PhotoStory

Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như "báu vật"

Thực hiện: Tiến Thành

(Dân trí) - Một khu rừng với gần 1.000 cây lộc vừng hơn 400 năm tuổi tại Quảng Bình được người dân địa phương xem là "báu vật" và bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như báu vật - 1

Khu rừng lộc vừng này nằm tại thôn Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo các cao niên ở thôn Phú Thọ, cánh rừng lộc vừng được tổ tiên của họ trồng cách đây khoảng 400 năm, trên diện tích 2ha, khoảng 1.000 gốc.

Rừng lộc vừng được trồng thành từng dãy, mỗi cây cách nhau 10-12m nhằm mục đích che gió, chắn sóng từ sông Kiến Giang để bảo vệ làng vào mỗi mùa mưa lũ.

Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như báu vật - 2

Theo cựu chiến binh Nguyễn Minh Châu (70 tuổi, trú thôn Phú Thọ, xã An Thủy), từ lúc ông sinh ra, đã có cánh rừng lộc vừng cổ thụ.

Trong những năm kháng chiến, khu rừng lộc vừng này còn là nơi trú ẩn và tập luyện lý tưởng của bộ đội. Do đó, cánh rừng hơn 400 năm tuổi này tồn tại như một chứng nhân lịch sử, được dân làng xem là vùng đất thiêng, bất khả xâm phạm.

"Không chỉ chắn gió, chắn sóng giữ làng, cánh rừng lộc vừng này còn mang ý nghĩa tâm linh rất lớn với người dân chúng tôi. Sinh trưởng giữa vùng ngập nước ven sông, rừng lộc vừng trở thành "lá phổi xanh" của người dân trong vùng", ông Châu chia sẻ.

Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như báu vật - 3

Tại cánh rừng của thôn Phú Thọ, chủ yếu là cây lộc vừng hoa đỏ, xen lẫn trong đó là một số ít cây lộc vừng hoa trắng. Trải qua hàng trăm năm, những cây lộc vừng ở đây có vỏ xù xì, cành chằng chịt, thế trực tự nhiên, gợi sự trầm mặc, hoang sơ.

Một năm 2 mùa nở hoa, rừng lộc vừng như đỏ cả một vùng. Vào mùa thu, lá rừng lộc vừng đổi màu vàng cam. Sang mùa xuân, những chồi non đầy sức sống khiến nơi đây trở thành một điểm tham quan lý tưởng của du khách.

Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như báu vật - 4

Ngoài ra, với đặc trưng là loại cây thân gỗ có tán rộng nên rừng lộc vừng ở Phú Thọ còn là nơi nghỉ chân của người dân sau những giờ làm việc đồng áng nóng bức hay khi đánh cá trên sông.

Trong số 1.000 gốc cây lộc vừng, có khoảng 300 cây đường kính trên 1m, nhiều cây lâu năm 2 người ôm không xuể. Để giữ "lá phổi xanh" này, người dân thôn Phú Thọ đã ra hương ước để bảo vệ, xem khu rừng là "báu vật", ai chặt phá, gây tổn hại sẽ bị phạt nặng.

Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như báu vật - 5

Bên cạnh đó, thôn Phú Thọ lập ra một ban bảo vệ rừng lộc vừng gồm cựu chiến binh, công an viên của thôn… thường xuyên kiểm tra, nhất là vào thời điểm "sốt" cây lộc vừng.

"Cách đây 5-7 năm, phong trào chơi cây lộc vừng rộ lên, nhiều người hay tin đã tìm đến làng chúng tôi để hỏi mua loài cây được xem là phát tài phát lộc này. Có những gốc lộc vừng họ trả giá tiền tỷ, nhưng người dân trong làng nhất quyết không bán.

Thời điểm đó người dân chúng tôi luôn cảnh giác, bảo vệ nghiêm ngặt, sợ các đối tượng xấu đào trộm", ông Lê Văn Thương, Trưởng thôn Phú Thọ kể lại.

Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như báu vật - 6
Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như báu vật - 7

Hiện nay, để giảm áp lực của công tác giữ rừng, đã có một số cá nhân thử nghiệm ươm cây giống từ những hạt lộc vừng của các gốc cổ thụ để cung cấp cho các trang trại cây cảnh. Qua đó, đưa giống cây rừng lộc vừng của làng Phú Thọ đến với những vùng đất mới.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, cho hay làng Phú Thọ là nơi sinh sống của khoảng 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.

Khám phá rừng lộc vừng hơn 400 năm được dân làng xem như báu vật - 8

Rừng lộc vừng ở thôn Phú Thọ ở ven sông Kiến Giang, bốn mùa ngập nước, góp phần ngăn chặn xói lở đất. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên phối hợp với người dân, chăm sóc, bồi đắp và làm sạch rừng lộc vừng nhằm bảo tồn những giá trị nguyên bản.