Kỳ vọng TPHCM giảm kẹt xe triền miên nhờ hàng chục dự án mới
(Dân trí) - Trong 8 tháng còn lại của năm 2024, TPHCM sẽ khởi công, hoàn thành 28 dự án giao thông, đặc biệt là những công trình trọng điểm giải tỏa ách tắc cho các khu vực cửa ngõ.
Hơn 3 năm trước, chị Trần Nguyễn Phương Thảo (32 tuổi, nhân viên bán hàng) quyết định chuyển nơi trọ đến một chung cư tại quận 7 để tiện đi làm ở quận 1. Thế nhưng, thay vì chỉ mất 15 phút như dự tính, đoạn đường mỗi sáng đi và chiều về của chị phải mất gần một giờ vì vừa "thoát" ùn tắc ở nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, chị Thảo lại "lạc" giữa rừng xe hướng về cầu Kênh Tẻ.
Phía Đông thành phố, anh Phạm Trọng Hiếu (27 tuổi, kỹ sư phần mềm), ngụ đường Nguyễn Duy Trinh cũng đau đầu mò mẫm lối ra nút giao An Phú để vòng vào trung tâm vì ùn tắc nghiêm trọng ở giao lộ này mỗi ngày.
Còn ở phía Tây, đường về nhà vào mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết đang là cơn ác mộng của hàng triệu người dân xa quê lập nghiệp ở TPHCM.
Điều này buộc TPHCM phải tính toán, dồn sức giải tỏa căng thẳng cho hạ tầng bằng nhiều động thái chỉ đạo, đưa ra giải pháp, thúc đẩy tiến độ khởi công và hoàn thành các công trình giao thông có vai trò quan trọng.
Hàng chục dự án lớn sắp hoàn thành
Bước qua một năm đầy biến động về kinh tế, TPHCM kết thúc quý I/2024 với chỉ số tăng trưởng (6,54%) cao hơn dự báo. Song, đối nghịch với tín hiệu trên, kết quả giải ngân đầu tư công của TPHCM trong 4 tháng vừa qua lại rất thấp, chỉ 5.969 tỷ đồng (7,5% kế hoạch năm).
Để "xài" hết 73.000 tỷ đồng trong 8 tháng còn lại, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư dốc toàn lực triển khai các dự án lớn. Mặt khác, thành phố cần xử lý dứt điểm các tồn tại, khẩn trương đưa đồng loạt các công trình đang xây dựng tiến về đích.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), cho biết trong năm nay, đơn vị được giao 12.380 tỷ đồng. Trong số đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 2.780 tỷ đồng, phục vụ 16 dự án lớn; 9.600 tỷ đồng còn lại dành cho các gói thầu xây lắp, tư vấn, chi phí khác...
Các trục đường cửa ngõ TPHCM thường quá tải vào giờ cao điểm và lễ, Tết (Ảnh: Nam Anh, Trịnh Nguyễn, Hoàng Giám).
Khác với năm 2023, năm 2024, khối lượng trọng tâm của Ban Giao thông nằm ở các gói thầu xây lắp, tư vấn, chi phí khác... với 9.600 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 8.800 tỷ. Riêng dự án Vành đai 3 chiếm 5.000 tỷ trong 8.800 tỷ đồng này (tương đương 56%).
Nguồn vốn còn lại dành cho nhóm khởi công mới vào cuối năm nay với 760 tỷ đồng liên quan đến 8 dự án là: Cầu đường Nguyễn Khoái, Vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2, nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 2, 3...
Đối với các dự án đang xây dựng, trong tháng 5, TPHCM xác định thúc đẩy tiến độ đường Vành đai 3, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50..., hoàn thành 20 dự án lớn, đáng chú ý là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Phước Long; cầu Rạch Đĩa; cầu Bà Hom; đường Tân Kỳ - Tân Quý; cầu Tân Kỳ - Tân Quý; cầu Nam Lý…
Mặt khác, TPHCM cũng tập trung hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, thông qua chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như Vành đai 2 (đoạn 4), Vành đai 4; Cao tốc TPHCM - Mộc Bài, mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…, đặc biệt là 5 dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98/2023 của Quốc Hội (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM).
