Quy trình sản xuất pháo hoa tầm cao bên trong Nhà máy Z121
(Dân trí) - Pháo hoa tầm cao ở Việt Nam có 3 công đoạn sản xuất chính gồm tạo viên màu, tổng lắp và quấn bồi. Mỗi công đoạn tuân thủ các quy định riêng để đảm bảo an toàn và sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường.
Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất các loại pháo hoa nổ, pháo hoa, hỏa thuật... phục vụ các dịp lễ hội trên cả nước.
Bất kỳ ai muốn vào phân xưởng sản xuất pháo hoa tham quan hay làm việc, khi đi qua cổng đều không được mang theo điện thoại, máy tính, bật lửa, thuốc lá... và cấm tuyệt đối với người có hơi men.
Trước khi vào sản xuất, công nhân phải nắm tay vào quả cầu cọc tiêu điện 3-5 giây để khử tĩnh điện trên người. Đây là quy định bắt buộc của công nhân Nhà máy Z121.
Tất cả các chặng sản xuất của Nhà máy Z121 đều có hệ thống báo cháy cứu hỏa tự động hiện đại. Khi có dấu hiệu mất an toàn, hệ thống này sẽ phun trực tiếp xuống vị trí đó để dập lửa và khói.
Thời gian phát ra tia lửa cho đến khi hệ thống xả nước tự động không quá 5 giây. Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, trang phục của công nhân từ quần áo bảo hộ, găng tay, mặt nạ, mũ, giày, quần áo lót,... đều làm bằng chất liệu vải cotton, không có sợi hóa học.
Trong sản xuất pháo hoa, dù dây chuyền hiện đại nhưng có những công đoạn vẫn phải làm thủ công vì máy móc không thể thay thế được. Việc này trên thế giới cũng vậy, đó là các công đoạn chính làm nên vẻ đẹp của pháo hoa, đòi hỏi tay nghề cao mới làm được.
Trong quy trình để làm ra một quả pháo hoa, bộ phận làm viên màu (trong ảnh) là quan trọng nhất. Công đoạn này được coi là "trái tim" của pháo hoa. Viên màu là tổng hòa của các phản ứng hóa học, tạo nên các màu sắc, ánh sáng và cả âm thanh cho quả pháo.
Mỗi quả pháo có nhiều viên màu và viên màu có cháy sáng đẹp hay không là do độ chắc đều của viên màu, điều này do tay người thợ cảm nhận.
Có hàng trăm loại viên màu với công nghệ tạo hiệu ứng khác nhau cần có kỹ năng thao tác thuần thục của người công nhân với từng loại viên màu.
Khi công đoạn tạo viên màu xong sẽ chuyển sang công đoạn lắp định hình quả pháo hay còn gọi là tổng lắp. Đây được coi là công đoạn tạo hình cho mỗi quả pháo bắn lên. Độ rộng tròn đều và hình dáng của mỗi phát bắn như thế nào phụ thuộc vào công đoạn này.
Công nhân xếp những viên màu vào khung hình quả pháo hoa (2 nửa bán cầu) và đòi hỏi thợ có tay nghề cao, sự tỉ mỉ và thận trọng. Mỗi tạo hình của pháo khi bắn lên sẽ phụ thuộc vào phương thức xếp các viên màu vào khung hình quả pháo.
Xong mỗi công đoạn, các quả pháo đều được đánh số để dễ dàng truy vết người làm, công đoạn làm khi phát hiện lỗi trước khi sang công đoạn khác hoặc đưa ra thị trường.
Tại công đoạn tổng lắp, công nhân sẽ gắn ngòi nổ vào quả pháo.
Khi tổng lắp, quấn đai chỉ quanh ngòi nổ xong, pháo sẽ được mang đi phơi sấy. Sau đó được chuyển sang công đoạn bồi quả. Hiểu đơn giản là quấn các lớp giấy lên mỗi quả pháo hoa.
Công đoạn này giúp định hình tăng cường cho lớp vỏ của pháo hoa, làm cho cơ tính xung quanh quả pháo được đồng đều, khi bắn lên sẽ tạo tán pháo hoa tròn, rộng theo cỡ quả.
Tùy từng kích cỡ quả pháo mà quy định số lớp quấn bồi khác nhau. Kích thước quả pháo càng lớn thì số lớp bồi càng nhiều. Những quả pháo hoa sau khi quấn bồi xong sẽ được mang đi phơi sấy.
Tại phân xưởng sản xuất pháo hoa tầm cao ở Nhà máy Z121 có nhiều kích thước khác nhau. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Lào…
Vẻ đẹp của pháo hoa chính là được khởi nguồn từ vẻ đẹp của cuộc sống và chúng được sao chép, sáng tạo. Những người sản xuất pháo hoa đã dùng lửa để thể hiện vẻ đẹp cuộc sống qua pháo hoa, tô điểm thêm cho cuộc sống muôn màu và lung linh hơn, tạo cảm xúc ấm no và hạnh phúc cho con người.