DMagazine

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn

(Dân trí) - Ở những khu đất thưa thớt nhà cửa tại khu dân cư Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) và Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), nhiều năm qua người dân một số tỉnh miền Tây tụ về đây làm nghề kéo dây thừng. Lâu dần người làm nghề này tạo lập thành “làng chạy” ở Sài Gòn.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 1
Nhọc nhằn nghề kéo dây ở ngoại ô Sài thành
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 2

Người đến đây phải thuê mỗi lô đất rộng gần 4m, dài hơn 270 mét với giá 750.000 đồng/tháng đủ để làm thành 1 làn dây. Chủ làn có thể tự mình làm hoặc thuê nhân công để làm dây thừng với thù lao 200 ngàn đồng/ngày. Những người thợ dây thừng thường nói đùa gọi làng mình là “làng chạy”. Mỗi người thợ phải di chuyển 10-20 km đi bộ để kéo dây mỗi ngày.

Người lần đầu tiên đến “làng chạy” có lẽ sẽ ngạc nhiên vì thấy nhiều người cứ cầm cái cào chạy vòng vòng theo các luống dây dài thườn thượt, chừng chục vòng là ra thành phẩm 1 sợi dây thừng. Nhìn thì đơn giản vậy nhưng để làm ra một sợi dây thừng đem bán trên thị trường thực ra khá phức tạp và tốn rất nhiều công.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 3
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 4
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 5

Đầu tiên, người thợ sẽ chia dây đơn vào các kẽ lược. Mỗi kẽ lược là 5 dây đơn. Lược là một thanh gỗ nằm ngang, răng lược là những đoạn sắt nhỏ uốn hình chữ U. Khoảng trống ở giữa hai thanh sắt gọi là kẽ lược. Mỗi lược như vậy khoảng 20 - 30 kẽ.

Những dây đơn được luồn qua kẽ lược, sau đó buộc vào một dụng cụ mà những người làm dây thừng gọi là chiếc cào. Người thợ sẽ cầm cào này di chuyển ra bãi đất trống đi qua các “ngựa”. Thao tác này là việc để các sợi dây đơn được căng ra. Sau đó máy sẽ se chúng lại mới nhau.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 6

Tổng cộng có 11 “ngựa” như vậy, cho đoạn chiều dài 150 m. Đi một lượt, người thợ sẽ vòng lại lượt thứ hai. Về đến lán, những dây đơn được buộc vào giàn sa. Giàn sa sẽ se các sợi dây đơn khiến chúng xoắn lại với nhau.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 7
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 8

Lần đầu là 5 sợi dây đơn se thành 1 cọng. Sau đó, 3 cọng sẽ se thành 1 sợi dây thừng. Như vậy một dây thừng thành phẩm làm từ 15 sợi dây đơn. Công đoạn cuối cùng là dùng dàn quay, cuộn sợi dây thừng thành phẩm lại thành từng cuộn.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 9

Nghề se dây thừng nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng cũng khá kén công, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và kiên trì. Để làm ra được một sợi dây thừng thì phải trải qua nhiều công đoạn, tuỳ theo kích thước khác nhau mà người dân phải kéo dây đi xa 270 mét, luồn qua những cọc gỗ để tách các dây không bị rối nhau, sau đó quay trở lại chiếc máy quấn dây.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 10

Chị Nguyễn Thị Ngọc (ở Chợ Mới, tỉnh An Giang) chia sẻ, trong các công đoạn thì khâu cước khá lâu. Nếu thừng to phải chọn đến hơn trăm sợi, thừng nhỏ thì vài chục sợi. Lấy và phân chia đều thì từng sợi thừng cũng nhỏ đều nhau, có như vậy thì thân dây thừng thành phẩm sẽ tròn đều, đẹp và chắc chắn hơn.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 11
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 12
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 13
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 14

Nghề này không thể làm một mình, luôn đòi hỏi có sự kết hợp giữa hai người. Người chia dây, người cầm cào kéo để căng dây. Người chia phải nhả dây từ từ, nếu quá nhanh sẽ rối, còn quá chậm thì người kéo sẽ rất nặng.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 15

Các “thợ” ở các lán thường là cặp vợ chồng. Người vợ làm những công việc tỉ mẩn như chia dây, quấn dây. Người chồng nhận nhiệm vụ căng dây (kéo cào) và se dây.

Không may, một sợi dây đơn bị đứt hoặc bị rối (điều này diễn ra thường xuyên), người vợ sẽ ra hiệu từ xa, người chồng quay lại tìm đoạn dây chùng hoặc đứt để xử lý. Công việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự phối hợp ăn ý.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 16

Do công việc làm từ sáng sớm đến tối mịt nên người làm thường ở ngay tại chỗ làm. Họ dựng các lán trại tạm bợ bằng những thanh tre, gỗ; che chắn bằng những tấm tôn và bạt nilon cũ.

Như khu trại vợ chồng chị Ngây ở gồm 10 gia đình. Mỗi gia đình được chia một sạp nhỏ kiểu giống như nhà sàn của đồng bào vùng Tây Bắc nhưng thô sơ hơn. Sàn cách mặt đất khoảng 70cm, được ghép từ ván gỗ. Diện tích mỗi sạp chừng 10m2. Chỗ ở của hai gia đình được ngăn cách bằng tấm ván gỗ hoặc tôn. Vì diện tích rất nhỏ, nên trên vách nhà nào cũng lủng lẳng quần áo, xoong chậu.

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 17
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 18
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 19

Mỗi lần chủ đất thu lại đất bán hoặc xây nhà, họ lại chất đồ đạc máy móc lên xe chạy tìm một bãi đất mới, đóng lán trại mới để ở và làm nghề. Đặc thù như vậy nên những người thợ dây thừng có cuộc sống rất giống cuộc sống của những người “du mục” nay đây mai đó.

Bởi cuộc sống không ổn định đó nên họ chẳng có vật dụng gì đáng giá. Một vài gia đình có chiếc ti vi xem giải trí, còn lại là ngồi bên máy thu thanh nghe thời sự.

Giữa cái nắng gắt 35 độ C của Sài Gòn, anh Huỳnh Thanh Biển (tỉnh An Giang) vẫn miệt mài kéo dây thừng. Anh chia sẻ: "Công việc này là nghề cha truyền con nối nên từ nhỏ đến lớn, tôi cùng gia đình phải kiếm sống bằng nghề này. Công việc lắm vất vả nhưng làm chung với mọi người, thấy rất thoải mái và vui vẻ nên đỡ cực hơn".

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 20
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 21
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 22
Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 23
Những sợi dây thừng thành phẩm.

Thu nhập theo thành phẩm nên ai cũng cố gắng chăm chỉ. Người thợ dây thừng không có ngày nghỉ, họ chỉ dừng tay khi trời mưa hoặc cúp điện. Vì vậy, những đứa con của họ từ nhỏ đã gắn bó với máy sa, cây cào. Chúng rất ít được giao tiếp với thế giới bên ngoài. Việc dựng vợ gả chồng thường cũng chỉ bó hẹp trong trại với nhau. 

Lạ lùng nghề kéo dây... chạy ở Sài Gòn - 24