Khát vọng hòa bình trong những trang nhật ký của liệt sỹ tuổi 20
(Dân trí) - "Ta muốn sống tự do, hòa bình và hạnh phúc bên cha mẹ già, chị và em của ta. Ta muốn ngồi bên trong ngôi nhà ấm cúng thân yêu đã che chở nắng mưa từ thuở bé", người lính Nguyễn Trọng Ấn viết.
Bài lượng giác dang dở
Những ngày tháng 4, cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Trọng Ấn (quê Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) vượt chặng đường nửa vòng trái đất về với gia đình.
Theo ông Lê Tiến Dũng (nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sỹ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sỹ về quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh), bản ảnh cuốn nhật ký liệt sỹ Nguyễn Trọng Ấn được ông Lâm Hồng Tiên (Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam) tìm thấy trong kho tư liệu đồ sộ về chiến tranh Việt Nam lưu trữ trên website của Đại học Kỹ thuật Texas, Hoa Kỳ.
Cuốn nhật ký do phía Mỹ thu được trong một trận đụng độ với quân giải phóng ở Quảng Trị, tháng 8/1970 và đưa về Sài Gòn để nghiên cứu giải mã. Khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam đã mang cuộn phim chụp cuốn nhật ký này về nước, phục vụ cho việc nghiên cứu.
Chị Trần Nguyễn Mai Hương, cháu gái liệt sỹ Nguyễn Trọng Ấn hết sức bất ngờ, xúc động khi đón nhận cuốn nhật ký của người cậu liệt sỹ. Thay mặt gia đình, chị Hương gửi lời cảm ơn tới ông Lâm Hồng Tiên, người đã rất tâm huyết, công phu để tìm kiếm cuốn nhật ký giữa kho tài liệu rất lớn từ bên kia bán cầu; cảm ơn ông Lê Tiến Dũng đã kỳ công, trách nhiệm để tìm và trao cuốn nhật ký cho gia đình.
Theo chị Hương, từ những trang nhật ký, các con, các cháu thêm tự hào về người cậu, người ông đã hiến dâng thân mình cho Tổ quốc, tô thắm và làm vẻ vang hơn truyền thống gia đình, dòng họ. Chị cũng mong muốn sau khi đọc cuốn nhật ký này, các con, cháu sẽ nỗ lực hơn trong rèn luyện, học tập và cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước.
Liệt sỹ Nguyễn Trọng Ấn (SN 1950) là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 chị em. Năm 1968, trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, anh được lệnh lên đường nhập ngũ khi đang học dở lớp 9 (bậc trung học phổ thông hệ 2 năm).
Người lính Nguyễn Trọng Ấn được biên chế vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trong một trận đánh ác liệt tại Khe Sanh (Quảng Trị) vào ngày 16/8/1970, người lính trẻ Nguyễn Trọng Ấn ngã xuống, khi vừa tròn 20 tuổi. Phần mộ của anh sau này được gia đình tìm kiếm, cất bốc và đưa về an táng tại quê nhà.
Giấc mơ trở về và khát vọng hòa bình thấm đẫm trang nhật ký
Nhật ký vỏn vẹn 48 trang, mở đầu vào ngày 12/12/1968, bằng hồi ức của chàng trai 18 tuổi nhận giấy báo nhập ngũ khi "bài lượng giác làm dở dang" và kết thúc bằng dòng chữ "chào rừng thân yêu, chào con suối nhỏ". 48 trang nhật ký ghi lại bước đường hành quân, những khao khát trở về bên mái nhà có cha, có mẹ, có chị em gái...
18 tuổi, gánh trên vai món nợ non sông, người thành niên theo lời kể của bạn bè là có phần nhút nhát ấy đã hòa mình vào cuộc chiến của toàn dân tộc. Dường như, trên bước đường hành quân gian khổ, thiếu thốn và không kém phần hiểm nguy ấy, viết nhật ký trở thành nhu cầu để anh trút bầu tâm sự.
"Ngày lại qua ngày, càng đi đường càng dài mãi. Vực thẳm, sông sâu, đoàn quân vượt qua bao nhiêu rừng, bao nhiêu suối. Qua đất Nghệ An, cảnh làng xóm vắng dần, vắng dần và mất hẳn. Ta đi trong rừng sâu, đi mãi. Đã đến lúc khao khát phóng tầm mắt ra xa, nhìn bầu trời trong đẹp.
Buồn thay, suốt ngày chỉ có cây và cây. Hết dốc thấp lại đến dốc cao, luồn qua rừng rậm một vài ánh mặt trời le lói. Những khu rừng tĩnh mịch làm sao... Đường mới mở, tiếng bom thỉnh thoảng lại nổ từng tràng dài xé tan màn đêm...", Nguyễn Trọng Ấn lưu lại trong cuốn nhật ký.
Anh ghi lại cảm xúc trên đường hành quân, hay bắt gặp một khúc suối đẹp, một cánh rừng già. Những trận đánh, những lần đối mặt với sinh tử khi quả đạn pháo rơi cách 50cm, lần bị thương hay cái chết dữ dội xảy ra với đồng đội thân yêu... tất cả đều được người lính trẻ ghi vào nhật ký, như minh chứng rõ ràng nhất của sự khốc liệt và những hiểm nguy mà mỗi chiến sỹ phải đối mặt và vượt qua.
"16/7, ngày hôm nay, một ngày ghi đậm trong cuốn nhật ký này. Đau xót vô cùng. Ôi thế là thằng Thụ chết mất rồi. Anh Nguyên bị thương. Có thể nào tin? Nhưng đó là sự thật. Mười ba anh em đi cùng một đợt trong xã, đã 2 người không quay về. Đem ảnh của Nga ra xem. Chiếc ảnh còn đây mà mắt của mày thì không bao giờ mở nữa. Tao cũng không bao giờ trông thấy mày. Không ngờ ta gặp Thụ và Nga lần ấy là lần cuối", anh viết.
Trong khốc liệt của chiến tranh, ước mơ và khát khao về ngày hòa bình càng trở nên cháy bỏng hơn. Hơn một lần, từ hòa bình xuất hiện trong cuốn nhật ký. Đó là lần đơn vị đóng quân ở nơi cảnh sắc thiên nhiên "không thể chê được", anh ước ao có thể dừng lại ở đây để chơi trăng nhưng rồi lại dặn lòng "hãy để đến ngày hòa bình".
Trong một trang viết, người lính đã thốt lên "ta muốn sống tự do và hòa bình". Hòa bình - đó không phải là khát khao của riêng anh, mà là đích đến cuối cùng của cả dân tộc. Phía hòa bình ấy có cha, có mẹ, có chị em gái, có quê hương dấu yêu...
Trong cái khốc liệt chiến tranh ấy, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha vẫn luôn thường trực. "Nhớ nhà da diết. Bây giờ khoảng 6h chiều. Ở quê hương, mẹ kính yêu đang làm gì nhỉ? Đang làm cỏ ngoài vườn hay đi cấy vừa về. Người cha kính mến hiền từ đi làm đồng đã về chưa hay đang nằm nghỉ ở nhà ngoài. Còn em ta, có lẽ đang nấu cơm. Cơm đang sôi ư em?...". Đó là trang nhật ký cuối cùng, không ghi ngày tháng.
Người lính ấy đã nằm lại chiến trường, mang theo nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ mẹ cha và ước mong về ngày hòa bình mà phải mất thêm 5 năm nữa, cả dân tộc mới đi đến đích cuối cùng...