(Dân trí) - Nhiều bí thư chi bộ đã phải "quay xe" hay nếm đòn đau trong làm kinh tế, nhưng họ vẫn quyết vượt lên để "làm mẫu", trở thành người truyền cảm hứng về làm kinh tế ở thôn bản.
Có chàng trai đảm nhận cương vị bí thư khi mới 28 tuổi với đôi tay trắng, nói người dân chưa tin, đã phải có "bài" để mượn được sổ đỏ của bố mẹ mang đi vay mượn làm ăn, dần dần vươn lên, được bà con tin theo.
Anh Cao Bình Chất, Bí thư thôn Lèn (xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đại diện lớp trẻ dám bứt phá, thay đổi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh trong những năm qua. Anh Chất được ông Nguyễn Xuân Thịnh - Bí thư Đảng ủy xã Việt Lâm nói vui là "thừa tiêu chuẩn" để làm ở cơ sở, bởi anh có trình độ đại học, trung cấp lý luận chính trị.
Ở tuổi 40, Cao Bình Chất (dân tộc Tày) sở hữu ngôi nhà sàn rộng rãi, khang trang (làm năm 2017) cùng một chiếc ô tô tải cho thuê, đồi cây rộng lớn… Cơ ngơi, thành quả đạt được không hề nhỏ, nhưng anh Chất chia sẻ, nhiều đêm nằm anh vẫn trăn trở, bởi làm kinh tế luôn có yếu tố khó lường. Trong quá khứ, nhiều lúc anh đã ở tình thế rất mong manh…
Người đàn ông có nước da trắng trẻo, nụ cười tươi này kể với chúng tôi, tuân thủ kỹ thuật, anh bảo vệ đàn lợn của mình kỹ càng, thậm chí đến mức tỉ mỉ như nhìn nhận của ai đó. Mọi người trong gia đình anh phải rửa tay sạch sẽ mỗi khi ở ngoài về và phải thay dép, ủng đi riêng khi vào chuồng lợn để tránh nguy cơ mầm bệnh vào chuồng trại. "Nhà có em trai mổ lợn, bán thịt mà thậm chí thịt bán còn thừa, mình yêu cầu phải luộc, nấu chín rồi mới mang về vì sợ có mầm bệnh lây lan ra đàn vật nuôi của mình", anh Chất chia sẻ.
Tuân thủ kỹ thuật kỹ càng, nhưng anh Chất vẫn thua… ông trời. Vài năm trước, lũ trên núi bất ngờ đổ ập xuống gây ngập gần hết sàn nhà, đàn lợn của gia đình anh "thác" gần hết trong biển nước. Tất cả những con lợn nuôi lấy thịt đều đuối nước, chỉ còn lại đàn lợn nái sống sót do có khả năng ghếch mõm lên tường để thở.
Sau trận lụt nhớ đời này, anh Chất chủ động lựa chọn phương án chắc ăn, hàng năm đều chủ động "đẩy" đàn lợn thịt trước mùa mưa lũ.
Ít lâu sau trận lũ lịch sử, anh Chất thêm một lần hao tiền, hụt vốn khi "lạc lối" về giống cây trồng. Vườn cây mỡ 2ha anh thuê trồng phát triển không như mong đợi, chậm có triển vọng thu hoạch, khiến anh phải… "quay xe". Hơn 1.000 cây mỡ phải chặt, đốt khi đã trồng được 2 năm để nhường chỗ cho toan tính khác.
"Lớp trẻ đã dám bứt phá, thay đổi, áp dụng kỹ thuật, thay đổi cây trồng vật nuôi, mình luôn động viên, nhưng cũng nhắc họ phải cẩn trọng, từng bước, bởi nếu vấp ngã có khi không dậy nổi, rồi không dám làm nữa, như trường hợp một bạn trẻ trong thôn", anh Chất chia sẻ và liên hệ đến trường hợp một hộ gia đình trong thôn mất đàn lợn nái trên 100 triệu đang khó gượng lại.
Cùng độ tuổi của Cao Bình Chất, anh Lò Văn Cường (SN 1983) cũng đã có thâm niên làm trưởng bản (12 năm) và 5 năm làm Bí thư kiêm Trưởng bản Tạ Búng, xã Tạ Bú, huyện Mường La, Sơn La.
