Quảng trường 250 tỷ "biểu tượng văn hóa" ở Hòa Bình xuống cấp nghiêm trọng
(Dân trí) - Sau 6 năm đưa vào sử dụng, quảng trường "biểu tượng văn hóa" của tỉnh Hòa Bình đang xuống cấp nghiêm trọng, gạch ốp lát vỡ vụn, rác thải nhếch nhác khắp nơi, bị biến thành nơi buôn bán.
Quảng trường Hòa Bình được xây dựng tại phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình. Công trình được xây dựng nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình. Tổng số vốn xây dựng quảng trường là gần 250 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2016.
Ngoài tên gọi quảng trường Hòa Bình, đây còn được gọi là khu đa chức năng Quỳnh Lâm. Gọi là khu đa chức năng vì phức hợp các công trình về chính trị, kiến trúc, văn hóa, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị của TP Hòa Bình, mang tính hiện đại, nhưng lại khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó điểm nhấn đặc biệt là không gian văn hóa chiêng Mường - đặc trưng của người Mường tỉnh Hòa Bình.
Theo thiết kế, trọng tâm của quảng trường là khu lễ đài với biểu tượng tượng trưng cho 6 dân tộc chính sinh sống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gồm: Mường, Thái, Kinh, Tày, Dao, Mông.
Biểu tượng có 6 cột tạo nên hình tượng như khung nhà sàn của các dân tộc và cũng là hình tượng của chữ "Nhân"; mỗi cột đại diện cho 1 dân tộc chính của tỉnh. Hình chiêng Mường cách điệu trên nền hoa sao với khung hình vuông. Khái quát biểu tượng có ý nghĩa là "Thiên - Địa - Nhân".
Quảng trường Hòa Bình được thiết kế theo không gian công viên nhằm phục vụ sinh hoạt cộng đồng, với hồ nước hai bên có đài phun, hệ thống đèn chiếu sáng lung linh sắc màu, hệ thống cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ xanh mướt, hài hòa.
Sau 6 năm đưa vào sử dụng, quảng trường "biểu tượng văn hóa" của tỉnh Hòa Bình đang xuống cấp nghiêm trọng, đang bị biến thành nơi kinh doanh buôn bán.
Nhiều hạng mục trong khu quảng trường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng này hiện nay gạch ốp lát bị bong tróc, vỡ vụn gây mất mỹ quan. Đồng thời cũng gây nguy hiểm cho người dân khi đến đây vui chơi, giải trí, tham quan ngắm cảnh.
Ngay phía sau khu lễ đài là nhà điều hành, bảo vệ cùng với hệ thống sân, vườn cây, đèn chiếu sáng rộng rãi. Tuy nhiên, khu vực này từ nhiều năm qua đã bị biến thành nơi tập kết các xe hàng quán của nhiều hộ dân.
Việc quảng trường là công trình văn hóa, chính trị bị biến thành nơi tập kết các loại xe kinh doanh tự chế có sự "tiếp tay" của những người quản lý công trình.
Một người dân TP Hòa Bình cho biết, không dễ gì được để xe bán hàng tự chế ở khu vực này. Các hộ dân muốn gửi xe lại đây phải mất phí hàng tháng.
"Những chiếc xe hàng này ban ngày tập kết phía sau quảng trường, tối được đẩy ra sân trước để buôn bán. Việc làm này diễn ra nhiều năm nay nhưng không hề có cơ quan chức năng nào của thành phố cũng như của tỉnh xử lý", anh Trọng ở TP Hòa Bình nói.
Không chỉ đang bị xuống cấp, bị "xẻ thịt" biến thành nơi kinh doanh buôn bán, quảng trường gần 250 tỷ đồng, rộng khoảng 14,5ha nằm ngay giữa trung tâm TP Hòa Bình cũng đang trở nên nhếch nhác khi rác thải cũng bị vứt bừa bãi khắp nơi trong quảng trường.
Trong hồ của đài phun nước, rác thải nổi lềnh bềnh, nước hồ chuyển màu đen bẩn, bốc mùi hôi thối.
Dọc các lối đi trong quảng trường, nền được lát đá xanh sạch đẹp. Tuy nhiên, những đống rác thải nằm tràn lan nhiều nơi. Cả khu vực quảng trường rộng lớn nhưng không có người quyét dọn thường xuyên vì thế ngày càng trở nên nhếch nhác hơn.
Được biết, dự án xây dựng quảng trường Hòa Bình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào sử dựng, hiện nay đã được bàn giao cho Trung tâm văn hóa thể thao TP Hòa Bình quản lý. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Dân trí, toàn bộ công trình đang xuống cấp, không được duy tu bảo dưỡng.
Quảng trường Hòa Bình là công trình mang ý nghĩa lớn, góp phần tô đẹp thêm cho đô thị TP Hòa Bình, cũng như giúp người dân thành phố có không gian sống xanh sạch đẹp... Tuy nhiên, công trình hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, rác thải khắp nơi trở nên nhếch nhác, không phát huy hết công dụng, bị biến thành nơi buôn bán khiến người dân địa phương không khỏi xót xa.