Những dự án quanh cửa ngõ Tân Sơn Nhất hoàn thành cuối năm nay
(Dân trí) - Còn nửa năm để hàng loạt dự án giao thông xung quanh cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành, đưa vào khai thác vào đúng cuối năm nay theo tiến độ đề ra.
Đầu năm 2024 là thời điểm đầy bận rộn của ngành giao thông TPHCM khi có hàng loạt dự án trọng điểm phải chuẩn bị hồ sơ, hoàn tất thủ tục và khởi công xây dựng.
Còn trong 6 tháng cuối năm, thành phố ưu tiên đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án cấp bách quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, phục vụ vận chuyển, đi lại cho người dân TPHCM sau nhiều năm chờ đợi.
Kết nối ga T3 Tân Sơn Nhất
Trong đó, dự án được mong chờ sớm thông xe, đưa vào khai thác là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, cũng là tuyến đường kết nối trực tiếp với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuyến đường dài hơn 4km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, đạt hơn 50% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Riêng hạng mục hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện 400m đạt hơn 80% khối lượng, có thể hoàn thành trong tháng 8. Trong đó, đoạn đường dẫn vào hầm phía công viên Hoàng Văn Thụ dài khoảng 140m và đoạn đường dẫn ra hầm phía Trung tâm quản lý bay có chiều dài hơn 180m đã thành hình sau hơn một năm thi công.
Một hạng mục khác của dự án là cầu vượt tại khu vực trước nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dài 988m, rộng 17m (4 làn xe) cũng đã xây xong phần thô. Tại điểm đầu dự án giáp đường Cộng Hòa đã thi công xong phần nền, chờ trải nhựa.
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), sắp tới dự án sẽ còn làm thêm một hầm chui khác tại nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.
Cùng với dự án này, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng cũng bắt đầu thi công di dời hạ tầng kỹ thuật sau khi sau khi hoàn tất di dời cây xanh. Đoạn đường từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài gần 800m sẽ được mở rộng từ 8-10m lên 22m.
Dự án vẫn còn vướng một số mặt bằng, nên quận Tân Bình đang vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Theo ông Lương Minh Phúc, sau khi quận Tân Bình bàn giao toàn bộ mặt bằng, nhà thầu sẽ triển khai nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành vào cuối năm nay. Đường Hoàng Hoa Thám và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa khi hoàn thành, ngoài kết nối trực tiếp vào nhà ga T3, còn giúp phá thế độc đạo của đường Trường Sơn ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, giúp giảm ùn tắc cho khu vực.
Giảm áp lực phía Tây TPHCM
Dự án thứ ba là mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý lên 30m sẽ thông xe vào tháng 10, giúp giải tỏa ùn tắc khu vực phía Tây TPHCM và kết nối trực tiếp với sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuyến này dài 2km, rộng 30m, được khởi công vào tháng 3/2023 với tổng mức đầu tư hơn 237 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) TPHCM làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, khu vực cũng được xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật và tổ chức giao thông hoàn chỉnh.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TPHCM, cho biết các nhà thầu triển khai đồng loạt các gói thầu xây lắp, hạ tầng kỹ thuật với tiến độ đạt 70% khối lượng. Chủ đầu tư cũng đã tiếp nhận đầy đủ mặt bằng từ địa phương, đồng thời phối hợp với phía Tổng công ty điện lực TPHCM để ngầm hóa mạng lưới điện.
Đồng thời, dự án cầu cùng tên đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) sau 5 năm tạm dừng vừa tái khởi công hôm 21/6. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm nay.
Khi hoàn thành và đưa vào khai thác, công trình sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt ý nghĩa với khu vực cửa ngõ phía Tây TPHCM.
Phó chủ tịch UBND TPHCM đánh giá việc sớm đưa công trình thi công hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng về phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý dài 80m, rộng 16m (4 làn ô tô). Công trình được khởi công vào đầu năm 2018, vốn đầu tư 312 tỷ đồng theo hình thức BOT, ban đầu dự kiến hoàn thành trong cuối năm 2018. Tuy nhiên khi xây dựng được 70% thì công trình đã tạm ngừng đến nay 5 năm mới tái khởi công vì chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không làm dự án BOT trên đường hiện hữu). Tổng mức đầu tư hiện tại gần 500 tỷ đồng.
Đây cũng là công trình đầu tiên áp dụng cách làm mới từ hình thức đối tác công tư (BOT) sang đầu tư công.
Cách đường Tân Kỳ - Tân Quý khoảng 7km, dự án nâng cấp, mở rộng đường Tên Lửa, (quận Bình Tân) cũng dự kiến về đích cuối năm nay. Hiện, công trình này đạt hơn 50% khối lượng.
Dự án nâng cấp, mở rộng khoảng 297m đường đô thị, bề rộng 40m, đồng thời xây dựng mới vỉa hè hai bên, cải tạo hệ thống cống thoát nước mưa, thoát nước bẩn dọc tuyến, trồng cây xanh, xây dựng hệ thống chiếu sáng...
Đại diện đơn vị thi công cho biết nhà thầu đang thi công các hạng mục san lắp, làm cống thoát nước... Dự án được phê duyệt từ năm 2018, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nhưng sau đó gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, vấn đề pháp lý nên chậm tiến độ.
Việc nâng cấp, mở rộng đường Tên Lửa góp phần cải tạo hệ thống giao thông trong khu vực và giúp chỉnh trang đô thị, hoàn chỉnh tuyến đường trục chính Tên Lửa kết nối từ đường Kinh Dương Vương đến đường Tỉnh Lộ 10.
Ngoài ra, dự án cầu Bà Hom nằm trên đường Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) cách đường tân Kỳ - Tân Quý khoảng 6km, cách đường Tên Lửa 3km cũng sẽ hoàn thành cuối năm nay.
Công trình được khởi công năm 2018, dự kiến hoàn thành sau 8 tháng nhưng phải ngừng thi công 5 năm, mới tái thi công hồi đầu năm nay. Hiện nay, đơn vị thi công tái khởi động, đẩy nhanh tiến độ dự án, góp phần giải quyết ùn ứ phương tiện cho cả khu vực.
Sau khi hoàn thành, cầu Bà Hom mới sẽ nối TP.HCM với các tỉnh Long An, Tây Ninh, giúp việc đi lại của người dân ở cửa ngõ phía Tây qua tỉnh lộ 10 được thuận lợi hơn, giảm tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được xem là một trong những cửa ngõ quan trọng của TPHCM. Việc hoàn thành, đưa vào khai thác những dự án trên từ cuối năm nay được kỳ vọng sớm thay đổi diện mạo giao thông nơi đây, đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc, nâng cao chất lượng hạ tầng, kết nối giao thông, và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.