DNews

Pháo binh Việt Nam lột xác chưa từng có trong chiến thắng Điện Biên Phủ

CTV

(Dân trí) - Từ ngày đầu thành lập (29/6/1946) đến khi cùng cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, lực lượng Pháo binh của QĐND Việt Nam đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn và đã có sự lột xác biến đổi về chất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Pháo binh Việt Nam lột xác chưa từng có trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Pháo binh là "thần chiến tranh": Việt Nam đi từ không đến có

Pháo binh vốn được coi là binh chủng hỏa lực chủ yếu của mọi quân đội trên thế giới. Trải qua càng nhiều cuộc chiến tranh thì vai trò của nó lại càng trở nên quan trọng. Người ta gọi pháo binh là "thần chiến tranh" cũng chẳng hề ngoa.

Tuy nhiên, với Quân đội nhân dân Việt Nam thì khác, khi mới thành lập chỉ có vài khẩu súng trường, súng kíp đến khi chuẩn bị cùng cả nước bước vào cuộc chiến tranh giữ nền độc lập, số lượng pháo của ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay và đều là pháo thu được của Nhật, Pháp.

Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, chỉ Hà Nội là có được 7 khẩu pháo, các tỉnh khác chỉ có 1 đến 2 khẩu và nhiều khẩu trong đó bị hỏng hóc, thiếu bộ phận. Nhưng với tinh thần "ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm", lực lượng Pháo binh của Quân đội ta không những dám đánh mà còn liên tục đánh thắng, càng đánh càng lớn mạnh.

Đến trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, lực lượng Pháo binh của ta đã có số lượng đáng kể.

Tổng số lực lượng pháo, cối (kể cả súng cối của các đại đoàn bộ binh) gồm: 1 trung đoàn lựu pháo 105mm có 2 tiểu đoàn với 24 khẩu; 1 trung đoàn hỗn hợp trang bị sơn pháo và cối gồm 5 tiểu đoàn và 10 đại đội với 94 khẩu các loại (trong đó có 16 cối 120mm, 30 sơn pháo 75mm, 36 cối 82mm, 12 DKZ 57mm); súng cối của các đại đoàn bộ binh là 140 khẩu.

Đến cuối chiến dịch ta có thêm 1 tiểu đoàn DKZ 75mm và tiểu đoàn 224 sử dụng pháo hỏa tiễn 6 nòng H-6 gồm 12 khẩu.

Trong đó, đáng kể nhất là Trung đoàn 45 Tất Thắng được trang bị 24 khẩu lựu pháo 105mm. Trung đoàn pháo binh Tất Thắng nguyên là Trung đoàn bộ binh 34 với tiền thân là các đội tự vệ vũ trang của Tỉnh ủy Nam Định bí mật tổ chức tại Chiến khu Lạc Quần trước Cách mạng Tháng Tám.

Toàn quốc kháng chiến năm 1946, Trung đoàn đã bám trụ, bao vây, giam chân quân Pháp trong thành phố Nam Định suốt 3 tháng nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu "Trung đoàn Tất Thắng".

Giữa tháng 1 năm 1951, Bộ Quốc phòng điều động Trung đoàn 34 sang thuộc Cục Pháo Binh, đến tháng 5 năm 1951, sau khi Đại đoàn Công - Pháo 351 được thành lập thay thế Cục Pháo Binh thì Trung đoàn 34 thuộc Đại đoàn 351.

Lúc này, trong trang bị của Trung đoàn chỉ có 2 khẩu lựu pháo 105mm là chiến lợi phẩm trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Đến tháng 7 năm 1951, Trung đoàn 34 đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 45, hành quân sang Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc) để tiếp nhận pháo mới do bạn viện trợ.

Pháo binh Việt Nam lột xác chưa từng có trong chiến thắng Điện Biên Phủ - 1

Kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh: TTXVN).

Pháo binh Việt Nam: Biến đổi về chất trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Sau gần 2 năm xây dựng trên đất bạn, ngày 17/1/1953, Trung đoàn pháo binh 45 trở về nước. Trong trang bị của trung đoàn có 20 khẩu lựu pháo 105mm cùng 3.500 viên đạn, 40 xe ba cầu kiểu GMC, 2 xe chuyên dụng (1 xe công trình, 1 xe cẩu), 2 xe Jeep, 20 xe mô tô và xe đạp, 33 máy quan trắc, 66 tổng đài và điện thoại cùng 100km dây điện thoại,…

Như vậy, từ số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay ở mùa Đông năm 1946, đến cuối năm 1953 số lượng pháo cối của ta đã lên đến hàng mấy trăm khẩu. Đây là một sự biến đổi về lượng rõ rệt và dĩ nhiên biến đổi về lượng sẽ dẫn đến biến đổi về chất.