Chia sẻ về thất bại, anh Cường nói "cũng nhiều lắm". Anh kể, ngay mấy năm trước, vườn cây ăn quả nhà anh sai trĩu mà rồi mất trắng vì không tiêu thụ nổi trong mùa dịch, đem cho bà con cũng… không hết. Cũng không ít lần hộ anh ở tình cảnh, năm trước thu lãi, năm sau âm luôn cả phần đã lãi ở năm trước, hao hụt nặng vào vốn liếng.
Anh Cao Bình Chất kể, anh làm bí thư chi bộ từ khi mới 28 tuổi, lúc đó "thấy bỡ ngỡ và khó lắm". Nhưng rồi anh mau chóng xác định: "Mình cứ phải làm cái đã. Mình làm được, có chút thành công, lời nói có trọng lượng hơn, tạo uy tín với chi bộ, cộng đồng".
Những ngày đầu tính làm ăn, anh phải có "bài" để mượn được sổ đỏ của bố mẹ mang đi thế chấp, vay mượn, lấy vốn làm ăn. Lúc đó, anh như tự đặt mình bên miệng vực bởi "không cẩn thận là vốn liếng, gia sản tiêu tan hết".
Cho đến nay, nguồn thu mỗi năm của gia đình anh Chất từ chăn nuôi, trồng trọt vào khoảng 300 triệu đồng. Nếu tính trong bản, kinh tế gia đình anh có thể đứng thứ 3, thứ 4.
Cao Bình Chất cũng cho biết, nhờ sự bứt phá của những người trẻ, 3 - 4 năm nay kinh tế ở bản anh đang tiến triển tốt. Bản thân anh luôn chia sẻ kinh nghiệm với bà con, nhất là những người trẻ, sẵn lòng hướng dẫn mô hình nuôi lợn đen, đồng thời thường xuyên nhắc mọi người trên nhóm ở mạng xã hội về phòng chống bệnh cho đàn lợn.
Không chỉ sản xuất giỏi, vợ chồng anh Chất cũng rất nhạy bén với tiếp cận thị trường. Qua mạng xã hội, nhiều con lợn đen (gốc ở bản) của gia đình anh theo xe về với các hộ gia đình ở Hà Nội, giá hời hơn hẳn khi bán cho thương lái. Có những người Hà Nội quen anh rồi cứ đến Tết lại giao dịch qua mạng Zalo để mua lợn.
Tương tự anh Chất, anh Lò Văn Cường, Bí thư kiêm Trưởng bản Tạ Búng, huyện Mường La, Sơn La luôn thường trực máu làm giàu, máu… đi trước.
Gặp chúng tôi, anh hào hứng "thuyết trình" về sâm bố chính, loài cây mới, bán củ, có thể mang lại giá trị cao so với các loại hoa màu khác. Theo tính toán, trên cùng một diện tích nếu gieo 3kg ngô giống, thu về chỉ 6 triệu, trong khi trồng sâm bố chính, con số thu về có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Hiện, diện tích trồng thí điểm của bản được đối tác đánh giá tốt, cả về cây và củ…
Với suy nghĩ làm theo cách cũ thì không thoát nghèo được, những năm qua, anh Cường mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng ngắn ngày sang cây ăn quả, xoài, nhãn, kết hợp cây sắn. Sự thay đổi này cộng với hiệu quả của việc nuôi lợn, bò, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh lãi trên 300 triệu đồng, thuộc diện tốp đầu của bản.
Nhìn lại chặng đường làm kinh tế, anh Cường nói gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh quyết tâm vượt lên để "làm mẫu" cho bà con. "Bao đời bà con đã làm như vậy nên để thay đổi là rất khó… Nhưng mình thành công thì bà con đã tin, từ đó làm theo", anh Cường nhìn nhận.
Cũng theo người đàn ông trung niên này, việc nhận nhiệm vụ bí thư đã thôi thúc anh làm kinh tế quyết liệt hơn, cố gắng hơn vì có làm người dân mới theo.
Ông Lò Văn Bước - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tạ Bú đánh giá, về phát triển kinh tế, Bí thư Lò Văn Cường là người năng động, luôn đi trước, gia đình có nhiều vườn cây thực hiện theo các hướng đi mới. Mô hình nuôi vịt bản của anh Cường hiện cũng đang được nhân rộng, sản phẩm không đủ để tiêu thụ.
Gặp gỡ nhiều bí thư cũng như tìm hiểu cuộc sống ở nhiều thôn bản, chúng tôi có dịp "chiêm nghiệm" thêm về nhận định của Bí thư Huyện ủy Mường La Vũ Đức Thuận: "Nơi có bí thư tốt thì các Đảng viên cũng thường làm kinh tế tốt, trở thành hạt nhân trong các thôn bản".
