DMagazine

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới

(Dân trí) - Nhờ khánh thành loạt cao tốc với tổng chiều dài lên tới 475km, năm 2023 được đánh giá là một năm thành công của Bộ GTVT và các địa phương có cao tốc đi qua.

Nhờ khánh thành loạt dự án cao tốc với tổng chiều dài lên tới 475km, năm 2023 được đánh giá là một năm thành công của Bộ GTVT và các địa phương có cao tốc đi qua.

Năm 2023, nhờ có những tuyến đường mới, thời gian từ Hà Nội đi Nghệ An được rút ngắn còn hơn 3 tiếng. Việc di chuyển từ TPHCM đi Cần Thơ hay Phan Thiết cũng thuận lợi hơn. Ở khu vực miền Trung, cao tốc Cam Lộ - La Sơn kết nối với La Sơn - Hòa Liên giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trong những ngày cuối của nhiệm kỳ công tác, đã chia sẻ với phóng viên Dân trí về quá trình vượt qua khó khăn để đưa những dự án giao thông đến ngày khánh thành.

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 1

Sau hơn một thập kỷ được ưu tiên đầu tư ở Hà Nội và TPHCM, năm 2023, "đường cao tốc" đã về đến Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, nhận định đó không chỉ là thành quả của năm 2023, mà là sự kế thừa thành quả công việc của nhiều năm trước, trong đó đặc biệt là tinh thần chỉ đạo từ Đại hội XIII của Đảng.

"Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, cũng là nhiệm vụ lớn nhất, quan trọng nhất mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành GTVT", Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 3

Với tinh thần kết cấu hạ tầng giao thông phải được ưu tiên, đi trước một bước để tạo động lực phát triển cho các ngành khác, năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành 20 dự án hạ tầng giao thông, gồm 17 dự án đường bộ, 1 dự án hàng hải và 2 dự án đường thủy.

Trong đó, 9 dự án cao tốc mới hoàn thành gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Nha Trang - Cam Lâm; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2 và Tuyên Quang - Phú Thọ.

Tính đến năm 2020, sau 20 năm triển khai, cả nước mới có 1.163km đường cao tốc. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, việc đầu tư đường cao tốc có bước đột phá, nâng tổng chiều dài lên 1.892km (riêng năm 2023 đưa vào khai thác thêm 475km).

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 5

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trong bối cảnh đất nước cần phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc đầu tư hạ tầng giao thông đã giúp tạo ra công ăn việc làm. Sản phẩm mới là con đường, và chính sản phẩm này là nền tảng tất yếu cho sự phát triển.

"Khi dự án cao tốc hoàn thành, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất lớn. Những địa phương có đường đi qua bắt đầu tính toán không gian phát triển đô thị, khu công nghiệp... hình thành mạng kết nối giữa cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc tế với cao tốc", ông Lê Đình Thọ chia sẻ.

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 7

Các dự án cao tốc hoàn thành trong năm 2023 có thời gian thi công trung bình 2-3 năm, đồng nghĩa với việc đơn vị thi công đã chống chọi qua đại dịch Covid-19, biến động giá cả, khan hiếm nguyên vật liệu và cả những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, đất lúa...

Nói về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết một trong những điều ông ấn tượng nhất là sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính và những lần Thủ tướng trực tiếp đến công trường.

Những chuyến thị sát này đem lại hiệu quả rõ rệt. Thứ nhất, các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng sẽ được Thủ tướng xem xét quyết định ngay. Thứ 2 là nhờ có Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương cùng vào cuộc và tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn.

"Nhờ sự vào cuộc của lãnh đạo Chính phủ, những điểm nghẽn được tháo gỡ trên nguyên tắc thẩm quyền ai, xử lý việc gì thì phải tập trung xử lý, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nó khác với việc chỉ đạo dàn trải, không phân định rõ", ông Thọ khẳng định.

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 9

Bên cạnh 2 vai trò nêu trên, sự xuất hiện của người đứng đầu Chính phủ trên công trường, nhất là vào dịp lễ tết, còn đem lại nguồn động viên lớn cho đội ngũ công nhân, kỹ sư xây dựng.

"Ngoài đồng lương và trách nhiệm, công nhân còn cống hiến vì có nguồn cổ vũ động viên, tạo tinh thần, không khí sôi nổi trên công trường. Bình thường họ làm theo giờ, theo ca, nhưng có những lúc chớp lấy thời tiết thuận lợi, họ làm thâu đêm, 3 ca 4 kíp trên công trường là chuyện bình thường", Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 11

Ông cho biết giai đoạn tăng tốc vừa qua đã khiến ngành GTVT bắt đầu có sự thay đổi, tạo lên sức mạnh, tầm nhìn và tư duy mới. 

"Như Thủ tướng vẫn nói, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy. Mình đổi mới được tư duy thì sẽ tạo nên được nguồn lực mới", Thứ trưởng chia sẻ.

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 13

Trong bối cảnh hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đặt thời hạn về đích vào năm 2025, Bộ GTVT xác định năm 2024 sẽ là giai đoạn tăng tốc quan trọng.

Dự kiến đến quý II/2024, hai dự án BOT cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ thông xe, qua đó hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020).

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 15

Cả nước sẽ có một tuyến cao tốc Bắc - Nam đi từ Hà Nội đến Hà Tĩnh, từ TPHCM đến Nha Trang và từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước sẽ đạt 2.021km.

Trước đó, Bộ GTVT đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vào ngày 1/1/2023. Với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án này, trục cao tốc Bắc - Nam sẽ được nối liền một dải từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025.

Một số dự án trọng điểm cũng đang được gấp rút triển khai như vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang - Hà Giang, Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn…

Ngành GTVT năm 2023: Bức tranh về những con đường mới - 17

"Đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000km cao tốc. Như vậy cũng có thể nói là Đảng và Nhà nước quan tâm, dành nguồn lực lớn cho lĩnh vực giao thông", ông Thọ nhận định.

Không chỉ tập trung cho đường cao tốc, Bộ GTVT cũng đang chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư, phấn đấu đến giai đoạn 2026-2030 có thể khởi công được dự án này.

Về lĩnh vực hàng không, Bộ sẽ phấn đấu hoàn thành dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Đối với hàng hải, việc trước mắt là nâng cao năng lực khai thác các cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện...

"Đó là những mục tiêu, nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện từ trung ương đến các địa phương, từ Chính phủ đến các bộ ngành đều phải vào cuộc một cách đồng bộ, với sự quyết tâm, quyết liệt, làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất thì mới thành công được", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

"Tôi đi kiểm tra trên công trường, ấn tượng lớn nhất là đứng trước đông người, tôi có hỏi cán bộ công nhân viên rằng giờ các anh có dám làm sai không, người ta trả lời 'anh có bảo bọn em làm sai bọn em cũng không dám làm'.

Tôi lại hỏi công nhân 'Động lực nào để anh làm đến mấy tháng không về nhà, làm ngày làm đêm như thế này?'. Họ bảo nếu chỉ vì đồng tiền thì tôi không làm, nhưng đây là vì danh dự nghề nghiệp. Mỗi khi một con đường hoàn thành, chúng tôi thấy tự hào. 

Nghe công nhân nói thế, tôi cũng xúc động. Bản thân họ có lòng yêu ngành, yêu nghề, yêu đất nước này nên quyết tâm làm".

- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - 

Nội dung: Ngọc Tân