Nhà máy thủy điện cấm đường, người dân vật vã leo núi về nhà
(Dân trí) - Bị nhà máy thủy điện Đạ Dâng "khóa" lối đi, người dân phải leo đường dốc núi trơn trượt về nhà. Nhiều người ngã nhào, bỏ xe lại trên nền bùn đất.
Từ ngày 2/2 đến nay, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội - chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, xây dựng hàng rào thép gai; lắp đặt cửa sắt, khóa lối đi lại qua khu vực cửa van điều tiết nước (khoanh đỏ) khiến hàng chục hộ dân ở phía trong bị ảnh hưởng.
Con đường đi qua khu vực cửa van điều tiết nước mà chủ đầu tư rào, khóa có chiều dài 550m và là lối đi lại suốt hàng chục năm qua của gần 10 hộ dân sinh sống bên trong. Đây cũng là lối ra, vào khu sản xuất nông nghiệp của gần 30 hộ dân khác trên địa bàn.
Thời gian qua, để tạo lối đi cho người dân, UBND huyện Lạc Dương đã phối hợp cùng chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo mở đường dốc Min với chiều dài 1,5km. Nút giao đường dốc Min và đường ĐT 726 cách vị trí đường bê tông bị doanh nghiệp rào chắn khoảng gần 500m.
Đường dốc Min rộng 5,5m, mặt đường cấp phối sỏi đồi, dù đã khai thông nhưng người dân khó đi lại do độ dốc còn cao, nhiều vị trí trơn trượt vào ngày mưa.
Nền đất tại một đoạn dốc Min sụt lún gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Chị Hoàng Thị Lành, người dân xã Lát cho biết: "Những ngày mưa gió, đường dốc Min trơn trượt, nhiều đoạn xe máy không thể di chuyển. Nhiều người cố gắng đi nhưng ngã xe, bị thương".
Một người dân bỏ lại xe máy dính đầy bùn đất bên vệ đường dốc Min.
Ông Nguyễn Đình Chiến (50 tuổi, trú thôn Păng Tiêng, xã Lát) bức xúc: "Sáng 8/7, trong lúc đang đổ dốc, xe máy của tôi trượt trên nền đất rồi đâm sầm vào gốc cây. Tôi ngã trúng cành cây, bị thâm tím ở vùng cổ".
Ông Vũ Ngọc Hưng (50 tuổi), người có đất sản xuất cà phê bên trong khu Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo cho biết, để lên xuống dốc Min, người dân đi xe máy phải gài số 1 trong suốt quá trình di chuyển.
"Những người tay lái yếu, chị em phụ nữ thì chỉ có cách đi bộ là an toàn. Người tay lái cứng, chuyên chạy đồi núi như cánh làm vườn chúng tôi cũng phải bó tay với dốc Min khi trời mưa", ông Hưng nói.
Theo ông Vũ Ngọc Hưng, tuyến đường dốc Min kéo dài 1,5km, vắt vẻo trên đồi nhưng đa phần hệ thống mương thoát nước chưa được xây dựng. Việc này dẫn đến tình trạng nước mưa đổ từ trên cao xuống gây sạt lở ta luy, ảnh hưởng đất sản xuất của người dân bên dưới. Nhiều vị trí mặt đường cũng xuất hiện vết nứt, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất trong mùa mưa năm nay.
Một gốc cây chênh vênh trên taluy dương đường dốc Min. Theo người dân, gốc cây này ở độ cao trên 5m so với mặt đường hiện hữu và có nguy cơ đổ ập xuống phía dưới.
Theo người dân, sau nhiều lần phản ánh, chính quyền địa phương đã tổ chức hạ độ cao dốc Min. Hiện nay, nhiều đoạn dù đã hạ xuống gần 3m so với mặt đường ban đầu nhưng vẫn chưa đảm bảo sự tiện lợi và an toàn cho người dân di chuyển.
Một đoạn dốc Min gần khu vực sinh sống của người dân lởm chởm đá cấp phối khiến việc đi lại gặp khó khăn.
Bị Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo bịt toàn bộ lối đi qua khu vực cửa van điều tiết nước, nhiều em nhỏ quyết định bước bộ theo rãnh nước trên triền đồi và khu vực vườn tược của người dân để ra, vào làng.
Sáng 8/7, để tạo lối đi cho phụ nữ và trẻ em, người dân sử dụng cuốc, xẻng mở đường trên triền đồi, song song con đường qua khu vực cửa van điều tiết nước của Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo.
Chiều cùng ngày, khi con đường được mở với chiều dài 89m, rộng gần 1m, lực lượng chức năng UBND xã Lát có mặt, yêu cầu người dân tạm dừng việc mở đường.
Sáng 9/6, phóng viên báo Dân trí liên hệ với lãnh đạo UBND xã Lát để thông tin về vấn đề này, tuy nhiên lãnh đạo địa phương đề nghị liên hệ, làm văn bản để được trả lời sau.
Theo ông Bùi Thế, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo mở con đường dốc Min với chi phí gần 2 tỷ đồng để người dân ra vào khu sản xuất. Con đường này có chiều dài 1,5km, rộng 5,5m, mặt đường cấp phối sỏi đồi theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở xã Lát vào ngày 1/7, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dự án Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo đã để xảy ra bức xúc nhiều năm.
Ông S đề nghị UBND huyện Lạc Dương nắm bắt tình hình thực tế để có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý.
Ông Phạm S thông tin, năm 2019, chủ đầu tư đã thỏa thuận, đồng ý để người dân sử dụng đường. Do vậy, ông đề nghị đơn vị này thực hiện đúng thỏa thuận, mở đường cho người dân đi lại.
"Nếu thực hiện đúng thỏa thuận thì không xảy ra tranh chấp như hiện nay", ông Phạm S nói tại cuộc tiếp xúc cử tri ở xã Lát hôm 1/7.
Theo phản hồi của Công ty Long Hội, tuyến đường mà người dân phản ánh bị rào chắn trên nằm trọn trong phạm vi diện tích đất, công ty được cho thuê vào năm 2018. Công ty đã đóng đường để đảm bảo an toàn hồ đập.