quần quật trên nương rẫy mấy tháng cũng khó mà kiểm đủ. Nghĩ tới, nghĩ lui, Tím đồng ý đi sang Lào.
Lên xe với Tím thời điểm đó còn có 2 người phụ nữ cùng bản. Uống xong chai nước, mắt Tím bắt đầu díp lại. Cô cũng không biết bao nhiêu lâu đã trôi qua, chỉ nhớ rằng khi tỉnh lại, nhìn thấy xe vẫn chạy trên đường, hai bên là những biển hiệu bằng chữ Trung Quốc. Chết rồi, mình bị bán sang Trung Quốc rồi!.
"Họ đã bán các em cho chị rồi. Giờ chị sẽ bán các em đi lấy chồng, các em đừng nghĩ đến chuyện chạy trốn", một người phụ nữ nói với Tím như thế khi cả nhóm được đưa đến căn nhà trên đồi vắng. Lúc này, ngoài Tím và 2 người đồng hương còn có 2 nạn nhân khác. Tất cả hoảng sợ, hoang mang khi vô tình nghe được điện thoại của người phụ nữ kia giục "khách" tới xem "hàng".
Trao đổi điện thoại xong, đôi nam nữ kia đi ra ngoài. Tím phát hiện cánh cửa vẫn đang mở hé, chưa được khóa lại. Phải chạy trốn thôi, bị bán đi lấy chồng biết sống hay chết, có khi sống không bằng chết?. Nhưng trốn thế nào được giữa rừng núi hoang vu, không biết tiếng, không có quần áo ấm, không có đồ ăn dự trữ, không biết đường như thế này?. Các cô gái hỏi Tím. Tím cũng không biết trả lời như thế nào, trong đầu chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Trốn thì hoặc được sống, hoặc phải chết, nhưng ở lại thì chắc chắn khổ cả đời.
Cơ hội không dễ gì có được. Tím không có thời gian để thuyết phục các bạn. Cô lách người qua cánh cửa, quên rằng trên người chỉ có độc manh áo mỏng, dép cũng không kịp xỏ vào chân...
Cuối năm, tuyết rơi trắng xóa cả sườn núi. Tím chưa thấy tuyết bao giờ, cũng không có thời gian để ý. Nỗi sợ hãi bao trùm, cô cắm đầu chạy về phía trước. Lạnh cắt da cắt thịt, cành cây cào vào mặt, vào người, Tím ngã xuống rồi đứng lên... Tím mải miết chạy trong vô định, trong sợ hãi, trong cái đói lả người và cái lạnh buốt đến tận ruột. Tím tìm được một cái hang nhỏ liền chạy vào đó để ẩn nấp nhưng hang tối, lại lạnh, không thể ở lại. Mà ở lại, nhỡ nhóm người kia đuổi kịp thì chỉ có chết. Tím lao ra, cắt rừng, cắt bóng tối mà đi. Tím cũng không biết mình ngất đi, tỉnh lại bao nhiêu lần, chỉ nhớ rằng mỗi lần tỉnh lại, người như đông đá, chân tay tê cứng, đau buốt nhưng lý trí lại thúc giục đứng lên. Lúc đầu thì chạy, sau thì bò, không bò được nữa thì trườn trên tuyết lạnh... Không biết bao nhiêu lâu thì Tím bò ra được một con đường rồi lại ngất đi. Hình như có ai lay vào người Tím, cô khó nhọc mở mắt ra, chỉ thấy 2 bóng người mờ mờ. Đó là đôi vợ chồng người Trung Quốc, họ thấy Tím ngất xỉu và lạnh cóng bên đường. Có hơi ấm của quần áo dày và bếp lửa, cô dần tỉnh lại. Tím vận dụng hết khả năng của đôi tay để cố gắng diễn đạt nhưng hai người kia vẫn không hiểu, cuối cùng họ gọi điện thoại báo cho công an...
Thay vì đưa tới đồn công an, Tím được chuyển thẳng tới bệnh viện. Thông qua người phiên dịch, bác sĩ thông báo đôi chân của Tím phải cắt bỏ, không thể giữ lại được bởi dẫm trong tuyết lạnh quá lâu... Tím ngất đi. Khi tỉnh lại, cả hai chân bị cắt đến cổ chân. Tím trở thành người tàn phế mất rồi!.
