Quả bộc phá gần 1.000kg trong lòng đồi A1 ở trận địa Điện Biên Phủ
(Dân trí) - Cựu chiến binh Trần Trọng Tú (97 tuổi) vẫn nhớ như in quá trình các đơn vị gom từng kg thuốc nổ để chuẩn bị cho quả bộc phá gần 1.000kg tại trận Điện Biên Phủ năm xưa.
Những ngày đầu tháng 5, khi cả nước đang hướng về Điện Biên chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), phóng viên Dân trí đã có dịp trò chuyện với ông Trần Trọng Tú (97 tuổi, ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) - người từng tham gia trọn vẹn 56 ngày đêm ở chiến dịch hào hùng này.
Tham gia 5 chiến dịch
Nhà ông Trần Trọng Tú nằm sâu trong con ngõ ở phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Không như tôi tưởng tượng, cựu chiến binh Trần Trọng Tú ở tuổi 97 vẫn nhanh nhẹn, tinh anh, giọng nói sang sảng.
Bên ấm trà vừa pha, ông Tú bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với quy mô hoành tráng. Ông chia sẻ, đó là niềm động viên, chia sẻ rất lớn với thế hệ những người như ông, đã từng "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Nhớ lại cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Tú kể, năm 1946 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ và tham gia nhiều chiến dịch.
Trước khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông từng tham gia 4 chiến dịch lớn là Chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950; Chiến dịch Đồng bằng sông Hồng năm 1951, hay còn gọi là Chiến dịch Hà Nam Ninh; Chiến dịch Hòa Bình năm 1952, ở khu vực Hòa Bình - sông Đà - đường 6 (cách Hà Nội khoảng 40-60km về phía Tây) và Chiến dịch ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) năm 1953.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chưa kịp ăn mừng, ông Tú cùng đồng đội lại trở về địa bàn Bắc Giang để "quét" nốt số quân xâm lược tại đây. Đến khoảng tháng 8/1954, ông cùng đồng đội quay về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 1959, ông Tú xuất ngũ chuyển sang làm kinh tế tại Khu gang thép Thái Nguyên.
Sau 4 năm học đại học, ra trường ông Tú được phân công làm hiệu trưởng Trường Công đoàn tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn).
"Đánh từ gầm giường địch đánh lên"
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Quyết tâm chiến lược của Đảng bắt đầu được thực hiện bằng quyết tâm hoàn thành chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Đảng đã huy động sức mạnh, tiềm lực của quân dân cả nước hỗ trợ và cung cấp bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành được thắng lợi.
Thời điểm này, ông Tú là Đại đội phó Đại đội 277, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn Thủ đô 102, Đại đoàn 308.
Sau đó một ngày, 7/12/1953, đơn vị ông Tú hành quân đi bộ lên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông kể, mỗi ngày chỉ đi được khoảng 20km với đường xấu, và 35km ở cung đường đẹp hơn. Với quãng đường khoảng 600km, sau gần 2 tháng, đơn vị ông Tú mới đến được chân dốc Pha Đin, thuộc địa bàn huyện Thuận Châu (Sơn La); bên kia là trận địa Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Đơn vị ông Tú dừng lại ở con dốc này ít ngày, sau đó hành quân tiếp đến ngã ba Tuần Giáo (Điện Biên). Tại đây, đơn vị phối hợp với Sư đoàn công binh 304 để xây dựng Sở Chỉ huy cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách trung tâm TP Điện Biên khoảng 30km.
Khi xây dựng gần xong, đơn vị ông Tú được lệnh lên đường tiến vào khu vực Mường Thanh của trận địa Điện Biên Phủ, cách đó chừng 27km, phải di chuyển mất 3 ngày đêm.
Đại đội của ông Tú là đơn vị bắn tỉa với nhiệm vụ "gặp tên địch nào lảng vảng bên ngoài là bắn và cắt đường nước, đường điện của quân địch".
Sau này, một tướng Pháp từng nói rằng: "Tướng Giáp có cách đánh rất đặc biệt, không cần tốn nhiều đạn dược mà khiến quân địch phải từ từ đầu hàng. Đó là khi không có nước, không điện, địch không tồn tại được nên phải đầu hàng".
Ở chiến dịch lịch sử này, ông Tú được giao nhiệm vụ chỉ huy 27 xạ thủ bắn tỉa và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cựu chiến binh đã sống gần một thế kỷ kể, ông cùng đồng đội đã tham gia trọn vẹn 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,…" của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo lời cựu chiến binh già, Chiến dịch Điện Biên Phủ chia làm 3 đợt: Đợt 1 (13/3/1954 - 17/3/1954), pháo binh của ta khai hỏa vào cụm cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đợt 2 (30/3/1954 - 30/4/1954), quân ta tấn công Đồi A1.
