Nhà máy thủy điện rào thép gai chặn đường, dân chui mương nước về nhà
(Dân trí) - Bị nhà máy thủy điện xây dựng hàng rào, lắp đặt cửa sắt chặn lối đi, hàng chục người dân phải chui qua kẽ hở ở mương nước để ra, vào nhà.
Đường bị rào thép gai, người dân chui mương nước
Theo phản ánh của người dân, từ ngày 2/2 đến nay, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội - chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) xây dựng hàng rào thép gai; lắp đặt cửa sắt, chặn lối đi lại qua khu vực cửa van điều tiết nước khiến hàng chục hộ dân ở phía trong bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến (50 tuổi, trú thôn Păng Tiêng), trong làng có gần 10 hộ dân sinh sống và vườn của khoảng 30 hộ dân khác. Con đường đi qua khu vực van điều tiết nước là tuyến độc đạo, hình thành trước khi nhà máy thủy điện được xây dựng.
"Kể từ tháng 2 vừa qua, nhà máy thủy điện dựng cửa sắt rồi khóa chặt, không cho chúng tôi đi lại. Để ra ngoài làm việc hoặc về nhà, chúng tôi phải chui qua mương nước (khoảng trống giữa hàng rào thép và mương thoát nước)", ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, hiện nay, chủ đầu tư khóa cửa, bố trí lực lượng canh giữ 24/24. Thời gian qua, trong thôn có người bị bệnh nhưng doanh nghiệp không mở cửa để người nhà đưa bệnh nhân đi khám. Chỉ đến khi lãnh đạo địa phương can thiệp, mọi sự mới được giải quyết.
Khu làng nói trên được bao quanh bởi rừng và mặt nước hồ thủy điện. Để tạo lối đi cho người dân, mới đây doanh nghiệp đã mở con đường khác, cách vị trí cũ khoảng 500m với tên gọi là dốc Min. Tuy nhiên, con đường này có độ dốc cao, chưa được thảm bê tông nên người dân chưa thể sử dụng.
Anh Phan Lâm, cư dân địa phương cho biết: "Tất cả người già, trẻ em đều phải chui qua kẽ hở hàng rào để ra, vào làng. Kẽ hở là khu vực mương nước, chỉ đủ rộng để một người chui nên rất bất tiện, đặc biệt vào những ngày mưa gió".
Trưa 2/7, sau khi đi bộ hàng trăm mét từ nhà ra cửa đập, chị Hoàng Thị Lành luồn mình, chui qua kẽ hở hàng rào thép rồi lấy xe máy ra trường học đón con nhỏ. Chị Lành cho biết, nhà máy không cho ra vào nên gia đình buộc phải để 1 xe ngoài cửa đập, phục vụ việc đi lại.
Chị Lành phản ánh: "Đường bị chặn nên mọi sinh hoạt của chúng tôi bị đảo lộn. Hiện nay, đàn heo nhà tôi đã đến thời kỳ xuất bán nhưng nhà máy không mở cửa nên thương lái không thể vào để mua. Phân bón sử dụng cho cà phê khi mua về đến cổng đập thủy điện phải chia nhỏ để luồn qua hàng rào, vác về nhà".
Ông Nguyễn Đình Chiến cho hay: "Tuyến đường này không phải đường nội bộ của nhà máy thủy điện nhưng nhà máy đã rào chắn, không cho dân đi lại. Chúng tôi phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng đến nay chưa được giải quyết".
Sẽ tiếp tục kiểm tra thực tế
Ngày 2/7, sau khi làm việc với người dân, phóng viên Dân trí đã liên hệ với bộ phận an ninh của Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo, xin đơn vị mở cửa để vào làng nhưng bị từ chối. Khi phóng viên xin số điện thoại lãnh đạo công ty để liên hệ công việc, người này im lặng rồi đi vào bên trong khu vực nhà máy.
Ông Bùi Thế, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương thông tin, con đường người dân phản ánh có chiều dài 550m, trước đây 10 hộ dân có đất ở khu vực đã được thủy điện đền bù. Huyện đã thống nhất mở con đường dốc Min với chi phí gần 2 tỷ đồng (chính quyền địa phương 50%, chủ đầu tư 50%) để người dân đi vào khu sản xuất.
"Sau khi con đường này (dốc Min) hoàn thành, Công ty Long Hội mới rào cổng khu vực cửa van điều tiết nước của thủy điện Đạ Dâng. Hiện còn nhiều hộ dân phản ánh về con đường qua khu vực thủy điện Đạ Dâng và đường dốc Min. UBND huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục kiểm tra thực tế và xử lý theo quy định", ông Thế nói", ông Thế nói.
Cũng theo ông Thế, dốc Min cao nên huyện Lạc Dương đã tổ chức hạ độ cao. Do con đường dẫn vào khu sản xuất nông nghiệp nên chỉ được thực hiện cấp phối.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở xã Lát vào ngày 1/7, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dự án Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo đã để xảy ra bức xúc nhiều năm. Ông S đề nghị UBND huyện Lạc Dương nắm bắt tình hình thực tế để có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý.
Ông Phạm S thông tin, năm 2019, chủ đầu tư đã thỏa thuận, đồng ý để người dân sử dụng đường. Do vậy, ông đề nghị đơn vị này thực hiện đúng thỏa thuận, mở đường cho người dân đi lại.
"Nếu thực hiện đúng thỏa thuận thì không xảy ra tranh chấp như hiện nay", ông Phạm S nói tại cuộc tiếp xúc cử tri ở xã Lát hôm 1/7.
Theo phản hồi của Công ty Long Hội, tuyến đường mà người dân phản ánh bị rào chắn trên nằm trọn trong phạm vi diện tích đất cho công ty thuê vào năm 2018. Công ty đã đóng đường để đảm bảo an toàn hồ đập.