Đề xuất 5 quảng trường quanh hồ Thiền Quang: Lo ngại bê tông hóa mảng xanh
(Dân trí) - Trước đề xuất làm 5 quảng trường quanh hồ Thiền Quang, các chuyên gia lo ngại tình trạng bê tông hóa khu vực này, cũng như mục tiêu kết nối không gian khó thực hiện khi thiết kế chức năng khu biệt.
Đồ án thiết kế không gian đô thị quanh hồ Thiền Quang đang được UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lấy ý kiến người dân. Điểm nhấn của kế hoạch này là việc thiết kế 5 quảng trường, bao gồm 4 quảng trường ở các góc hồ mang tên Xuân, Hạ, Thu, Đông và một quảng trường nước ở phía vườn hoa công viên Thống Nhất.
Trước mục tiêu của dự án là tăng tính kết nối điểm dân cư và các trung tâm văn hóa xã hội của khu vực, một số chuyên gia nhận định thiết kế quảng trường với chức năng khu biệt có thể là hạn chế, khiến việc sử dụng không gian công cộng này trở nên thiếu hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu, tổ chức lại giao thông, tăng cường hoạt động sinh kế cho người dân... cũng là những vấn đề được các chuyên gia lưu ý trong quá trình UBND quận Hai Bà Trưng (chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn thiết kế, triển khai đồ án.
Khu biệt công năng từng quảng trường, quản lý thế nào?
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, KTS Đinh Đăng Hải, chuyên gia về không gian công cộng thuộc tổ chức HealthBrigde (Canada), nhấn mạnh sự cần thiết của dự án cải tạo và quy hoạch lại không gian xung quanh hồ Thiền Quang.
Theo ông Hải, việc quy hoạch lại khu vực này là một trong những hướng đi đúng đắn của Hà Nội và quận Hai Bà Trưng, nhằm tăng giá trị sử dụng không gian công cộng xung quanh mặt nước, tạo kết nối giữa hồ Thiền Quang với công viên Thống Nhất.
Dù vậy, vị chuyên gia băn khoăn trước đề xuất thiết kế 5 quảng trường ở quanh hồ này. Theo ông, chủ trương không sai, nhưng về mặt thiết kế có thể cần được xem xét lại.
"Có lẽ quận muốn tạo ra các quảng trường để hình thành các khu vực với công năng, chức năng sử dụng riêng biệt, mỗi khu vực lại dành cho một nhóm hoạt động khác nhau. Nhưng điều này nên được cân nhắc lại, vì các nhu cầu về sử dụng không gian công cộng của người dân luôn thay đổi và linh hoạt", ông Hải nói.
Theo thiết kế, quảng trường Mùa Xuân và Mùa Hạ là nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện chính với các khoảng không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ Thiền Quang.
Quảng trường Mùa Thu có chức năng vui chơi và diễn ra các hoạt động sôi nổi.
Còn lại, quảng trường Mùa Đông sẽ diễn ra các hoạt động "tĩnh" hơn như câu cá, chơi cờ...
Vị kiến trúc sư lo ngại nếu tạo ra các quảng trường với chức năng sử dụng quá tách bạch, khu biệt công năng một cách máy móc, có thể làm giảm hiệu quả trong việc người dân khai thác, sử dụng không gian, chính quyền cũng sẽ khó quản lý.
Cùng với đó, diện tích các khu vực cũng không phải quá lớn để thiết kế thành từng quảng trường riêng lẻ, mỗi khu không thể đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả người dân.
Vì vậy, ông góp ý đơn vị tư vấn nên cân nhắc phương án thiết kế không gian đa năng, cơ động, đa mục tiêu để người dân dễ dàng tiếp cận.
Lấy ví dụ trường hợp khai thác không gian công cộng rất thành công là xung quanh hồ Gươm, ông Hải cho biết vào cuối tuần, đây vừa là nơi cho người thích đi dạo, đọc sách, vừa là chỗ cho người dân tập thể dục, trẻ con cũng vẫn có thể vui chơi.
Theo ông Hải, tất cả hoạt động này được diễn ra trong cùng một không gian mở, không có những ranh giới về mặt vật lý cho từng hoạt động. Từ đó, mọi người được học cách chia sẻ không gian, tương tác với nhau. Chính điều này tạo ra sự đa dạng trong kết nối cộng đồng.
"Nếu phân chia khu vực chức năng, ở nơi chỉ dành cho người ngắm cảnh thì trẻ con có được vào chơi không? Việc quản lý cách người dân sử dụng không gian sẽ được thực hiện thế nào?", ông Hải đặt ra câu hỏi và nhấn mạnh tính đa năng, tiện ích dành cho người dân khi thiết kế một không gian công cộng phải được đặt lên hàng đầu.
Làm quảng trường không nhất thiết phải lát đá, dùng bê tông
Cùng đưa ra góc nhìn, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết thuật ngữ quảng trường dùng để chỉ không gian rộng được sử dụng cho các hoạt động đa năng.
Về tính chất, quảng trường không khác gì một công viên khi tạo ra không gian công cộng để người dân sử dụng.
Do đó, ông Ánh cho rằng không nên nặng nề với cụm từ "quảng trường" trong trường hợp này. Bởi lẽ nhiều người vẫn đang hiểu quảng trường là một công trình đồ sộ, bề thế, trong khi thực tế, đây có thể chỉ là một khoảng không gian mở, có thêm công trình nghệ thuật tạo điểm nhấn.