Đợt 3 (1/5/1954 - 7/5/1954), quân ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào trung tâm Điện Biên Phủ.
Trong ảnh từ trái qua phải là sơ đồ chiến dịch đợt 1, đợt 2, đợt 3.
Trong 56 ngày đêm giành giật từng tấc đất, điểm cao, quả đồi với địch, ông Tú nhớ như in thời điểm chuẩn bị số thuốc nổ cho quả bộc phá nặng 950kg để đánh đồi A1 ở đợt 2.
Chúng ta đã xác định muốn giải phóng Điện Biên, bằng mọi cách phải chiếm được đồi A1.
Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn phương án đào hầm ngầm vào sâu trong lòng đồi tới tận chân lô cốt địch để đánh bộc phá. Một kế hoạch cụ thể được xây dựng, theo đó ta sẽ đào đường hầm ngầm từ phía trận địa ta đến chân lô cốt địch, sau đó đặt khối bộc phá nặng 950kg để đánh sập lô cốt địch.
Đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào hầm ngầm và đánh bộc phá là Đại đội công binh M83 của Trung đoàn công binh 151 thuộc Đại đoàn 351.
"Để chuẩn bị cho đợt 3, tổng tiến công và nước rút, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải tăng cường hỏa lực và lệnh cho Đại đoàn 351 chuẩn bị thuốc nổ. Chúng tôi được lệnh rà soát các kho, có kho chỉ còn 3-5kg thuốc nổ, nhưng cuối cùng cũng gom được đủ theo yêu cầu là 950kg cho quả bộc phá để đánh đồi A1", ông Tú nhớ lại.
Theo lời ông, trận địa Điện Biên Phủ được quân Pháp xây dựng rất kiên cố, hỏa lực của ta rất khó tiêu diệt, nhất là khu vực đồi A1.
"Quân địch đã lầm tưởng quân ta dùng máy bay ném bom từ trên xuống, nhưng Tướng Giáp đã chọn cách đánh từ "gầm giường" địch đánh lên, tạo bất ngờ và buộc địch phải buông vũ khí đầu hàng", ông Tú tự hào nhớ lại.
Ngày 5/5/1954, đường hầm ngầm hoàn thành cũng là lúc khối bộc phá 950kg đã chuẩn bị xong với 5 nụ xòe để đảm bảo chỉ cần điểm hỏa một lần cả khối bộc phá sẽ đồng loạt phát nổ.
Tuy nhiên, một tình huống mới lại xảy ra khi dùng máy phát điện 100W điểm hỏa thử trên mô hình thì khối bộc phá lại không nổ theo đúng yêu cầu. Để cho chắc chắn, chỉ còn một cách là cho người trực tiếp vào giật nụ xòe, một công việc rất nguy hiểm.
Là người có nhiều kinh nghiệm tháo gỡ bom mìn, từng là tiểu đội trưởng tháo bom nổ chậm ở đèo Bản Chẹn và dốc Pha Đin, tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch tự tin vào khả năng xử lý mọi tình huống bất trắc, đã xung phong nhận nhiệm vụ nguy hiểm này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị pháo binh (Ảnh chụp lại ảnh tư liệu).
Chiều 6/5/1954, Tiểu đội trưởng Bạch nhận lệnh đi làm nhiệm vụ. Tiễn Tiểu đội trưởng Bạch tới tận cửa hầm ngầm có đại đội trưởng và tổ trưởng Đảng. Sau khi đọc thư động viên của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung hỏi thêm:
- Đồng chí có dặn gì không?
Ba mươi tuổi, chưa vợ, chưa cả người yêu, Tiểu đội trưởng Bạch nói:
- Không.
- Vậy đồng chí ở lại điểm hỏa, tôi và đồng chí Thoảng ra ngoài chờ. Khi nào thấy pháo ta bắn dồn dập về phía trận địa địch, cậu mới được điểm hỏa.
Nghe mệnh lệnh xong, anh Bạch đi vào trong hầm ngầm, nơi sẽ giật nụ xòe, cách cửa hầm tới 20m chờ lệnh.
Theo kế hoạch phối hợp tác chiến, khi pháo binh bắn dồn dập vào trận địa địch trên đồi A1, khối bộc phá sẽ được điểm hỏa. Sau khi bộc phá nổ, bộ binh sẽ xung phong.
Rồi giây phút ấy đã đến, pháo bắt đầu bắn dồn dập, nhưng không bắn vào đồi A1. Chờ khoảng 5 phút, anh Bạch mới chắc đấy là pháo lệnh, liền dồn sức giật nụ xòe. Lúc đó là 20h30 ngày 6/5/1954. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch thoát ra an toàn.
