1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ đầu tư ga T3 Tân Sơn Nhất kêu khó vì mặt bằng thi công hẹp

Thư Trần

(Dân trí) - Mặt bằng thi công chật hẹp, thậm chí không có đường công vụ khiến việc thi công ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất gặp nhiều khó khăn.

Mặt bằng thi công chật hẹp, thiếu đường công vụ, không có bãi gia công thép, triển khai sát sân bay đang khai thác là những khó khăn vướng mắc chính mà chủ đầu tư cho rằng có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào 30/4/2025.

Nội dung được ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban quản lý dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nêu tại buổi họp cung cấp thông tin báo chí sáng 19/6. 

Theo ông Hồng, để hoàn thành phần kết cấu thép, mái nhà ga trước dịp 2/9 năm nay, toàn bộ mặt bằng hiện có của dự án T3 được dùng để tập kết cần cẩu, thiết bị, vật liệu phục vụ thi công. Còn các hạng mục khác như cầu dẫn, cầu cạn phải tạm thời dừng thực hiện.

Chủ đầu tư ga T3 Tân Sơn Nhất kêu khó vì mặt bằng thi công hẹp - 1

Ga T3 Tân Sơn Nhất đạt 60% tổng khối lượng sau gần 2 năm thi công (Ảnh: Thư Trần).

Sau gần 2 năm thi công, dự án ga T3 Tân Sơn Nhất hiện đạt 60% tổng khối lượng. Phần kết cấu bê tông cơ bản hoàn thành. Phần thô công trình nhà ga hành khách (1 tầng hầm, 4 tầng nổi) đạt 100 %, vượt tiến độ 15 ngày.

Sân đỗ máy bay (4.730 m2) hoàn thành đắp nền cát, cấp phối đá dăm, thi công bê tông đạt 89%. Còn sân đỗ xe buýt đạt 25%. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đạt 50%.

Ông Hồng cho hay về kế hoạch hoàn thành phần trăm khối lượng còn lại, từ tháng 7 tới, dự án bắt đầu cho vận chuyển và lắp thang máy, thang cuốn.

"Đến tháng 9, tháng 10 thì sẽ lắp cầu hành khách, điều hòa, phòng cháy chữa cháy. Tháng 12 sẽ lắp các cái trang thiết bị hàng không như là máy soi, băng tải...", ông Lê Khắc Hồng thông tin.

Chủ đầu tư ga T3 Tân Sơn Nhất kêu khó vì mặt bằng thi công hẹp - 2

Nhà ga hành khách dần thành hình, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025 (Ảnh: Thư Trần).

Dự án xây dựng ga T3 khởi công vào tháng 12/2022, với 3 hạng mục chính gồm Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga; tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%).

Khi hoàn thành, ga T3 đáp ứng công suất hơn 20 triệu hành khách/năm, phục vụ 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E, được thực hiện đồng thời với các công trình mở rộng đường giao thông kết nối sân bay, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất nhiều năm qua.