DNews

Những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng được chờ đợi tạo lực đẩy cho vùng TPHCM

Thư Trần

(Dân trí) - Các tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành, Vành đai 4 TPHCM... được kỳ vọng sớm triển khai, hoàn thành để xóa bỏ trở ngại về hạ tầng, bứt phá tăng trưởng kinh tế.

Những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng được chờ đợi tạo lực đẩy cho vùng TPHCM

"Để kịp giờ họp ở TPHCM vào 8h, đoàn Tây Ninh phải xuất phát lúc 4h để ăn sáng", Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng chia sẻ tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hồi đầu năm nay. 

Chỉ dài từ 100km đến hơn 120km, nhưng con đường kết nối TPHCM với Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu suốt nhiều năm qua vẫn là điểm nghẽn cản trở nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.

Nỗi ám ảnh ùn tắc, mất thời gian và lãng phí tiền bạc kìm hãm sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm nhiều lần được lãnh đạo Chính phủ đặt dấu hỏi. Và điều này đang thôi thúc các Bộ, ngành, địa phương, sớm triển khai, đưa mạng lưới công trình liên kết vùng Đông Nam Bộ thành hình.

Rất cấp bách

Vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế, đóng góp 32% GDP và 45% ngân sách cả nước. Hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. 

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng về giao thông nhất là giao thông nội vùng, giao thông liên vùng chưa phát triển đồng bộ, hạ tầng kết nối cảng chậm triển khai. Trong đó, tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 51 chạy qua khu vực đang bộc lộ hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển hàng đến cảng, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. 

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ có 29 dự án quan trọng đóng vai trò tháo gỡ điểm nghẽn kể trên. Đến nay có 4 dự án đã triển khai, 5 dự án đang triển khai thủ tục đầu tư và 20 dự án đang được nghiên cứu, thực hiện. 

Cụ thể, 5 dự án đang được thi công là Vành đai 3 TPHCM (trị giá đầu tư 75.000 tỷ đồng), ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất (11.000 tỷ đồng), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (17.800 tỷ đồng), cao tốc Bến Lức - Long Thành (31.200 tỷ đồng), Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (36.000 tỷ đồng). 5 dự án đang được triển khai thủ tục đầu tư, gồm: Cao tốc TPHCM - Mộc Bài (20.000 tỷ đồng), cao tốc TPHCM - Chơn Thành (25.000 tỷ đồng), cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa (25.500 tỷ đồng), cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (65.000 tỷ đồng), cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa (2.292 tỷ đồng).

Những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng được chờ đợi tạo lực đẩy cho vùng TPHCM - 1

Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ thông với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet, Campuchia (Ảnh: Ngọc Tân).

Trong số đó, PGS. TS. Nguyễn Văn Trình cho rằng cao tốc TPHCM - Mộc Bài có ý nghĩa rất đặc biệt. Dự án không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, mà còn kết nối xuất nhập khẩu, giao thương Việt Nam với Campuchia, nối cao tốc Phnom Penh. Nhìn rộng hơn, tuyến cao tốc đóng vai trò kết nối khu vực Đông Dương, kể cả Thái Lan.

Ngay lúc này, chuyên gia cho rằng cần sớm khởi công dự án vì hiện cửa ngõ quốc lộ 22 đã quá tải. Tình trạng xung đột luồng phương tiện giữa cánh lưu thông hàng hóa và người dân đi lại diễn ra quá thường xuyên. Điều này làm gia tăng chi phí thời gian, xăng dầu, chi phí bảo quản và kể cả nhân lực logistics.

Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài đã xong tất cả thủ tục. Thủ tướng cũng đã giao Bộ KH&ĐT rà soát lại hồ sơ, khẳng định hồ sơ đủ điều kiện được xem xét phê duyệt. Dự án dự kiến được khởi công vào tháng 5/2025 và hoàn thành, thông xe vào tháng 12/2027.

Còn dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang trong quá trình thi công, hiện đạt khoảng 80,05% tổng khối lượng. Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành hơn 50% khối lượng phần thô và tiếp tục hoàn thành các hạng mục còn lại theo kế hoạch. 

Riêng dự án đường Vành đai 3 TPHCM (dài 76km, quy hoạch lần đầu vào năm 2011) đạt khoảng 10% tổng khối lượng; trong đó, đoạn qua tỉnh Long An đạt hơn 22%, đoạn qua TPHCM đạt 12,5%, đoạn qua Bình Dương đạt hơn 9% và đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2%.

Hoàn thiện bức tranh vùng

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng khung kết nối vùng và liên vùng với khoảng 850km đường bộ cao tốc trong vùng.

Trong đó, vùng ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài - TPHCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với đường vành đai 3, vành đai 4 TPHCM (trị giá đầu tư 105.000 tỷ đồng).

Quy hoạch cũng xác định mục tiêu xúc tiến xây dựng hoàn chỉnh các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Gò Dầu - Xa Mát, đồng thời mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (trị giá đầu tư 15.000 tỷ đồng), TPHCM - Trung Lương.

Những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng được chờ đợi tạo lực đẩy cho vùng TPHCM - 2
Những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng được chờ đợi tạo lực đẩy cho vùng TPHCM - 3

Dòng xe nối dài trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hướng đi Đồng Nai, Vũng Tàu (Ảnh: Hải Long).

Các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, cảng hàng không, đường thủy nội địa cũng được chú trọng. 

Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đề ra mục tiêu vùng Đông Nam Bộ sẽ được đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư, TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Nha Trang - TPHCM; các tuyến đường sắt kết nối cảng biển Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến kết nối liên vùng TPHCM - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến TPHCM - Lộc Ninh kết nối với Campuchia.

Những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng được chờ đợi tạo lực đẩy cho vùng TPHCM - 4

Phối cảnh dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (Ảnh: VGP).

PGS. TS. Phạm Xuân Mai nhận định việc triển khai cấp bách và đưa vào khai thác các dự án này sẽ giúp bức tranh hạ tầng vùng Đông Nam Bộ sáng hơn.

"Hệ thống giao thông đồng bộ, hệ thống kinh tế vùng đông nam bộ cũng được kích thích tăng trưởng nhanh hơn là điều chắc chắn", chuyên gia đánh giá.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 342.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 396.500 tỷ đồng để tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng và tạo động lực lan tỏa.

Với nguồn lực và sự quyết tâm này, hạ tầng vùng Đông Nam Bộ được kỳ vọng từng bước hoàn thiện trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực bứt phá mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại của cả nước và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, để chạm tay đến mục tiêu này vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, sự ủng hộ các doanh nghiệp và người dân từ hôm nay.