Những thăng trầm tính bằng thập kỷ của người dân "miền chạy lũ"
(Dân trí) - Bởi đặc thù địa lý mà mùa lũ trở thành niềm nhớ trong đời sống người dân miền Tây. Và dẫu có lúc lũ trở thành món quà trời ban thì người dân vùng này cũng không quên những thăng trầm từ lũ.
Đầu tháng 10, con sông Phú Hội dài hơn 10 km, chảy từ TP Châu Đốc qua địa phận ấp Vĩnh Hội Đông, xã Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) chia những cánh đồng ở đầu nguồn An Giang thành 2 địa phận: Một bên được bao bọc bởi hệ thống đê khép kín, hàng trăm ha lúa đông xuân xanh mơn mởn; bên còn lại chìm trong dòng nước son.
"Lũ bây giờ khác ngày xưa rất nhiều nhưng nhìn chung bà con đều đã có cuộc sống mới", Trung tá Phạm Văn Phong - Đồn trưởng Đồn biên phòng Phú Hữu (tỉnh An Giang) bồi hồi.
Bởi những đặc thù địa lý mà mùa lũ trở thành niềm thương, nỗi nhớ trong đời sống người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước lũ miền Tây về không ào ào như trận lũ ở miền Trung mà dâng từ từ, đầy ắp sông rồi tràn ra ruộng mang theo cá, tôm như một món quà dành cho những người trông chờ nó. Và dẫu là quà trời ban thì trong lịch sử khẩn hoang, người dân vùng Tây Nam Bộ cũng không bao giờ quên những thăng trầm trên dòng nước lũ.
Hơn 3 thập kỷ thăng trầm từ dòng lũ
Ven kênh Vĩnh Tế xuồng ghe qua lại như con thoi, cách vài cây số lại có một bến tạm, bến nào cũng lác đác 4-5 ngư dân đang lên cá. Hơn 1.000 hộ dân ở xã Vĩnh Tế nhưng có đến hơn một nửa theo kinh tế nông nghiệp, bám trụ vào dòng nước. Họ sinh ra ở nơi này và ít nhất một lần trong đời bị ám ảnh bởi trận lũ lịch sử năm 2000.
Chúng tôi tìm gặp ông Tạ Văn Trường (48 tuổi), một nông dân cần mẫn và có thâm niên ở bến lên cá thuộc ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc (An Giang).
Nhà ông Trường cứ vào thời gian này hàng năm lại gói ghém đồ đạc, chạy xuồng máy ra sát mé kênh Vĩnh Tế để ở. Gia đình không có đất làm ruộng, vào mùa khô ông Trường đi làm thuê. Đến mùa nước về lại bám chắc kênh Vĩnh Tế để kiếm cơm.
Cứ 6-7h sáng, ông Trường cùng cháu trai chạy xuồng ra cánh đồng ngập nước để thăm dớn, đổ cá về đem cân bán cho thương lái. Tất bật từ sáng sớm đến chiều cả nhà mới được nghỉ ngơi.
Với ông nông dân này, đánh bắt là nghề cha truyền con nối, năm lên 6 tuổi, ông đã biết ngụp lặn uống nước đỏ phù sa, năm 9 tuổi đã nhớ mặt gọi tên cả trăm loại cá và đến khi lên 10 đã rành rọt canh đường cá về theo con nước.
"Giờ đám trẻ chọn đi làm ăn xa, không thì nhiều người lớn cũng theo con lên miền Đông kiếm sống. Ruộng đồng hay nhịp lũ chỉ giữ chân được người già chứ không giữ được người trẻ", ông Trường bồi hồi nói.
Hiểu cảnh cơ cực khi ăn chén cơm trời nên người nông dân này cũng mắt nhắm mắt mở chuyện con cái đi xa, ít khi giữ chân để chúng bám sông, bám nước. Nhớ đến cảnh tang tóc trong trận đại hồng thủy năm 2000, họ càng quyết tâm đầu tư vào việc học của đám trẻ.
"Năm ấy nước lên, gà vịt chen chúc với người trên tấm ván, rác trôi lềnh bềnh. Người lớn thì ngồi rầu rĩ, con nít thì khóc um sùm vì bị cha mẹ lấy dây buộc chân vào cột nhà, sợ con té sông chết đuối. Chủ phải bán hết trâu bò trước khi chúng chết yểu", ông Trường kể.
Không chỉ đám trẻ mà ông Trường nhìn lũ đời nay cũng khác đi nhiều dù không bao giờ quên cách mình đã "sống chung với lũ" và khiến nó trở thành một trong những nét đặc trưng duyên dáng của vùng sông nước Cửu Long.
