Những hình ảnh độc đáo trên "chuyến tàu Xuân" chạy xuyên giao thừa
(Dân trí) - Lần đầu tiên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức 2 toa tàu cộng đồng với chủ đề "chuyến tàu Xuân" chạy xuyên giao thừa. Trên 2 toa tàu này được trang trí những bức tranh về ngày Tết.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại ga Hà Nội những ngày này được trang trí những cành đào, mai, cúc vàng để đón năm mới.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khu cổng chính để hành khách lên tàu được trang trí đèn lồng và các cành đào huyền.
Không gian trang trí Tết tại ga Hà Nội là địa điểm lý tưởng để nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh.
Các công nhân đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối trong việc trang trí tại ga Hà Nội để đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm nhấn tại ga Hà Nội những ngày này, đó là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào phục vụ 2 toa tàu cộng đồng với chủ đề "chuyến tàu Xuân".
Các toa này sẽ nằm trên tàu SE1 xuất phát từ ga Hà Nội vào lúc 22h10 ngày 28/1 và tàu SE4 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 19h30 ngày 28/1. Đây cũng chính là những thời khắc cuối cùng của năm 2024. Do đó, 2 đoàn tàu sẽ chạy xuyên qua giao thừa thiêng liêng.
Sắc mai, đào được các họa sĩ thể hiện đậm nét trên 2 toa tàu. Đối với toa tàu xuất phát từ Hà Nội được trang trí với sắc hồng của hoa đào còn toa xuất phát từ TPHCM được thể hiện với sắc vàng của hoa mai.
Cánh đào được nghệ thuật hóa và đắp nổi ra phía ngoài, gắn trên hệ thống thân cây có phủ vân mây là một họa tiết truyền thống Việt, điều này làm không khí Tết càng đặc biệt khi đoàn tàu chạy "xuyên" năm cũ sang năm mới.
Họa sĩ Trương Trọng Quyền chia sẻ, sắc hồng của hoa đào, loài hoa đặc trưng dịp Tết đến Xuân về của miền Bắc và sắc vàng của hoa mai, chính là 2 hình tượng xuyên suốt, được cách điệu hóa trong từng không gian sáng tạo.
Trong đó, ở toa tàu hoa đào xuất phát từ Hà Nội được thiết kế cách điệu thành một rừng cây đang nở bừng trong nắng mới. Các khối hình được sắp xếp dọc lối đi khiến hành khách có cảm giác đang lạc vào một không gian mùa Xuân, Tết.
Họa tiết trang trí trên tàu đậm nét truyền thống và mang đậm không khí Tết, đó là những câu đố, hình ảnh gói bánh chưng, một góc phố nhỏ ruộm nắng vàng - nơi ông đồ già đang viết thư pháp, các trò chơi dân gian như kéo co, múa lân, múa rối,...
"Lối vẽ được chúng tôi áp dụng thống nhất là lối vẽ của tranh dân gian, hơi hướng Đông Hồ và các nét vẽ được thực hiện một cách đơn giản, trực diện, dễ xem, dễ hiểu với số đông. Hành khách chỉ cần nhìn ngắm là đã thấy Tết bên mình", họa sĩ Trương Trọng Quyền chia sẻ.
Họa sĩ Trần Triệu Tuyết cho biết, chị và các đồng nghiệp sẽ đi trên tàu SE1 xuất phát từ ga Hà Nội vào lúc 22h10 ngày 28/1. Trong chuyến tàu đặc biệt này, chị Tuyết và đồng nghiệp sẽ tổ chức vẽ tranh tặng hành khách trên tàu cũng như vẽ trực họa những danh lam, thắng cảnh dọc đất nước.
"Anh chị em họa sĩ chúng tôi rất háo hức chờ đợi đến thời điểm đoàn tàu xuất phát để có thể mang lại những món quà ý nghĩa cho hành khách trong chuyến tàu đặc biệt chạy xuyên giao thừa", họa sĩ Triệu Tuyết chia sẻ.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đây là lần đầu đơn vị tổ chức "chuyến tàu Xuân" chạy xuyên giao thừa. Sau hơn một tháng thi công, lắp ráp, trang trí, hiện 2 toa cộng đồng đã cơ bản hoàn thiện.
Để mang lại trải nghiệm thú vị, khó quên, hành khách có vé tàu đi trên "chuyến tàu Xuân" sẽ được tham gia nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn trên suốt hành trình.
Chiều 23/1, toa tàu cộng đồng được trang trí với sắc vàng của hoa mai được đưa ra khu vực sân của ga Hà Nội hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để di chuyển vào TPHCM, kịp phục vụ trên chuyến tàu SE4 xuất phát tại ga Sài Gòn đi Hà Nội lúc 19h30 ngày 28/1.
Vào thời khắc giao thừa, tại toa cộng đồng, hành khách sẽ hòa vào không khí lễ hội với chương trình countdown tiệc ngọt trên tàu đếm ngược thời gian đón giây phút đầu tiên của năm mới, chúc nhau năm mới tốt lành và may mắn tràn đầy tài lộc, bình an và hạnh phúc; tham gia bốc thăm trúng thưởng với nhiều quà tặng hấp dẫn; tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn đặc trưng ngày Tết…