Nhiều thiết bị được chuyển bằng đường thủy vào giải cứu bé trai ở Đồng Tháp
(Dân trí) - Chiều 3/1, nhiều trang thiết bị, máy móc cỡ lớn được lực lượng cứu hộ chuyển bằng đường thủy vào hiện trường để giải cứu bé trai rơi xuống trụ bê tông sâu 35m ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Chiều 3/1, công tác cứu hộ và tiếp cận bé trai 10 tuổi chẳng may lọt xuống ống trụ bê tông công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) được lực lượng chức năng triển khai khẩn trương.
Nhiều trang thiết bị, máy móc cỡ lớn tiếp tục được tăng cường vào hiện trường để hỗ trợ giải cứu cháu bé.
Trọng lượng và kích cỡ của các loại máy này quá lớn, trong khi tuyến đường bộ duy nhất dẫn vào hiện trường khá hẹp nên lực lượng chức năng buộc phải vận chuyển các trang thiết bị bằng đường thủy.
Tuyến đường thủy vào hiện trường là kênh Rọc Sen, có luồng thủy hẹp và cạn nên sà lan và tàu thuyền qua lại gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng phải xuống phát quang cỏ cây hai bên để cho tàu thuyền ra vào hiện trường thuận tiện.
Đoạn kênh rộng khoảng 25m, nước khá nông khiến những chiếc sà lan di chuyển chậm do mắc cạn, lực lượng dân quân phải xuống sà lan hỗ trợ.
Nhiều ống thép cỡ lớn tiếp tục được vận chuyển vào hiện trường bằng sà lan để phục vụ cho phương án ốp ống thép và nạo bùn xung quanh trụ bê tông.
Các nhân viên của Công ty Thủy lợi II đang cố gắng điều hướng sà lan để đưa các trang thiết bị vào hiện trường.
Một thiết bị khoan phụt bằng tia nước áp lực cao của Công ty Thủy lợi II được đưa đến hiện trường giải cứu bé trai.
Bên cạnh đó, nhiều thiết bị hỗ trợ khác cũng được vận chuyển tới hiện trường bằng sà lan qua đường kênh Rọc Sen trong chiều nay.
Một số trang thiết bị được chuyển tới hiện trường để giải cứu bé trai.
Ông Lê Quốc Phong - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp có mặt và trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ.
An ninh thắt chặt nhiều vòng xung quanh hiện trường vụ cháu bé lọt xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, hiện công tác cứu hộ cứu nạn đang được gấp rút tiến hành. Phương án thi công hút bùn bằng cọc guồng xoắn vẫn được lực lượng cứu hộ ưu tiên.
"Sau khi nỗ lực thực hiện kỹ thuật khoan cọc guồng xoắn, hiện đã khoan tới độ sâu 23m trên tổng 35m của cọc bê tông. Khi khoan guồng xoắn đạt tới độ sâu 27m, sẽ dùng các phương pháp kỹ thuật để buộc xích, cố định cọc bê tông và sau đó kéo cọc lên mặt đất để tiếp tục công tác cứu hộ. Dự kiến công tác cứu hộ sẽ kéo dài xuyên đêm nay và cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể", ông Đoàn Tấn Bửu nói.