Trận địa pháo hoa ở Việt Nam được lắp đặt và khai hỏa như thế nào?
(Dân trí) - Trận địa pháo hoa tầm thấp hay tầm cao tại Việt Nam đều phải do đơn vị quân đội lắp đặt và vận hành. Pháo hoa, thiết bị được kiểm tra kỹ lưỡng khi đưa vào trận địa, kiểm tra lại trước khi khai hỏa.
Khi nhận nhiệm vụ tại mỗi chương trình bắn pháo hoa, cán bộ của Nhà máy Z121 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Bộ Quốc phòng) đều phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 137 của Chính phủ, Thông tư 125 của Bộ Công an, về pháo hoa.
Ngoài ra, cán bộ Nhà máy Z121 còn phải tuân thủ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật bắn pháo hoa của Bộ Quốc phòng.
Lực lượng thực hiện lắp đặt, vận hành, khai hỏa các trận địa pháo hoa ở Việt Nam (không áp dụng với các đơn vị nước ngoài tham gia cuộc thi pháo hoa quốc tế tại Việt Nam) phải là người của quân đội và được Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ về bắn pháo hoa.
Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Z121 đang đấu nối dây mồi lửa điện từ các quả pháo hoa vào hộp cầu đấu sau khi cố định các ống phóng pháo hoa bằng gông sắt và dây dù.
Các ống phóng được làm bằng chất liệu kim loại, có các đường kính khác nhau để phù hợp với kích cỡ từng loại pháo hoa.
Trước khi lắp đặt trận địa pháo hoa, cán bộ Nhà máy Z121 đi khảo sát địa hình và yêu cầu trận địa phải tuyệt đối an toàn cho người bắn, người xem, công trình xung quanh và khi bắn phải trình diễn đẹp mắt.
Mỗi quả pháo hoa thành phẩm đều được gắn một dây mồi lửa điện, sau đó dây này được cán bộ kỹ thuật đấu nối vào các cửa của hộp cầu đấu.
Nhiều giàn pháo hoa được lắp đặt tại trận địa pháo nhất định, do đó sẽ có nhiều hộp cầu đấu. Các hộp cầu đấu được đánh số thứ tự, trên mỗi hộp cầu đấu cũng ghi số các cửa. Mục đích đánh số nhằm phát hiện hộp cầu đấu, cửa nào đang bị lỗi để khắc phục trong quá trình kiểm tra trước khi khai hỏa.
Sau khi hoàn tất việc đấu nối dây mồi điện từ pháo hoa vào hộp cầu đấu, cán bộ kỹ thuật sẽ đấu nối dây dẫn từ mỗi hộp cầu đấu vào thiết bị bắn pháo hoa.
Thiết bị bắn pháo hoa này được nhập từ Mỹ, có 2 chế độ bắn tự động và bắn tay. Trong trường hợp chế độ bắn tự động gặp trục trặc, cán bộ kỹ thuật sẽ chuyển sang chế độ bắn tay.
Các trận địa pháo hoa được bắn theo kịch bản đã được lập trình từ trước. Việc lập trình này có thể thực hiện trực tiếp trên máy bắn pháo hoa, hoặc làm trên máy tính sau đó copy vào thẻ nhớ để đưa vào máy bắn pháo hoa.
Mỗi một trận địa pháo hoa, Nhà máy Z121 đều chuẩn bị 2 máy bắn pháo hoa (1 máy chính, 1 máy dự phòng). Khi máy chính gặp sự cố, lập tức cán bộ kỹ thuật sẽ chuyển sang máy dự phòng, thao tác này chỉ mất khoảng 5-7 giây.
Trước khi vận chuyển pháo hoa và thiết bị đến trận địa, cán bộ Nhà máy Z121 sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng pháo hoa, yêu cầu phải đạt chất lượng theo quy chuẩn quốc gia số 04 của Bộ Công an.
Đối với thiết bị khi đấu nối pháo hoa với mồi lửa điện, yêu cầu 100% phải phát hỏa theo đúng kịch bản.
Khi các công đoạn đấu nối đã xong, cán bộ kỹ thuật sẽ bịt các ống phóng bằng giấy bạc, mục đích để ngăn nước mưa rơi vào.
Các trận địa pháo hoa khi lắp đặt xong sẽ được phủ bạt, trước khi bắn 30 phút mới dỡ bạt. Thời điểm 30 phút này nếu trời mưa, các giấy bạc sẽ có tác dụng ngăn nước mưa.
Trước thời điểm bắn 30 phút, cán bộ kỹ thuật sẽ kiểm tra lại tình trạng hoạt động của tất cả các thiết bị và công việc này được lặp lại trước thời điểm bắn 5 phút. Mục đích của việc kiểm tra là yêu cầu thiết bị phải luôn ở trạng thái hoạt động tốt.
Quá trình kiểm tra, nếu có lỗi ở vị trí nào máy bắn pháo hoa sẽ hiển thị trên màn hình để cán bộ kỹ thuật dễ dàng tìm ra và khắc phục.
Pháo hoa Nhà máy Z121 rực rỡ sắc màu tại lễ khai mạc SEA Games 31 trên sân vận động Mỹ Đình. Đây là kỳ SEA Games mà Việt Nam được chọn làm nước chủ nhà và xuất sắc giành ngôi vị số 1 toàn đoàn.