Khi giật nổ quả bộc phá an toàn, tiếng nổ rung chuyển đất Điện Biên. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải đầu hàng.
Phút quyết định khó khăn của De Castries tại Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Ảnh chụp lại ảnh tư liệu).
17h30 ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries (Đờ Cát) cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng.
Ở thời khắc tướng De Castries và đồng bọn đầu hàng, ông Tú nhớ lúc đó nhận được sự phân công, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 1 Hoàng Đăng Vinh cùng một đồng đội đã xông vào hầm bắt De Castries đầu hàng.
Ông Hoàng Đăng Vinh xông vào hầm và dùng khẩu tiểu liên thọc mạnh một nhát vào bụng tướng De Castries, đồng thời quát bằng tiếng Pháp "giơ tay lên!".
Máy bay Pháp chuyển thương binh từ Điện Biên Phủ về Luang Prabang (Ảnh chụp lại ảnh tư liệu).
De Castries lùi lại mấy bước, giơ tay nói một tràng tiếng Pháp, lúc đó được hiểu ông ta chính thức xin được hàng. Toàn bộ Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân đội ta giải về, đặt dấu chấm hết cho cái gọi là "pháo đài bất khả xâm phạm" của thực dân Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng...
Sau đó, lá cờ "quyết chiến, quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào. Đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
Món quà đặc biệt từ nước Pháp
Một điều thú vị, khi hòa bình lập lại, ông Tú lại có một kỷ niệm đẹp với nước Pháp khi ông từng viết thư cho Tổng thống Pháp và nhận món quà từ tổ chức thể thao nước này.
Ông kể, năm 1961, ông là đại biểu của khu Gang thép (tại Thái Nguyên hiện nay) vinh dự tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội. Đó cũng là lần đầu tiên ông được tận mắt xem đội bóng của Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Pháp thi đấu tại Việt Nam. Họ được mời tham gia cùng với các đội bóng của 12 nước xã hội chủ nghĩa.
Trước trận đấu Việt Nam - Pháp diễn ra tại sân Hàng Đẫy, ông Tú có trực tiếp gửi một lá thư phân tích cho trưởng đoàn TNCS Pháp và nhận định Pháp sẽ thắng với tỷ số 5-1. Kết quả, đội bạn thắng 5-2 và giành chức vô địch.
Sau khi đoàn TNCS Pháp về nước, một thời gian sau ông Tú bất ngờ nhận được quà tặng của tổ chức thể thao nước Pháp. Món quà đó đã giúp ông xây dựng một ngôi nhà cấp 4 và mảnh vườn rộng rãi.
Nhiều năm công tác trong ngành gang thép rồi ngành sư phạm, ông vẫn theo dõi bóng đá Pháp và luôn nể phục vì họ có nền bóng đá vào loại lâu đời ở châu Âu và thành tích ấn tượng.
37 năm sau, cơ duyên lại tới với ông khi Vòng chung kết World Cup 1998 diễn ra trên đất Pháp. Lúc này, ông Trần Trọng Tú đã 71 tuổi và nghỉ hưu ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhưng vẫn không bỏ qua bất cứ một trận đấu nào.
Phân tích Pháp sẽ "làm nên chuyện", ông Tú nhận định Pháp sẽ đăng quang ngôi vô địch thế giới. Ông tự tin viết một bức thư ghi lại các phân tích của mình.
"Lúc đầu tôi định viết bằng tiếng Pháp nhưng sau tôi nghĩ là con cháu cụ Hồ, "ăn cơm tẻ, mặc áo sợi bông", mình phải nói tiếng cha mẹ đẻ mình. Đầu tiên là gửi cho Đại sứ quán Pháp, và gửi thẳng cho Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao và đội tuyển bóng đá Pháp", ông Trần Trọng Tú nhớ lại
Bức thư được gửi đi. Kết quả các trận đấu không ngoài nhận định của ông Trần Ngọc Tú. Ngày 29/7/1998, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam lúc đó, ông Serge Degallaix, đã gửi thư phúc đáp cho ông Tú. Bức thư viết bằng tiếng Việt.
Bức thư phúc đáp của Đại sứ quán Pháp được ông Tú lưu giữ cẩn thận (Ảnh: Nguyễn Dương).
Ông Tú kể lại nguyên văn: "Thưa ông. Chúng tôi rất cảm kích khi nhận được thư chúc mừng của ông. Chúng tôi xin cảm ơn ông về những tình cảm tốt đẹp mà ông đã dành cho đội tuyển của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhân đây xin được bày tỏ sự thán phục trước khả năng phân tích bóng đá của ông. Xin chúc ông sức khỏe và hạnh phúc".
Sau World Cup, ông Tú đã nhận được quà tặng của nước Pháp - món quà đặc biệt dành cho một cổ động viên đặc biệt từ Việt Nam.