Những dự án giao thông trọng điểm hoàn thành năm 2024
(Dân trí) - Năm 2024 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành giao thông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm trên khắp cả nước.
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội
Dự án đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội chính thức khai thác thương mại đoạn trên cao ngày 8/8/2024, sau 14 năm mong đợi của người dân. Đây là dự án quan trọng trong quy hoạch giao thông đô thị, nhằm giải quyết áp lực giao thông, giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Dự án có chiều dài hơn 12,5km, đoạn trên cao dài 8,5km từ Nhổn đến Cầu Giấy với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.
Lộ trình chi tiết của toàn tuyến như sau: Điểm đầu Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với Vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với Vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (đường Trần Hưng Đạo).
Theo thiết kế kỹ thuật tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách.
Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80km/h, vận tốc khai thác trung bình 35km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách. Hơn 350 lái tàu và toàn bộ nhân sự trực tiếp điều hành tuyến đã được đào tạo với sự hỗ trợ của nhà thầu và tư vấn
Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến 2027 hoàn thành toàn tuyến. Theo quy hoạch đến năm 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, ngầm 75km.
Về hướng tuyến, metro Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông sẽ kết nối với nhau tại Cát Linh. Tuy nhiên, đoạn đi ngầm của metro Nhổn - ga Hà Nội chưa hoàn thành nên trước mắt Hà Nội sẽ kết nối 2 tuyến tàu điện này bằng xe buýt và xe đạp công cộng. Về lâu dài, thành phố dự kiến sẽ xây dựng hầm kết nối hai tuyến đường sắt đô thị nói trên.
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)
Ngày 22/12/2024, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) TPHCM chính thức đi vào hoạt động. Dự án metro số 1 dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng.
Metro số 1 có 17 đoàn tàu, mỗi tàu ba toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tàu chạy tốc độ tối đa 110km/h đối với đoạn trên cao, và 80km/h với đoạn ngầm.
Trung bình mỗi ngày tuyến có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h đến 22h với khoảng 200 chuyến. Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút; hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần bến xe Miền Đông mới, Thủ Đức) đến Bến Thành, quận 1, khoảng 30 phút.
Nhà ga trung tâm của tuyến metro số 1 là ga ngầm Bến Thành, được khởi công từ tháng 11/2017. Đây là nhà ga hiện đại nhất với kiến trúc được thiết kế độc đáo, nằm cạnh chợ Bến Thành.
Ga ngầm Bến Thành được thiết kế một giếng trời khổng lồ, là điểm nhấn kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng cho ga Bến Thành nói riêng và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nói chung.
Giếng trời có hình hoa sen, cao 6m, đường kính 21,6m. Có chức năng chính là tạo điểm nhấn, cung cấp ánh sáng và tạo nên không gian mở.
Dự án metro số 1 có 2,6km đi dưới lòng đất qua 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành.
Toàn tuyến metro số 1 có 11 ga trên cao gồm: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới và 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành.
Đoạn đường ray trên cao đi qua nút giao Cát Lái (TP Thủ Đức), một trong những nút giao lớn nhất TPHCM. Tuyến metro số 1 hoàn thiện đã thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của TPHCM.
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt
Ngày 29/6/2024, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức lễ thông xe toàn tuyến đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sau khi hoàn thành hơn 19km cuối cùng từ quốc lộ 46B đến nút giao cuối tuyến tại quốc lộ 8A, đoạn qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Cao tốc nối Nghệ An và Hà Tĩnh dài hơn 49km, được khởi công tháng 5/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, kết nối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (Nghệ An) và điểm cuối là huyện Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh (4,9km).
Kể từ 0h ngày 5/1, dự án chính thức được thu phí để hoàn vốn đầu tư theo quy định của Hợp đồng BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) đã ký với Bộ Giao thông vận tải; thời gian thu phí 16 năm, 6 tháng, 8 ngày.
Dự án có 4 trạm thu phí, trong đó có 3 trạm đặt tại Nghệ An gồm: Km430+500, thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu; nút giao Nghi Phương, thuộc xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc; nút giao quốc lộ 46B, thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên và một trạm đặt tại nút giao quốc lộ 8A, thuộc xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Các trạm thu phí này đều sử dụng hệ thống thu phí điện tử không dừng tất cả các làn xe, ứng dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến, đầu vào ETC đa làn tự do, đầu ra ETC đơn làn.
Tất cả phương tiện khi vào cao tốc phải sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị từ chối phục vụ và cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Các phương tiện sẽ lưu thông với vận tốc tối đa 90km/h, tối thiểu 60km/h, lưu thông trong hầm 70km/h.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khánh thành vào ngày 28/4/2024, tại khu vực phía Bắc hầm núi Vung (tỉnh Ninh Thuận).