Chi bộ bản Tạ Búng, huyện Mường La, Sơn La, nơi anh Lò Văn Cường làm bí thư, có 28 đảng viên thì cả 28 đảng viên đều làm kinh tế tốt, chiếm 80% số hộ làm kinh tế tốt trong bản. Anh Lò Văn Đích, một đảng viên trong chi bộ cho biết, qua quá trình làm việc cùng Bí thư Cường, anh đã học hỏi chuyển đổi mô hình trồng cây, nuôi gia súc, đến nay nguồn thu hàng năm của gia đình anh cũng đạt gần 300 triệu đồng.
Số hộ nghèo, cận nghèo của bản Tạ Búng những năm qua giảm từ 40% xuống còn 7%, từ 39 hộ xuống còn 7 hộ. "Hiện nay chúng tôi xóa vững chắc, không vì thành tích, mỗi năm giúp được 1-2 hộ nghèo bền vững, kết quả vậy cũng là đáng quý", Bí thư Cường cho hay.
Anh Lò Văn Cường chia sẻ thêm, trong 4 sinh hoạt chuyên đề của chi bộ hàng năm, các anh dành ra 2 chuyên đề về nhân rộng các mô hình kinh tế, cách làm hay phù hợp với bản. Các đảng viên được phân công giúp những hộ còn khó khăn, nắm tâm tư nguyện vọng xem hộ cần gì, hỗ trợ được gì, phần nào phải huy động đóng góp …
Tại thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, ông Hà Xuân Tạo, Bí thư thôn cho biết, mỗi năm gia đình ông thu lợi 300 triệu từ cây tre Bát Độ, bồ đề, quế… và trong chi bộ có những Đảng viên có nguồn thu lớn hơn như vậy, có gia đình đảng viên sở hữu 2 ô tô. Cả 27 đảng viên trong chi bộ đều làm kinh tế giỏi. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn 1%.
Không chỉ làm tốt vai trò đi đầu trong kinh tế, tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng, không ít những bí thư chúng tôi gặp còn trực tiếp "kéo" các hộ kinh tế khó khăn vượt lên.
Bí thư thôn Khuổi Hóp, thôn thuộc xã vùng 3 Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, ông Đàm Văn Lành chia sẻ, bản thân ông có những lần cho hộ khó khăn nuôi rẽ trâu, lợn nái. Theo diễn giải của ông Lành, gia đình ông cho hộ khó khăn mượn trâu nái, khi trâu đẻ con nghé đầu tiên, hộ đó được giữ lại nuôi, đến lứa tiếp theo ông mới thu nghé về. Tương tự như vậy, khi cho nuôi rẽ lợn nái, lợn đẻ 10 con, gia đình hộ khó khăn được chia 6 con, nhà ông 4 con.
Có đến nơi mà sóng điện thoại chưa vươn tới, điện lưới chưa có, đường vào nhà dân dốc dựng đứng, chỉ vừa vệt bánh xe như Khuổi Hóp mới thấy việc gia đình ông Lành mỗi năm thu lãi từ làm ăn kinh tế 150 triệu đồng cũng như sự giúp đỡ của ông với bà con những năm trước ý nghĩa thế nào.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Ngần (huyện Vị Xuyên), chia sẻ thêm, từ thành công của việc trồng quế, trồng thảo quả dưới tán rừng và trồng chè hữu cơ, Bí thư Đàm Văn Lành đã khuyến khích bà con thay đổi cây trồng, mở rộng diện tích, đồng thời bao tiêu sản phẩm, chế biến chè tại chỗ, từ đó nhiều hộ khó khăn đã làm theo.
Tại bản Chà Lóng (xã Chiềng Bằng, Quỳnh Nhai, Sơn La), ông Lò Văn Bình, Bí thư chi bộ, Trưởng bản kể, gia đình ông nhận đỡ đầu hai hộ gia đình trẻ. "2 hộ đó trước khó khăn lắm, sau tôi cho con giống, hướng dẫn cách làm ăn, giờ họ đã phất lên", ông Bình kể.
Ông cũng hào hứng cho biết, bản có 128 hộ, hiện chỉ còn 2 hộ nghèo. Chi bộ có 10 đảng viên (trong tổng số 33 đảng viên) làm kinh tế tốt và tốt nhất là hộ Phó Bí thư chi bộ Lò Văn Pâng… "Nếu so sánh về kinh tế thì nhiều bản khác chưa bằng bản mình", ông Bình tự tin về thành quả đạt được.