Kỳ cuối: Doanh nghiệp loay hoay xin cơ chế đưa công nghệ vào xử lý rác thải
(Dân trí) - Mặc dù TP Hải Phòng khuyến khích áp dụng công nghệ để xử lý chất thải rắn, nhưng một đơn vị xin tự bỏ kinh phí thí điểm áp dụng công nghệ hiện đại xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa được đồng ý.
Lời tòa soạn: Cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh "xác định không để lỡ thời cơ thêm lần nữa". Để nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn, có 8 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra.
Trong 8 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra nói trên, có những vấn đề cần ưu tiên, đặc biệt quan tâm như bảo vệ môi trường, khoa học về sức khỏe con người,...
Báo Dân trí đã thực hiện loạt bài viết với chủ đề "Loay hoay xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn", tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bài viết muốn phản ánh thực trạng ô nhiễm và nguy cơ gây ô nhiễm còn kéo dài từ các bãi rác thải sinh hoạt nông thôn không riêng ở địa phương này, nếu không được xử lý triệt để bằng các giải pháp khoa học hiện đại.
Tại Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND ngày 9/2/2023 của UBND TP Hải Phòng quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn có nội dung: Khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải rắn.
Trước thực trạng các bãi rác trên địa bàn huyện Tiên Lãng đã và vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm như 2 kỳ trước mà báo Dân trí phản ánh, một doanh nghiệp đã đề xuất với chính quyền địa phương xin tự bỏ kinh phí thí điểm để áp dụng khoa học công nghệ trong xử lý rác thải, nhưng kéo dài nhiều tháng nay vẫn chưa được đồng ý.
Vấn nạn chất thải nhựa, túi nilon
Các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam có thể sử dụng các phương pháp mà thế giới đang có xu hướng lựa chọn là công nghệ đốt rác phát điện và công nghệ nhiệt phân. Đây là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Hai công nghệ trên sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam. Đối với Việt Nam, phương pháp nhiệt phân phù hợp hơn bởi công nghệ này vốn đầu tư và chi phí vận hành thấp, hiệu quả cho môi trường cao. Trong khi đó, đốt rác phát điện lại đòi hỏi vốn và chi phí cao.
Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm dùng một lần được làm từ nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và là nỗi nhức nhối của các quốc gia đang phát triển. Việt Nam đang nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới và là quốc gia có số lượng chất xả thải ra biển nhiều thứ 4 thế giới.
Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon.
Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon trong một tháng. Hơn 80% số túi nilon này đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần, nhưng số lượng được xử lý là rất ít.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Khi được thải ra môi trường, có những loại nhựa có thể phân hủy sau vài tuần, vài tháng, vài năm, cũng có loại phải mất cả trăm năm để các vi sinh vật có thể phân hủy. Nếu đốt thì những loại nhựa như PVC sẽ tạo khí HCl có tính axit cao và dioxin gây ung thư.
Do đó việc xử lý một lượng khổng lồ chất thải nhựa, túi nilon mà không gây ô nhiễm môi trường là một thách thức lớn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và cũng là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng.
Rác thải nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đe dọa các loài sinh vật mà còn làm suy giảm nền kinh tế.
Tại Việt Nam, vẫn chưa có con số chính thức về chi phí phải bỏ ra để xử lý rác thải nhựa. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế cao hơn ít nhất 10 lần so với giá thị trường của nhựa nguyên sinh.
Giải pháp công nghệ
Ngoài công nghệ đốt rác phát điện đòi hỏi vốn và chi phí cao, công nghệ nhiệt phân thuộc nhóm công nghệ nhiệt - hóa. Đây là một trong những giải pháp công nghệ tốt nhất được các tổ chức môi trường trên thế giới khuyến cáo sử dụng thay thế cho phương pháp chôn lấp khi xử lý một lượng lớn chất thải rắn đô thị nói chung và chất thải nhựa nói riêng.