Khi sức khỏe của Tím tốt hơn, công an đến làm việc, hỏi thông tin quê quán của cô. Tím viết hết vào mảnh giấy, đưa cho người chăm sóc cũng là một người Việt Nam nhưng không hiểu sao nó không đến được tay vị công an kia. Cuối cùng, họ đưa Tím vào một cơ sở bảo trợ xã hội theo diện không xác định được lai lịch cụ thể.
Một ngày đầu năm 2017, có đoàn khách người Việt Nam tới. Tím không biết là ai, chỉ nghe loáng thoáng là người ở Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Tím như mở cờ trong bụng khi gặp được đồng hương. Một người đàn ông hỏi chuyện Tím, bảo Tím viết tên tuổi, địa chỉ và họ tên các thành viên trong gia đình vào tờ giấy, ông sẽ tìm giúp người nhà. Đôi tay Tím run run viết tên mình, tên bố mẹ, tên các em và địa chỉ, duy tên đứa em út thì Tím không còn nhớ nữa. Bẵng đi mấy tháng, người đàn ông vào thăm, thông báo đã tìm được người nhà của Tím. Mấy năm nay bố mẹ vẫn luôn tìm kiếm cô. Ông dặn Tím chờ thêm ít lâu nữa để phối hợp các cơ quan chức năng đưa Tím về với gia đình. Tháng 6/2017, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán, tổ chức chống mua bán người quốc tế và lực lượng công an 2 nước, Tím được đưa về Việt Nam...
Về với gia đình, với bố mẹ nhưng ký ức cuộc chạy trốn sinh tử kia vẫn ám ảnh cô trong từng giấc mơ. Mỗi lần thấy con mê ngủ, ú ớ, vùng vẫy, bà Biên đau lòng lắm. Bà bảo với chồng phải thịt con lợn to nhất cúng mà gọi hồn Tím về. Sự chăm sóc, động viên của bố mẹ, các anh chị em, của công an, hội phụ nữ... dần dần Tím bình tâm trở lại nhưng mặc cảm tàn phế khiến cô sống khép mình, suốt ngày ru rú trong căn buồng bé xíu của mình. Chỉ vài lần, cán bộ phụ nữ vận động Tím tham gia tuyên truyền chống nạn mua bán người, Tím được em trai cõng xuống nhà sàn, đi tới nhà văn hóa cộng đồng, còn phần lớn thời gian cô chỉ ngồi bất động trên giường, nhìn khoảng trời xanh qua chiếc cửa sổ con con của phòng mình.
Đôi chân bị cắt cụt cả hai bàn chân, Tím đi lại bằng đầu gối. Nhìn các em trưởng thành, dựng vợ, gả chồng, con cái đề huề, Tím tủi thân lắm. Tím mơ về mái ấm riêng của mình nhưng làm gì có ai dám gắn bó cuộc đời với một người tàn phế?. Nhưng chẳng lẽ mình cứ ăn bám bố mẹ và đứa em út mãi à?. Tím nghĩ thế nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Buồn, Tím lại mang kim chỉ ra thêu. Tay nghề Tím vẫn vậy, những đường nét hoa văn tinh xảo dần hiện lên sau đường kim mũi chỉ. Tím thêu váy nhưng cũng chẳng có cơ hội để mặc, bởi cô đâu còn chân!. Những chiếc chân váy Thái thêu xong được cất vào rương, khóa kỹ như cuộc đời muốn quên đi của Tím. Rồi các chị ở hội phụ nữ huyện, hội phụ nữ xã vào thăm, biết tay nghề của Tím rồi đặt hàng. Tím không bao giờ định được giá bán, nhưng khách trả khi 500 nghìn, khi cả triệu đồng cho mỗi cái chân váy. Tím có tiền để giúp bố mẹ, phần còn lại để dành sau này làm cho mình cái chân giả.
"Ở nhà sàn, xe lăn không dùng được. Nếu có cái chân giả lắp vào, có khi sau này tôi có thể đi lại được để tự lo cho mình", chị Tím ao ước. Dù sao, được trở về quê hương, bản quán với Tím là đã may mắn hơn 2 người bạn cùng bản. Tới nay, không ai biết tung tích của họ ở đâu, còn sống hay đã chết?.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Thủy Tiên