PhotoStory

"Mắt thần" miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Sơn Chà hay Hòn Chảo là một đảo nhỏ, hoang sơ nằm dưới chân đỉnh Hải Vân. Nơi đây có những người lính biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày đêm canh gác, bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 1

Cách đất liền khoảng 10 hải lý, nhìn từ xa đảo Sơn Chà nổi lên tựa chiếc chảo úp nên còn được gọi là Hòn Chảo.

Đảo rộng chừng 1,5km2 nhưng có đầy đủ địa hình, đa dạng sinh học. Khu vực biển quanh Hòn Chảo có nhiều rạn san hô, rong biển, hàu tai tượng, vẹm, sò, nhiều loài cá, mực,...

Theo sử sách, ngày xưa khu vực Hòn Chảo là vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Có thời điểm đảo được đặt tên là Huyền Trân để tưởng nhớ công ơn của công chúa đã có công mở cõi. Thời vua Quang Trung, trong một lần tới đây, thấy hòn đảo được bao bọc bởi một màu xanh biếc, ông đã đổi tên thành đảo Ngọc. Đến thời nhà Nguyễn, đảo có thêm tên gọi là Cù Lao Hàn. Thời Pháp thuộc, đảo được gọi là Sơn Chà và cái tên đó tồn tại cho đến ngày nay.

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 2

Sơn Chà được hình thành từ phần kéo dài ra biển của dãy núi Hải Vân, một nhánh đâm ngang ra biển của dãy Trường Sơn, cao 238m so với mực nước biển.

Đảo có một vị trí hết sức đặc biệt, là điểm tiền tiêu về an ninh quốc phòng của vùng biển miền Trung, được ví như "mắt thần" có thể nhìn ra những vị trí trọng điểm trên biển và đất liền. 

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 3

Trên đảo có một khu bãi tắm với cát trắng mịn, nước trong xanh, đã từng được khai thác du lịch. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hoạt động đưa khách ra đảo Sơn Chà tham quan hiện nay phải tạm dừng.

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 4

Con hàu tai tượng tự nhiên khổng lồ do ngư dân Lăng Cô lặn được tại khu vực Sơn Chà. Đây là loại hải sản đặc trưng và rất nổi tiếng của vịnh Lăng Cô, nơi được mệnh danh một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 5

Trên đảo có Trạm kiểm soát biên phòng Sơn Chà, thuộc Đồn Biên phòng Lăng Cô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế), trực tiếp quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh vùng biên giới quốc gia, giúp ngư dân trong các trường hợp khẩn cấp.

Tọa lạc ở đỉnh cao nhất của Hòn Chảo là Trạm đèn biển Sơn Trà, thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (Bộ Giao thông vận tải). Công trình xây dựng năm 2007 để hướng dẫn tàu thuyền ra vào biển an toàn. 

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 6
Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 7
Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 8

Những cung đường tuần tra đầy gian nan và thử thách đối với lính biên phòng đồn trú trên đảo Sơn Chà.

Bám trụ giữa biển khơi, hàng ngày các anh phải vượt núi, băng ghềnh bảo vệ biển đảo. Dù chỉ rộng 1,5km2 nhưng để đi hết địa bàn phải thức dậy lúc gà gáy và trở về trạm là tối mịt. Đó là mùa hè còn khi mưa gió, lại có việc đột xuất không thể tính toán được thời gian cũng như những hiểm nguy rình rập.

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 9

Một tàu cá Đà Nẵng chạy qua đảo Sơn Chà trong quá trình vươn khơi bám biển, khai thác hải sản.

Trong thời gian qua, các chiến sĩ biên phòng trên đảo đã nhiều lần hỗ trợ, tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân khi tàu thuyền không may gặp nạn. Điển hình như năm 2023, có 1 tàu khai thác thủy sản không may đâm vào hốc đá, tàu bị hư hỏng, ngư dân phải bơi vào đảo nhờ giúp đỡ.

Hay gần đây nhất, có 1 ghe nhỏ bị sóng đánh chìm gần đảo, sau khi tiếp nhận thông tin, Trạm Kiểm soát biên phòng Sơn Chà đã kịp thời hỗ trợ ngư dân trục vớt ghe.

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 10

Theo Thiếu tá Nguyễn Tất Đạt, Trạm Kiểm soát biên phòng Sơn Chà, những người lính biên phòng đóng trên đảo có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh biên giới, đồng thời nắm bắt tình hình trên vùng biển để kịp thời báo cáo cấp trên.

Quá trình công tác, những người lính gặp rất nhiều khó khăn về nguồn cung cấp nhu yếu phẩm, điện, nước, nhất là phương tiện đi lại. Mùa đông, anh em phải dự trữ đồ khô như tôm, cá, tép,... để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, lính đảo Sơn Chà đã cố gắng khắc phục, tăng gia sản xuất nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn, đảm bảo sức khỏe.

Những người lính luôn luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần kỷ luật và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống, qua đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 11
Mắt thần miền Trung dưới chân đỉnh Hải Vân - 12

Một số loại hoa quả do lính đảo Sơn Chà trồng để tự cung tự cấp.

Ngoài gạo, mắm, muối và các loại gia vị khác thì rau xanh, cán bộ, chiến sỹ luôn phải chủ động trồng tăng gia, sản xuất. Do diện tích đất ở đây khan hiếm, lại chịu ảnh hưởng của nước mặn, gió biển, nên việc chăm được dàn bầu, luống rau xanh, nuôi được đàn gà,... là một sự nỗ lực lớn của những người lính. 

Trung tá Lê Bá Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lăng Cô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế), cho biết đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ khu vực đảo Sơn Chà. Riêng ở đảo được biên chế một đội công tác, trực 24/24h. Hàng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch bảo vệ vùng trời, vùng biển, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ đội công tác, từng chiến sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Chà được giao nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ sự bình yên của đảo, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân dân trong mùa mưa bão, lúc gặp nạn trên biển.

Thời gian qua, lực lượng biên phòng trên đảo Sơn Trà đã tạo được mối quan hệ gần gũi, thân thiết, gắn kết tình quân dân. Các anh được người dân tin yêu và sẵn sàng hỗ trợ trong mọi tình huống có thể, nhất là việc hỗ trợ tàu thuyền ra vào bờ, vận chuyển lương thực, thực phẩm và các vật dụng, nhu yếu phẩm khác.