Tại huyện Tiên Lãng, Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu công nghệ môi trường xanh Thiên Ý (Công ty Thiên Ý) đang có ký kết hợp đồng liên danh với Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Thành Vinh (Công ty Thành Vinh) để xử lý rác thải tại bãi rác ở xã Kiến Thiết trong năm 2023.
Nội dung hợp tác, Công ty Thiên Ý đã nêu ý tưởng tự nghiên cứu thiết kế chế tạo dây chuyền thiết bị xử lý rác thải nhựa, túi nilon bẩn tại các bãi rác bằng công nghệ nhiệt phân.
Theo công văn số 152/SKHCN-PTCN ngày 23/1/2024 của Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng, Công ty Thiên Ý và Công ty Thành Vinh là liên danh chủ đầu tư Dự án nhà máy xử lý chất thải không chôn lấp - công nghệ RE-CDM, với công suất 50 tấn/ngày tại huyện Tiên Lãng.
Cũng theo nội dung công văn, công nghệ bổ sung xin ý kiến của dự án trên gồm: Nhựa phế liệu => Tách kim loại => Nghiền => Sấy => Hệ thống cấp phế liệu => Lò nhiệt phân => Bình ngưng tụ => Khí gas được ngưng tụ => Dầu FO => Xuất bán.
Trong đó, khí thải từ lò nhiệt phân được xử lý qua các công đoạn gồm: Khí thải => Lò đốt (1.200 độ C) => Lồng sấy => Cyclone lọc bụi => Lọc bụi túi vải => Ống phóng không.
"Công nghệ của dự án không nằm trong danh mục cấm hoặc hạn chế chuyển giao công nghệ theo Nghị định 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ", theo nội dung công văn của Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng.
Loay hoay xin được thí điểm
Đề xuất giải pháp công nghệ xử lý rác thải nói trên cũng được Công ty Thiên Ý gửi đến UBND TP Hải Phòng, UBND huyện Tiên Lãng.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 29/7/2024 của UBND TP Hải Phòng tổ chức về vấn đề xử lý rác thải và nước sạch của huyện Tiên Lãng, Công ty Thiên Ý cũng được mời tham dự và trực tiếp báo cáo trước Chủ tịch UBND TP và các sở, ban, ngành chức năng. Đại diện Công ty Thiên Ý đã cam kết sẽ tự bỏ kinh phí phân loại và xử lý toàn bộ số lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng lâu nay của bãi rác xã Kiến Thiết bằng công nghệ nhiệt phân.
Trong công văn gửi đến UBND TP Hải Phòng, công ty trên tiếp tục khẳng định sẽ tự bỏ kinh phí thử nghiệm dây chuyền công nghệ nhiệt phân tại bãi rác xã Kiến Thiết, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Quá trình thí điểm, công ty cam kết sẽ phân loại và xử lý hết số lượng lớn rác thải tồn đọng tại bãi rác xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), đồng thời trả lại mặt bằng và môi trường xanh cho địa phương.
Công ty Thiên Ý mong muốn được thử nghiệm công nghệ trong thời gian 1-2 năm, tạo môi trường xanh, phục vụ nhu cầu phát triển của các địa phương.
Sau thời gian thử nghiệm, nếu công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ, được chính quyền địa phương tin dùng, công ty xin được tiếp tục thực hiện công việc tại đây. Trong trường hợp chính quyền địa phương có những phương án khác, công ty cam kết di dời, chuyển toàn bộ trang thiết bị máy móc đã đầu tư.
Trả lời nội dung đề xuất trên, ngày 5/11/2024, UBND TP Hải Phòng đã có công văn giao UBND huyện Tiên Lãng chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét cụ thể đề nghị của doanh nghiệp, xử lý và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
UBND TP Hải Phòng cũng hướng dẫn, nếu trường hợp vượt quá thẩm quyền, huyện Tiên Lãng phải đề xuất, báo cáo nội dung trên của Công ty Thiên Ý đến UBND TP Hải Phòng.
