PhotoStory

"Siêu cống" thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây

Thực hiện: Bảo Kỳ - Huỳnh Hải

(Dân trí) - Nhiệm vụ của "siêu cống" là kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên.

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 1

Ngày 5/3/2022, phát biểu tại lễ khánh thành "siêu cống" thủy lợi lớn nhất Việt Nam (hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là công trình của ý Đảng lòng dân, của trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam trong điều kiện khó khăn, đã phấn đấu vươn lên phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Công trình cũng thể hiện sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ sang tư duy chủ động.

Cận cảnh các công trình ngăn mặn, thích ứng biến đổi khí hậu ở miền Tây (Video: Bảo Kỳ).

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 2
Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 3

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (xây dựng trên địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành của tỉnh Kiên Giang) có mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, thời gian qua đã giúp điều tiết nguồn nước, phục vụ sản xuất, hỗ trợ việc bố trí sản xuất ổn định cho các địa phương vùng hưởng lợi dự án. 

Đáng chú ý nhất trong cụm các công trình nêu trên là cống Cái Lớn với quy mô "khủng": rộng 455m với 11 cửa (mỗi cửa rộng 40m) và 2 âu thuyền (mỗi âu rộng 15m). Toàn bộ dự án này được khởi công từ tháng 10/2019 và đã hoàn thành cơ bản, đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, kịp kiểm soát mặn ngay đầu mùa khô năm 2021-2022. 

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 4

Tại Kiên Giang, hệ thống cống vận hành giúp vùng sinh thái ngọt hoàn toàn khoảng 145.000ha đã được kiểm soát, không để mặn xâm nhập. Vùng sinh thái lợ chủ yếu mô hình tôm - lúa cũng đã cơ bản được kiểm soát, nguồn nước có độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.

Hệ thống thủy lợi cũng giúp chủ động kiểm soát mặn cho giai đoạn cuối vụ lúa đông xuân của vùng thượng lưu cống Cái Lớn, Cái Bé thuộc địa bàn huyện An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng; góp phần tăng khả năng thoát lũ, tiêu thoát nước, giảm ngập úng khu vực Tây Sông Hậu, ngăn triều cường khi có yêu cầu.

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 5

Nhiệm vụ của "siêu cống" Cái Lớn, Cái Bé và các công trình liên quan là kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000ha thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là hơn 346.000ha.

Đối với vùng sản xuất lúa - tôm, việc vận hành đồng bộ các cống trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, kết hợp với việc vận hành các cống do tỉnh Kiên Giang quản lý, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ lúa trên địa bàn 2 huyện An Biên, An Minh.

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 6

Ông Huỳnh Tấn Quới (ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, Kiên Giang) cho biết, nhờ hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé, cùng tuyến cống của huyện An Biên, bờ bao giúp bà con trong vùng có thể sản xuất vụ lúa, vụ tôm trong cùng năm.

6 tháng nước mặn người dân nuôi tôm, cua; đến khi mưa xuống, lúc có nước ngọt thì mọi người rửa phèn, trục đất, sạ lúa. 

"Do đất ở đây vẫn còn mặn hơn so các vùng khác nên chủ yếu trồng được lúa ST24, 25, nhưng bù lại có năng suất, bán được giá cao. Mỗi công đất, thu hoạch được khoảng 700-800kg lúa. 

Còn mùa nước mặn, gia đình tôi nuôi tôm, cua, tùy thời điểm và biến động giá cả nhưng lợi nhuận lúc nào cũng cao hơn so với lúa. Khoảng 5 năm nay, nhờ người dân xứ này chuyển qua sản xuất kiểu lúa - tôm như thế mà thay đổi, đời sống sung túc hơn so với trước kia chỉ chuyên canh lúa", ông Quới nói thêm. 

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 7

Theo ông Quới, năm 2024, mùa nước mặn đến sớm khoảng 20 ngày so với mọi năm, những ngày qua nước trong ao tôm ông đo được là 10‰. Ông đang đợi cống đóng để nước trong ao mặn hơn cho tôm, cua lớn nhanh. 

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 8

Cống âu thuyền Ninh Quới khánh thành tháng 10/2020, có tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng, được xây dựng trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, cách ngã tư Ninh Quới về hướng tỉnh Sóc Trăng khoảng 750m.