Biến đổi về chất ở đây trước hết có từ vũ khí trang bị.

Lần đầu tiên, chúng ta có trong trang bị loại lựu pháo hiện đại (ở thời kỳ đó) với tầm bắn xa, uy lực lớn và có thể bắn nhiều loại đạn. Cũng là lần đầu tiên, chúng ta có và đã sử dụng một loại pháo mới - pháo hỏa tiễn bắn loạt với ưu thế rất lớn về mật độ hỏa lực.

Tầm bắn, độ chính xác và mật độ hỏa lực là những yếu tố quan trọng nhất để từ đó hình thành thế trận pháo binh đủ sức "đảm bảo đánh chắc thắng" trước một "con nhím Điện Biên Phủ".

Và cũng từ sự biến đổi vũ khí trang bị đó đã dẫn đến sự biến đổi về chất trong cách đánh, trong bố trí thế trận pháo binh.

Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay cả trong những chiến dịch lớn như Biên Giới, Tây Bắc, Hòa Bình,… pháo binh của ta đều tận dụng cách đánh "vào gần bắn thẳng". Bởi lúc đó pháo của ta chỉ là loại sơn pháo cỡ 75mm. Đặc điểm của sơn pháo là nòng ngắn để tiện tháo rời mang vác dẫn đến tầm bắn hiệu quả chỉ từ 1 đến 3km, cỡ nòng nhỏ cũng dẫn đến uy lực không lớn, nếu gặp phải mục tiêu là lô cốt bê tông cốt thép thì khó xuyên phá.

Lựu pháo 105mm thì khác, uy lực của đạn lựu pháo lớn hơn nhiều, tầm bắn tối đa lên đến 11km, chính vì vậy các trận địa pháo binh của ta tại Điện Biên Phủ bố trí theo nguyên tắc "hỏa khí phân tán" nhưng chỉ cách cứ điểm địch trong tầm 6 đến 8km đảm bảo được "hỏa lực tập trung".

Nhưng cái biến đổi về chất đáng kể nhất ở đây là biến đổi về con người. Những pháo thủ đầu tiên của lực lượng pháo binh vốn là những người công nhân, nông dân ít học trưởng thành dần qua những trận đánh "ứng dụng" kiểu ngắm pháo qua nòng hay dùng đinh thay kim hỏa đã trở thành những người lính pháo biết tính toán phần tử bắn, sử dụng thành thục những khẩu pháo hiện đại lúc bấy giờ.

Đây có thể nói là một vốn quý để sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Binh chủng Pháo binh đã phát triển vượt bậc trở thành một binh chủng không thể thiếu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Biến đổi về chất còn đến từ tư duy của người cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành. Từ khi chỉ coi pháo binh với những khẩu pháo mang vác là "trợ chiến", đến Chiến dịch Điện Biên Phủ thì việc "hiệp đồng Bộ - Pháo" đã trở thành khâu không thể thiếu từ khi chuẩn bị và cả trong chiến đấu của người chỉ huy mỗi đại đoàn, trung đoàn đến tiểu đoàn.

Pháo binh đã chính thức trở thành một binh chủng chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành.

Pháo binh Việt Nam lột xác chưa từng có trong chiến thắng Điện Biên Phủ - 2

Pháo binh Việt Nam đi từ không đến có và lập nhiều kỳ tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu: QĐND).

Chỉ huy pháo binh Pháp phải tự vẫn vì xấu hổ

Chiến dịch Điện Biên Phủ "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng" đã diễn ra cách đây 70 năm, những người pháo thủ từng "kéo pháo vào, kéo pháo ra" hầu hết đã "về với trời xanh mây trắng" nhưng những chiến công chói lọi của họ vẫn còn mãi.

Ngày 20/11/1953, tướng Henry Navare - Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương - lệnh cho tướng Jean Gilles, chỉ huy trưởng lực lượng lính dù Pháp ở Đông Dương mở cuộc hành quân "Castor", đổ bộ 5 tiểu đoàn dù và 1 tiểu đoàn công binh thuộc địa xuống Điện Biên Phủ.