Như kỳ 2 của loạt bài viết này chúng tôi đã phản ánh, toàn huyện Tiên Lãng có 24 bãi rác tạm, đang có hoạt động xử lý rác thải hàng ngày. Trong số 24 bãi rác này, phần lớn các bãi rác được xử lý bằng hình thức chôn lấp trực tiếp; chỉ có một số bãi rác được xử lý bằng phương pháp tách lọc thủ công và ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh tại các bãi rác tạm.
Tuy nhiên, cơ bản phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt ở huyện Tiên Lãng hiện nay là chôn lấp và đốt. Mặc dù chính quyền huyện, xã khẳng định chỉ được đốt rác hữu cơ, nhưng thực tế các bãi rác vẫn đốt cả rác vô cơ.
Ngoài ra, trước đó, làm việc với phóng viên Dân trí, phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã thừa nhận, việc đốt cả rác vô cơ như ở một số bãi rác tại huyện Tiên Lãng là sai quy định.
Phòng chuyên môn của Sở trên cho biết thêm, quy định của pháp luật cũng không cấm việc chôn lấp rác thải sinh hoạt lẫn túi nilon, nhưng các địa phương không khuyến khích việc này.
"Nếu thực hiện chôn lấp rác thải sinh hoạt có cả rác túi nilon thì hố chôn rác phải đúng quy định của quy chuẩn quốc gia, gồm: có hệ thống thu gom nước rỉ thải để đảm bảo không xả ra môi trường khi chưa được xử lý và nhiều yếu tố khác nữa. Chi phí xây dựng một hố chôn rác như này rất tốn kém. Tôi nhìn qua thì các hố chôn rác ở huyện Tiên Lãng chưa đúng với quy chuẩn, vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm", đại diện phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Hình ảnh nước rỉ thải chưa qua xử lý từ bãi rác xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng (trái) và bãi rác ở xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, ra môi trường (Ảnh: Nhóm phóng viên).
Trong công văn gửi báo Dân trí về nội dung liên quan đến công nghệ xử lý rác thải, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết: Xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp vệ sinh thì độ tin cậy không cao, do vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, theo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, phương pháp chôn lấp chiếm diện tích rất lớn, trung bình từ 500-900m2/1 tấn rác. Phương pháp này khó lựa chọn và yêu cầu cao về địa hình, địa chất, phải cách khu vực thành phố đông dân cư ít nhất 10km.
Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, phương pháp chôn lấp rác vệ sinh có nguy cơ tác động xấu đến chất lượng đất, nước ngầm và có mùi hôi.
Còn theo Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng, hiện nay các quốc gia trên thế giới đều áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải sinh hoạt ở cả thành thị và nông thôn.
Ông nêu ví dụ, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai các chính sách để nâng cao quản lý rác thải nhựa trên toàn quốc, bao gồm cả ở các vùng nông thôn.
Luật "Khuyến khích tuần hoàn tài nguyên cho nhựa" của Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 4/2022, nhằm tăng cường hệ thống tuần hoàn tài nguyên cho nhựa trong suốt vòng đời của chúng. Luật này thúc đẩy sáng kiến 3R (Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) + Tái tạo giữa tất cả các bên liên quan, khuyến khích phát triển và áp dụng công nghệ tái chế trên toàn quốc.
Rõ ràng cả cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia đều không khuyến khích xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp.
Tại huyện Tiên Lãng, năm 2024 đã phát sinh khoảng 120 tấn rác/ngày đêm, dự báo con số này năm 2025 tăng lên hơn 124 tấn/ngày đêm. Giai đoạn tiếp theo từ 2026-2030, huyện Tiên Lãng dự báo lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tiếp tục tăng từ 5-10% so với năm 2024.
Trong kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt của huyện Tiên Lãng năm 2025, định hướng đến năm 2030 có đề cập nội dung: Đầu tư cấp bách hạ tầng, kỹ thuật một số bãi rác tạm cụm xã, nhằm tận dụng diện tích còn lại để xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, thay thế phương pháp chôn lấp.
Kế hoạch đã vạch ra, nhưng không hiểu vì lý do gì mà chính quyền huyện Tiên Lãng lại có vẻ "thờ ơ" với đề xuất xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, không chôn lấp của công ty nói trên.