"Gọi tên thế nào không quan trọng bằng việc thiết kế nó ra sao. Kể cả khi muốn biến không gian xung quanh hồ này thành quảng trường, vẫn có nhiều cách làm hài hòa và hiệu quả hơn so với việc lát đá, dựng lên các khối bê tông như thiết kế đang có", ông Ánh nhấn mạnh.
Vị kiến trúc sư nêu rõ quan điểm không nên tư duy cứ quảng trường là phải lát đá. Có nhiều giải pháp khác nhau để vừa tạo ra không gian công cộng đô thị hiện đại, cảnh quan thu hút người dân mà vẫn thân thiện với môi trường.
Lấy ví dụ quảng trường Ba Đình có nền đất được chia thành 79 ô cỏ, ông Ánh cho rằng đơn vị thiết kế cho không gian quanh hồ Thiền Quang có thể cân nhắc phương án này.
Đồng thời, vị chuyên gia cũng góp ý đơn vị thiết kế cần tính đến việc kết nối, chia sẻ không gian chung, thay vì khu biệt công năng sử dụng.
"Người dân tìm đến không gian công cộng là để được chữa lành, nên hãy tìm cách để thiết kế thân thiện nhất có thể. Chưa kể bản thân một hồ nước đã như một hệ sinh thái tuần hoàn tự nhiên, nên đừng dùng những khối bê tông, đá lát để "bức tử" nó", KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.
Cung Thanh Niên nằm trong khuôn viên hồ Thiền Quang xuống cấp nghiêm trọng, đã đóng cửa nhiều năm để chờ cải tạo (Ảnh: Hà Mỹ).
Cùng góc nhìn, KTS Đinh Đăng Hải cho rằng trong bản thiết kế đang được lấy ý kiến người dân, các hạng mục chủ yếu thiên về tính kỹ thuật và biểu diễn hình học, trong khi diện tích thiên nhiên, cây xanh và thảm cỏ lại hạn chế.
Ông Hải cho biết không chỉ với hồ Thiền Quang, nhiều không gian công cộng khác ở Hà Nội như vườn hoa, vỉa hè cũng đang có xu hướng bị "đá hóa". Trong khi thực tế, những thiết kế này có thể khiến hiệu ứng đảo nhiệt đô thị ngày càng trở nên trầm trọng.
Ông góp ý cả chủ đầu tư và đơn vị thiết kế không gian này nên tính đến phương án thân thiện với môi trường hơn, như thiết kế các nền cỏ, thảm cỏ để giúp thấm hút tốt khi mưa xuống, cũng như có cơ hội để trồng thêm cây xanh.
Bên cạnh việc tập trung vào thiết kế các quảng trường, đồ án nên tính thêm nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kết nối không gian, bao gồm tổ chức lại giao thông, mở rộng thêm không gian xanh, tăng cường hoạt động sinh kế...
Nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc đầu tư, tái thiết lại không gian xung quanh hồ Thiền Quang, KTS Đinh Đăng Hải cho biết nếu được khai thác hiệu quả, khu vực hồ kết nối với công viên Thống Nhất có thể tạo ra một khoảng không gian công cộng rất lớn của thành phố.
"Có thể là hơi mơ mộng nhưng nếu quận Hai Bà Trưng khai thác, tận dụng được khoảng không gian kết nối giữa hồ Thiền Quang và công viên Thống Nhất, mô hình thậm chí này có thể thành công hơn cả khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm", ông Hải nói.
Kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn của Hà Nội
Theo UBND quận Hai Bà Trưng, dự án thiết kế không gian đô thị quanh hồ Thiền Quang có điểm mạnh là khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm ở trung tâm quận, giao thông thuận tiện, tập trung đông dân cư. Khu vực này là trung tâm văn hóa - xã hội của quận.
Đồng thời, mặt hồ có cảnh quan rộng, công viên ven hồ có nhiều cây xanh lâu năm cũng như các công trình tôn giáo, văn hóa lâu đời của khu vực. Điểm đặc biệt là khu vực này nằm tiếp giáp với công viên Thống Nhất - công viên lớn nhất 4 quận nội thành, tập trung nhiều dân cư sinh hoạt.
Về điểm yếu, đơn vị thiết kế cho biết công viên ven hồ và vỉa hè có rất ít tiện ích công cộng và dịch vụ thương mại, cơ sở hạ tầng đã cũ, lỗi thời và xuống cấp. Cảnh quan chung ở khu vực này cũng chưa hấp dẫn, nhiều điểm dịch vụ và đỗ xe tự phát gây mất mỹ quan.
Cùng với đó, công trình Cung Thanh Niên đã cũ và xuống cấp, hình thức và công năng không còn phù hợp với hiện tại, xung quanh hồ cũng chưa có sự kết nối tốt.
Quận Hai Bà Trưng kỳ vọng sau khi được quy hoạch và thiết kế lại, không gian quanh hồ Thiền Quang có đầy đủ điều kiện để trở thành cụm cảnh quan, điểm đến hấp dẫn của Hà Nội.
Cùng với đó, đồ án đặt ra mục tiêu trở thành điểm thu hút phần lớn hoạt động tham quan, vui chơi, mua sắm, nâng tầm đời sống của dân cư trong khu vực, là trung tâm kết nối với các khu vực xung quanh.