Cuộc hành quân này ban đầu không hề có trong Kế hoạch Navare. Tuy nhiên, khi cơ quan tình báo Pháp SDECER phát hiện Đại đoàn 316 của ta tiến lên Tây Bắc, Navare nhận định rằng một mình cụm cứ điểm Lai Châu không thể đứng vững được nên đã mở cuộc hành quân này, thiết lập cụm cứ điểm Điện Biên Phủ thành một chốt chặn thứ hai đủ mạnh để ngăn chặn Đại đoàn 316, che chở cho Thượng Lào và kinh đô Luang Prabang.

Đến đây, bước ngoặt của cuộc chiến được mở ra. "Con tàu Kế hoạch Navare" bắt đầu đi chệch khỏi "đường ray" được vạch ra trước đó.

Pháo binh Việt Nam lột xác chưa từng có trong chiến thắng Điện Biên Phủ - 3
Không khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn 3 loạt mà không bị phát hiện... Pháo của Việt Minh có thể gây chút ít phiền phức, nhưng các pháo thủ của tôi sẽ khiến cho họ phải câm họng.
Trung tá Charles Piroth chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ

Từ khi Pháp bắt đầu đổ quân lên Điện Biên Phủ, trung tá Charles Piroth chỉ huy pháo binh và bộ sậu của ông ta đã khẳng định với De Castries - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm - rằng, Tướng Giáp sẽ không bao giờ đưa được khẩu đội pháo vào những quả đồi trọc phía Đông Nam của Eliane (cứ điểm A1), một trong những vị trí quan trọng của tập đoàn cứ điểm.

Thậm chí, với sự tự tin "chắc như đinh đóng cột" và hỏa lực cực mạnh có trong tay gồm 25 khẩu đại bác 105 mm, 4 khẩu 155mm và 24 khẩu cối 120mm và 81mm, trung tá Charles Piroth báo cáo tướng Navarre rằng: "Không khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn 3 loạt mà không bị phát hiện".

Ông ta còn ngạo mạn tuyên bố "Pháo của Việt Minh có thể gây chút ít phiền phức, nhưng các pháo thủ của tôi sẽ khiến cho họ phải câm họng" và "Họ bắn ư? Tôi sẽ đội trên đầu tôi chiếc mũ ca lô đỏ này để họ nhìn cho rõ hơn…".

Nhưng quân Pháp đã không thể ngờ rằng bộ đội ta lại có thể tạo ra một kỳ tích khiến pháo binh đối phương không thể làm gì được.

Trong trận đánh giành Gabrielle (đồi Độc Lập) ngày 14/3/1954, trung tá Piroth đi lang thang qua sở chỉ huy giống như người mộng du. Mặc dù Đại tá De Castries chú ý thấy thái độ lạ lùng của viên chỉ huy pháo binh và yêu cầu một linh mục chú ý đến anh ta, song hầu hết các sĩ quan đều rất lo lắng về trạng thái tinh thần của Piroth.

Piroth ở trong bốt chỉ huy cứ lẩm bẩm một mình rằng lẽ ra anh ta phải sử dụng hỏa lực phản pháo sớm hơn để giành thắng lợi. Rồi với hai hàng nước mắt, anh ta xin lỗi những người còn sống sót ở Gabrielle (đồi Độc Lập) vì không cung cấp đủ hỏa lực pháo binh cho họ.

Hôm sau, người ta tìm thấy thi hài của viên trung tá trên một chiếc giường nhỏ trong hầm. Rõ ràng anh ta đã dùng răng kéo chốt lựu đạn, ôm chặt nó vào người và thả chốt ra. Như vậy, sau hai đêm không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của Việt Minh, Piroth đã tự sát bằng một trái lựu đạn vào sáng sớm ngày 15/3/1954.

Như vậy, với ý chí quật cường, vượt mọi khó khăn gian khổ và đặc biệt là cách đánh tài tình, Pháo binh Việt Nam đã khiến chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ phải tự vẫn vì xấu hổ.

Pháo binh Việt Nam lột xác chưa từng có trong chiến thắng Điện Biên Phủ - 4

15 khẩu pháo sẽ bắn 21 loạt đại bác tại lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sáng 7/5 tại sân vận động tỉnh Điện Biên (Ảnh: Nguyễn Hải).

Những khẩu pháo ngày xưa giờ có lẽ đều đã đứng kiêu hãnh trong những bảo tàng. Nhưng những ký ức về "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non", những trận đánh mà pháo binh hiệp đồng với bộ binh ở Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Đồi Xanh… sẽ vẫn còn mãi.

Và vẫn còn mãi đây ký ức về sự trưởng thành về chất của lực lượng Pháo binh Việt Nam làm nên khẩu hiệu "chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng" mà Bác Hồ đã trao tặng năm nào.

Trần Ngọc Đoàn