Người hùng từ lũ
Trận lũ năm 2000, nhiều vùng ở Đồng Tháp ngập trắng nước. Nước lớn tàn phá nhà cửa, đường sá.
"Nhà tôi có nền cao so với quanh vùng, nhưng nước vẫn ngập ngang bụng, nên quanh đây không nhà nào thoát. Năm đó vùng này vẫn còn dùng cầu gỗ, nước nổi, cầu trôi sạch nên cuộc sống rất khó khăn", ông Nguyễn Văn Bé Hai (68 tuổi) nhà ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp nhớ lại.
Sau trận lũ, ông Hai "xin vợ" một khoản tiền, tự đi mua gỗ về sửa lại mấy cây cầu trong ấp. Thấy ông Hai làm, 4 người đàn ông khác trong ấp cũng xúm tay vào, họ trở thành đội sửa cầu.
Vì ruộng vườn vẫn chưa thể canh tác lại sau lũ nên có thời gian rảnh, sửa xong cầu trong ấp mình, nhóm của ông Hai tiếp tục sang ấp khác sửa cầu. Chi phí sửa cầu đều do nhóm tự túc. Người dân ở các ấp nếu có điều kiện thì phụ một tay một chân, hay ủng hộ đội thợ cây dừa, cây tràm.
"Tôi trích 1/5 thu nhập của mình để mua vật tư làm cầu, vợ tôi thì nấu cơm cho đội thợ. Chúng tôi bắt đầu đi sửa cầu như thế. Sau này các ấp biết tên, có cầu hư hỏng họ lại gọi tôi. Cứ lần lần thế, mấy năm sau tôi giao ruộng cho con làm, rồi đi sửa cầu cho đến bây giờ", ông Hai nói.
Những cây cầu "Hai Lúa" cũng dần phải lớn theo những bờ đê. Đồng Tháp dần khép kín các ô bao, mặt đê trở thành đường rộng. Ruộng đồng không còn sợ lũ nên nông dân ngày càng khấm khá. Cũng theo ông Hai, từ năm 2008, người dân đi xe máy thay xe đạp, cầu gỗ không còn kham nổi nên đội của ông bắt đầu làm cầu bê tông khổ rộng 1,2m và tải trọng 1 tấn.
Kinh tế dần phát triển, khoảng sau năm 2010, xe ba gác, rồi xe ô tô nhiều lên, những cây cầu nhỏ vô tình cản trở sự lưu thông hàng hóa. Ông Hai nhận ra điều đó, nhưng muốn làm cầu lớn không chỉ cần có tiền và có lòng, còn cần có kỹ thuật.
"Năm 2013, thấy không thể chần chừ được nữa, tôi chạy xe máy lên Sở GTVT đi thẳng vô phòng anh Giám đốc Sở đề nghị được giúp đỡ. Cũng bất ngờ là anh ấy giúp ngay mà không thắc mắc hay yêu cầu thủ tục gì", ông Hai kể.
Sau cuộc gặp, đội xây cầu của ông Hai được Sở GTVT hỗ trợ cho 4 kỹ sư cùng nhiều bản vẽ kỹ thuật phù hợp với những cây cầu mà tổ dự định xây. Kể từ đó, đội xây cầu "Hai Lúa" chuyển mình, không chỉ xây cầu nhỏ mà còn tự tin xây những cây cầu rộng 4m, dài hàng chục mét, tải trọng đến 5 tấn.
Ông Hai nói rằng, mỗi khi một cây cầu hoàn thành, ông cảm nhận được lòng người, sự tử tế đã kết nối được với nhau. Tính đến bây giờ đội thợ của ông Hai đã xây trên 310 cây cầu, tất cả vẫn an toàn. Mỗi công trình, gia đình ông Hai đều tài trợ 1/3 chi phí.
"Tôi nhớ rõ những cây cầu mình xây, mà không nhớ thì dân sẽ nhắc cho tôi nhớ. Chúng tôi luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu, vì chẳng may xảy ra chuyện thì có lẽ sẽ rất áy náy.
Chỉ tính trong hơn 2 năm qua, chúng tôi đã xây được 32 cây cầu, tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Khi nào còn khỏe thì tôi còn đi xây cầu từ thiện", ông Hai cho biết.
Theo thông tin từ UBND huyện Châu Thành, đầu tháng 10 vừa qua, đội thợ của ông Hai đã bàn giao một cây cầu dân sinh trị giá 550 triệu đồng cho địa phương. Công trình do đội thợ hỗ trợ ngày công và 100 triệu đồng chi phí vật tư.