Cống gồm 2 cống hở ở 2 đầu âu và buồng âu dài 150m; mỗi cống có 1 khoang, chiều rộng thông nước 31,5m; cửa van bằng thép được đóng mở bằng xy lanh thủy lực.

Cống có nhiệm vụ chủ động điều tiết, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng; góp phần điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía bắc quốc lộ 1 tỉnh Bạc Liêu; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; kết hợp phát triển giao thông thủy bộ. (Ảnh: CTV).

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 9

Công trình cống đập Ba Lai - thuộc dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre (hay còn gọi là dự án ngọt hóa Ba Lai), khánh thành năm 2002. Cống đập Ba Lai là 1 trong 9 hạng mục của 1 dự án đại thủy nông - Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre - có tổng kinh phí dự toán 1.230 tỷ đồng.

Cống đập Ba Lai (nối xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại và xã Tân Xuân, huyện Ba Tri), giúp ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo 115.000ha đất tự nhiên thuộc dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre. 

Tỉnh Bến Tre đã có kế hoạch nạo vét lòng sông Ba Lai để tạo độ sâu nhất định nhằm trữ nước ngọt trên sông này. Ngoài ra, địa phương đang làm thêm "túi chứa nước ngọt" trên sông từ Chợ Lách xuống Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, huyện Ba Tri.

Đây là những công trình, dự án lớn được Bến Tre chuẩn bị để phục vụ phòng chống hạn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong thời gian tới.

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 10

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, mùa khô 2023-2024 mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình của giai đoạn 2012-2023). Trong đó, nửa cuối tháng 2/2024 xuất hiện một đợt xâm nhập mặn từ ngày 19 đến 27/2. Tiếp đó, từ tháng 3 đến tháng 5/2024 nhiều đợt xâm nhập mặn khác sẽ liên tiếp xuất hiện nhưng ranh mặn sâu nhất dự báo xuất hiện trong tháng 3/2024.

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 11

Mặn xâm nhập khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn. 

Ông Võ Tiến Sĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, nói một số nhà máy nước do Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre quản lý đang có tình trạng nhiễm mặn.

Theo ông Sĩ, các đơn vị liên quan đang lập dự trù kinh phí để thực hiện phương án vận chuyển nước ngọt về xử lý cung cấp cho người dân.

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 12

Hồ nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri, Bến Tre), có công suất chứa hơn 800.000m3, đảm bảo nước sinh hoạt cho 200.000 người dân tại 24 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Tri. 

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 13

Nhà cạnh hồ Kênh Lấp, ông Huỳnh Thanh Sơn (ngụ ấp Tân Thị, xã Tân Xuân) cho biết, do đường nước máy chưa kéo đến nhà nên nhiều năm nay gia đình ông vẫn sử dụng nước trong hồ để sinh hoạt, tưới tiêu. 

"So với đợt xâm nhập mặn năm 2020, nước năm nay đỡ hơn nhiều, chỗ tôi ở đến giờ nước vẫn chưa nhiễm mặn. Chứ hồi mấy năm trước bị mặn, nắng nóng kéo dài đến nỗi nước trong hồ Kênh Lấp cạn trơ đáy", ông Sơn bày tỏ. 

Siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam giữ nước ngọt cho người miền Tây - 14

Tại Tiền Giang, theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho thấy, đến thời điểm hiện nay, vùng dự án ngọt hóa Gò Công, hiện mực nước trên các kênh trục vẫn còn dao động từ +0,37m đến +0,39m.

Các vùng Thạnh Phú - Phú Đông; vùng dự án Bảo Định gồm cống Gò Cát, Bảo Định, Xoài hột đã đóng cống ngăn mặn. Các cống ngăn mặn tại đầu các tuyến kênh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) vận hành tự do. 

Chi cục Thủy lợi tỉnh đánh giá nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh cơ bản đảm bảo.

(còn tiếp)

Viện khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, mùa khô 2023-2024 xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và có khả năng đạt đỉnh trong tháng 3 năm nay. Tuy nhiên mức độ xâm nhập vẫn thấp và ít gay gắt hơn mùa khô 2015-2016 - vốn là năm khô hạn và xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL.

Tổng lượng dòng chảy về hạ lưu và ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-15%. Hiện mực nước trên dòng chính sông Mekong xuống dần ở mức thấp, trong khi khó có khả năng xảy ra mưa trái mùa tại vùng ĐBSCL.