Những điểm nghẽn trên dự án đường ven sông Sài Gòn với lộ giới 35m
(Dân trí) - Dự án đường ven sông Sài Gòn dự kiến được xây dựng với lộ giới 35m, tuy nhiên suốt nhiều năm vẫn "nghẽn mạch" vì những công trình, hàng rào, bức tường chưa được di dời.
UBND TPHCM vừa yêu cầu các đơn vị gấp rút lập báo cáo, đề xuất phương án quy hoạch kết nối giao thông tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son (quận 1) đến cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) trước ngày 25/3.
Các đơn vị như Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Đường sắt đô thị, UBND quận 1, UBND quận Bình Thạnh được giao rà soát phương án quy hoạch đường ven sông Sài Gòn.
Dự án xây mới đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu) dài gần 4km, tổng vốn khoảng 3.380 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn triển khai từ năm 2024 đến 2030.
Trong đó đoạn 1 từ cầu Ba Son đến ranh Tân Cảng dài gần 1,95km sẽ đầu tư mở rộng đường 31-35m.
Theo quy hoạch giai đoạn 1, điểm đầu dự án bắt đầu từ chân cầu Ba Son. Khu vực bờ sông này đang bị ngăn cách bởi một hàng rào tôn cao khoảng 2m, kéo dài theo dự án trên đường Tôn Đức Thắng đến hết bờ sông.
Khu vực này trước đây là cầu cảng Ba Son, vẫn còn vết tích của một ngôi nhà được phá dỡ sau giải tỏa. Người dân không thể tiếp cận bờ sông đoạn này vì lối đi bị bịt kín.
Đoạn đường dự kiến được xây dựng dài khoảng 1,1km, từ đoạn cuối khu Ba Son sẽ kết nối tiếp với đường ven sông bắc qua rạch Thị Nghè, kéo dài qua cầu Thủ Thiêm và chạy đến cuối khu Saigon Pearl.
20 năm quy hoạch, 8 năm từ khi điều chỉnh quy hoạch, tuyến đường ven sông Sài Gòn vẫn chưa được triển khai. Hàng loạt công trình "án ngự" chậm di dời.
Đoạn đường ven sông sẽ được xây vượt qua rạch Thị Nghè nối dự án khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son và khu đất quốc phòng số 234 đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), khu đất do Tổng công ty Ba Son thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đang quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, đoạn này hiện đang bị tắc vì sân tập golf Him Lam - Ba Son vẫn còn hoạt động và chắn hết bờ sông Sài Gòn. Sân tập golf là hạng mục có diện tích lớn với tòa nhà chính nằm chắn ngang trục đường ven sông đi qua, cũng là chướng ngại vật lớn nhất của tuyến đường này khi kết nối.
Đường ven sông Sài Gòn sẽ đi cắt ngang bên dưới cầu Thủ Thiêm, nối vào khu tổ hợp gồm 4 dự án: Khu Sunwah Pearl, Saigon Pearl, Vinhomes Central Park, nối về khu Tân Cảng - cầu Sài Gòn.
Bên cạnh đó, dọc tuyến đường này vẫn tồn tại nhiều công trình chắn ngang, lấn hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn khiến dự án không được thông suốt, liên tục.
Tuyến đường ven sông đoạn từ cầu Thủ Thiêm về hết khu Saigon Pearl đã có sẵn, đường được trải nhựa với hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hai bên là bãi cỏ xanh rộng rãi.
Đoạn cuối đường ven sông dài khoảng 920m (phần lớn đã có sẵn đoạn đường thuộc khu Vinhomes, kết nối từ bức tường khu Saigon Pearl về hướng cầu Sài Gòn).
Tuy nhiên đoạn này đang bị "tắc" bởi một bức tường phân chia giữa dự án Saigon Pearl và dự án khu dân cư Vinhomes.
Đoạn đường ven sông dài 600m đi qua dự án Saigon Pearl đang tồn tại nhiều công trình lấn chiếm khiến tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn qua quận Bình Thạnh cũng bị chia cắt. Trong đó, bức tường cao khoảng 2,5m hiện do khu dân cư Saigon Pearl quản lý dùng để ngăn ranh giới hai dự án Vinhomes Central Park và Saigon Pearl đang được TPHCM yêu cầu rà soát, tháo dỡ.
Việc tháo dỡ bức tường gây ra hai luồng quan điểm từ năm 2022 đến nay chưa giải quyết xong. Đó là Công ty cổ phần Tập đoàn SSG (Tập đoàn SSG) - chủ đầu tư dự án Saigon Pearl có công văn phản hồi về việc không ủng hộ chủ trương dỡ bức tường này. Còn phía Công ty cổ phần Vinhomes đã chủ động đề nghị cơ quan chức năng TP tiếp nhận quản lý các tuyến đường nội bộ tại khu dân cư Vinhomes Central Park do đơn vị này làm chủ đầu tư.
Đoạn cuối cùng của tuyến đường ven sông Sài Gòn đã có sẵn là khu vực đường ven sông khu dân cư Vinhomes, nối vào khu Tân Cảng - chân cầu Sài Gòn, rộng 35m với nhiều làn xe chạy, khu vực này có hạ tầng khang trang cùng công viên Vinhomes Central Park.