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài hơn 78km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (5km), Ninh Thuận (63km) và Bình Thuận (12km). Đây là đoạn cao tốc cuối cùng kết nối tuyến cao tốc huyết mạch từ TPHCM đi Nha Trang.
Sau khi đưa vào vận hành, tuyến cao tốc giúp người dân từ TPHCM đi Nha Trang chỉ còn 5 giờ.
Các ô tô có thể chạy trên cao tốc theo hướng Bắc - Nam và ngược lại. Còn các xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ, máy kéo, mô tô, xe gắn máy…, không được chạy vào. Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là đoạn cao tốc cuối cùng nối TPHCM với Nha Trang.
Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 làm chủ đầu tư với tổng vốn 8.925 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, trong đó giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 90km/h.
Trên tuyến bố trí 4 trạm thu phí gồm: Trạm Du Long (nút giao Du Long km70+194), 2 trạm Phan Rang (nút giao Phan Rang Km92+815) và 1 trạm trên tuyến chính (km133+770).
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 35 cầu, 2 nút giao liên thông, 69km đường gom, 2,25km đường hầm xuyên núi, cùng hệ thống thiết bị, hệ thống ITS… được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì đảm bảo công trình đưa vào vận hành khai thác an toàn, thông suốt.
Cầu vượt thép nút Mai Dịch
Dự án cầu vượt thép tại nút giao Mai Dịch thuộc dự án Vành đai 3 trên cao Nam Thăng Long - Mai Dịch (Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ ngày 6/5/2024, có tổng mức đầu tư 342 tỷ đồng.
Cầu Mai Dịch mới được xây dựng chạy dọc hai bên cầu Mai Dịch cũ có kết cấu dầm thép bản mặt bê tông cốt thép liên hợp. Người đi bộ, đi xe đạp, xe thô sơ bị cấm lên cầu.
Sau khi cầu thông xe, cầu vượt Mai Dịch cũ được tách thành trục cao tốc, kết nối với vành đai 3 trên cao. Tốc độ lưu hành cho phép đối với phương tiện trên cầu Mai Dịch cũ (đường cao tốc) và cầu vượt mới tối đa 60km/h.
Đối với hai đơn nguyên cầu mới nằm hai bên cầu Mai Dịch cũ, phần đường dẫn có mặt cắt ngang rộng 7,75m, bố trí một làn xe cơ giới rộng 3,5m và một làn xe máy rộng 2,75m. Mặt cắt ngang mỗi đơn nguyên cầu rộng 7,7m, bố trí một làn xe cơ giới rộng 3,5m và một làn xe máy rộng 2,75m.
Theo phương án tổ chức giao thông do Sở Giao thông vận tải Hà Nội công bố, cầu thép phía Hồ Tùng Mậu phục vụ ô tô, xe máy vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng.
Đối với cầu thép phía Xuân Thủy phục vụ ôtô và xe máy vượt qua nút giao theo hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng.
Ô tô từ vành đai 3 trên cao (hướng cầu Thanh Trì về nút giao Mai Dịch) đi cầu Thăng Long sẽ đi thẳng qua cầu vượt Mai Dịch cũ; đi Phạm Văn Đồng sẽ vượt qua cầu thép và xuống đường Phạm Văn Đồng; đi Xuân Thủy hoặc Hồ Tùng Mậu xuống đường Phạm Hùng đi theo chỉ dẫn vạch sơn và biển báo hiệu khu vực trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch; đi cầu Thăng Long sẽ lên cầu thép hoặc đi thẳng qua nút giao Mai Dịch để đi vào cao tốc.
Ô tô từ vành đai 3 trên cao (hướng từ cầu Thăng Long về nút giao Mai Dịch) theo đường dành riêng cho ô tô; đi cầu Thanh Trì sẽ thẳng qua cầu vượt Mai Dịch cũ (trục cao tốc); đi Phạm Hùng qua cầu thép xuống đường Phạm Hùng; đi Xuân Thủy hoặc Hồ Tùng Mậu xuống đường Phạm Văn Đồng đi theo chỉ dẫn vạch sơn và biển báo hiệu khu vực trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch.
Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 Hải Phòng giai đoạn 1
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 có chiều dài đoạn tuyến hơn 11,6km, trên tuyến có 2 cây cầu và 5 nút giao. Điểm đầu trên địa bàn xã Cao Minh, kết nối với đường dẫn dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa.
Điểm cuối trên địa bàn xã Vĩnh Long, kết nối với quốc lộ 37 đi tỉnh Hải Dương. Công trình được khởi công xây dựng vào cuối năm 2021 và thông xe tháng 10/2024.
Diện tích sử dụng đất khoảng 39,8ha, trong đó giải phóng mặt bằng bổ sung khoảng 4,5ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 628 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.