Dự kiến cuối tháng này đội thợ của ông Hai sẽ bàn giao cho địa phương thêm một cây cầu nữa trị giá 450 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai là một triệu phú đi lên từ cây lúa, được người dân Đồng Tháp quen gọi là "Hai Lúa". Từ những năm 1990, khi người khác còn canh tác nhờ trời thì ông Hai đã tự giác đắp đê cho ruộng của mình, trồng lúa giống để tăng hiệu quả.
Chăm chỉ và sáng tạo, ông Hai luôn là nông dân có thu nhập cao bậc nhất ở địa phương. Năm 2023, ông Hai được vinh danh là nông dân xuất sắc toàn quốc.
Sau hơn 20 năm hoạt động, "Đội xây cầu Hai Lúa" hiện có 15 thành viên động ổn định. Họ làm việc quanh năm, bận rộn, vất vả, không lương bổng, nhưng ai cũng luôn vui vẻ. Đội được ngành giao thông tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ 4 kỹ sư để phụ trách kỹ thuật ở các công trình.
Với những việc đã làm, ông Hai từng nhận được Thủ tướng, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Tháp tặng nhiều bằng khen. Ông cũng được Bộ GTVT trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam.
Từ "chạy lũ" thành sống "nhờ" lũ
Năm 2000 không phải là năm đầu tiên ĐBSCL gặp thiên tai lũ lụt, tuy nhiên lại là năm hứng chịu hậu quả nặng nề và kéo dài nhất.
Trận lũ này đã cướp đi tính mạng của trên 400 người, trong đó có rất nhiều trẻ em; làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu dân ĐBSCL, đường sá tê liệt, các hoạt động giáo dục, y tế, thương mại đình đốn, dịch bệnh bùng hậu lũ phát khắp nơi.
Do đặc tính về địa lý, thổ nhưỡng, ĐBSCL không thể xây dựng đê bao quốc gia dọc sông Tiền, sông Hậu như đồng bằng sông Hồng, người dân "cần" lũ để lấy phù sa, tái tạo đất nông nghiệp trên diện rộng. Lúc bấy giờ, giải pháp duy nhất cho vùng này là các công trình kiểm soát thay vì chặn đứng dòng chảy.
Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học đã bắt tay vào cuộc, nghiên cứu các mô hình phòng chống lũ lụt của các nước trên thế giới, các hệ thống kiểm soát, điều tiết lũ đầu nguồn được kỳ vọng là chiếc áo giáp mới cho vùng đất Chín Rồng.
Ở tầm quốc gia, Chính phủ đã ký ban hành lần lượt các Quyết định số 173, số 1548, số 1151 nhằm xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở, nâng cao điều kiện vật chất, văn hóa ổn định cuộc sống người dân.
Các quyết định trở thành tiền đề hướng dẫn chính quyền các tỉnh thành hành động vì hàng triệu dân trong vùng ngập lụt. Cùng với các chủ trương quyết liệt đầu tư vào giao thông, thủy lợi bài bản và căn cơ giúp Đồng bằng sông Cửu Long lấy lại thần thái.
Sau năm 2000, từ lời hiệu triệu của Chính phủ, toàn bộ máy chính quyền cấp cơ sở tập trung và quyết liệt, hướng dẫn người dân thích nghi, sống chung và an toàn với lũ, không đầu hàng trước nghịch cảnh, biến gian khó thành thách thức.
Tài nguyên do mùa lũ mang về đã theo người dân đi từ tự phát đến tự giác. Nhìn thấy thành quả lao động được bảo vệ bởi cơ sở hạ tầng rắn chắc, người dân cũng dần thuận hòa với lũ, không những thế họ còn xem đó là một mùa hẳn hoi để thay đổi phương thức canh tác, chuyển từ trồng lúa sang khai thác ngư sản.
Ở An Giang, huyện có nước lên cao như An Phú, Tân Châu thì tổ chức lễ hội mùa nước nổi, các xã còn tổ chức đua xuồng, đua ghe, đua bè trên sóng nước.
Riêng 2 huyện vùng núi Tịnh Biên và Tri Tôn nơi nước lũ không dâng đến, địa phương bơm nước vào ruộng tổ chức Lễ hội đua bò.
Những hình thức lễ hội truyền thống như Tết Trung thu Rằm tháng Tám, lễ hội Sene Dolta của đồng bào Khmer, tháng chay tịnh của đồng bào Chăm đều được nâng cấp từ lễ hội truyền thống thành lễ hội cộng đồng gắn liền với mùa lũ thể hiện tinh thần bất khuất trước thiên nhiên.