Khởi công 8 dự án mới
2024 tiếp tục là một năm đầy bận rộn với ngành giao thông khi TPHCM có hàng loạt dự án trọng điểm phải chuẩn bị hồ sơ, hoàn tất thủ tục và khởi công xây dựng.
Trong nhóm công trình mới sắp khởi công, dự án được kỳ vọng nhiều nhất là cầu - đường Nguyễn Khoái nối khu Nam với trung tâm thành phố và chia tải cho cầu Kênh Tẻ (theo trục đường Nguyễn Khoái - D1).
Hiện các tuyến đường từ khu vực phía Nam vào trung tâm TPHCM thường trong tình trạng ùn ứ xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Nhiều trục đường chính như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, đường Phạm Hùng, Dương Bá Trạc… phải gồng gánh lượng xe rất lớn mỗi ngày.
Cầu đường Nguyễn Khoái có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027. Khi hoàn thành, công trình sẽ tạo thành trục đường chính kết nối khu Nam với khu trung tâm TPHCM; giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cầu kênh Tẻ, cầu Khánh Hội, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y... hiện hữu; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng cao.
Cuối năm 2024, hai đoạn Vành đai 2 phía Đông TPHCM, dài hơn 6km với tổng vốn gần 14.000 tỷ đồng cũng sẽ được khởi công. Đây là 2 trong 4 phân đoạn thuộc tuyến Vành đai 2 chưa khép kín, được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư hồi năm 2023.
Trong đó, đoạn 1 dài 3,5km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là xa lộ Hà Nội), được đầu tư giai đoạn 1, kinh phí khoảng 9.328 tỷ đồng. Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8km, kinh phí 4.543 tỷ.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho hay địa phương đã lên kế hoạch chi tiết, quyết tâm cao, đeo bám các mốc tiến độ giải phóng mặt bằng để khởi công dự án. "Vành đai 2 hoàn thành không chỉ tạo kết nối vùng mà còn là động lực phát triển kinh tế, xã hội của TP Thủ Đức và TPHCM nói chung", ông Tùng nói.
Cũng trong năm 2024, TPHCM sẽ khởi công một số công trình thuộc lĩnh vực môi trường, dân sinh lớn khác như xây dựng hạ tầng, cải tạo rạch Xuyên Tâm, cải tạo bờ bắc kênh Đôi, xây dựng dự án nút giao thông Mỹ Thủy, TP Thủ Đức (TPHCM) giai đoạn 2, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức), nâng cấp tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi), nâng tĩnh không cầu Bình Triệu...
Trong đó, dự án nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) quy mô 3 tầng, tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng sẽ được khởi công giai đoạn 2. Ở giai đoạn 1, nút giao Mỹ Thủy đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào khai thác một số hạng mục thuộc giai đoạn 1 như cầu Kỳ Hà 3, một nhánh cầu vượt trên đường Vành đai 2, hầm chui rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi cảng Cát Lái.
Các hạng mục còn lại như đường nhánh phía bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy đang tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng cũng được tái khởi động vào cuối năm, sau khi địa phương bàn giao đủ mặt bằng xây dựng.
Thống kê cho thấy TPHCM hiện có khoảng 9 triệu phương tiện gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Mỗi năm số lượng phương tiện tại TPHCM tăng bình quân trên 8%, trong khi đó tốc độ đáp ứng về hạ tầng hằng năm lại rất hạn chế, khoảng 2%/năm. Điều này đã dồn sức ép lên hạ tầng thành phố suốt nhiều năm qua.
Song, để những dự án giao thông trên sớm khởi công, và hoàn thành, giải tỏa luồng xe bủa vây nội đô TPHCM, các quận, huyện và TP Thủ Đức phải đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Vì sau nhiều năm, vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm hàng loạt dự án giao thông tại TPHCM chậm tiến độ, đình trệ, tăng vốn đầu tư, gây lãng phí. Đây cũng là vấn đề mấu chốt để TPHCM cải thiện tỷ lệ giải ngân đầu tư công - nhiệm vụ đang là thách thức cho tất cả cơ quan, ban ngành hiện nay.