Khu rừng cấm toàn gỗ quý ở Quảng Nam được cả làng bảo vệ

Ngô Linh

(Dân trí) - Rừng Cấm Miếu rộng khoảng 10ha, còn tồn tại nhiều danh mộc như gỗ huỳnh, lim, sơn; được 12 chi tộc họ ở Quảng Nam bảo vệ hàng trăm năm bằng tâm linh và hương ước.

"Làng trong rừng và rừng giữa làng"

Người dân làng Nghi Sơn coi rừng Cấm Miếu (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) là một khu rừng thiêng. Họ gìn giữ khu rừng như giữ gìn sự còn - mất của làng, sự thịnh suy của dòng tộc, gia đình mình.

Khu rừng cấm toàn gỗ quý ở Quảng Nam được cả làng bảo vệ  - 1

Rừng Cấm Miếu, làng Nghi Sơn được bao bọc bởi khu dân cư, ruộng bậc thang, rừng gỗ keo và đường bê - tông. Trong rừng có hàng trăm cây đường kính hơn một mét, tầng tán xếp chồng nhau (Ảnh: Anh Thành).

Rừng nằm giữa làng nhưng vẫn tồn tại hàng trăm năm nay. Ông Đinh Hữu Năm, nguyên trưởng thôn Nghi Sơn, là người đã nhiều năm bỏ công sưu tầm, ghi chép lại lịch sử ngôi làng.

Ông Năm cho hay, theo tương truyền nếu ai có ý định đi vào rừng để chặt cây hay bắt động vật thì khi vào rừng sẽ không tìm được đường ra, dẫu khu rừng có bề ngang chừng 1km.

Có không ít câu chuyện về những người vào rừng chặt cây đã không tìm được lối về, phải nhờ đến sự giúp đỡ của dân làng. Không biết tính xác thực của câu chuyện đến đâu nhưng đã trở thành lời "sấm truyền" uy nghiêm mà không ai dám hành xử trái ngược.

"Rừng tàn thì làng mạt. Khi nào có việc chung cần phải lấy gỗ thì trước khi hạ mỗi cây phải cúng xin một lần, ai trái lời sẽ mang họa vào thân", ông Năm chia sẻ.

Khu rừng cấm được 12 chi tộc họ thay nhau bảo vệ hàng trăm năm (Video: Ngô Linh).

Các lão nông ở làng Nghi Sơn cũng không biết "lệ" giữ rừng của làng mình có từ khi nào. Họ chỉ biết từ khi còn bé, những cây đại thụ của rừng đã đứng vững chãi, che chắn mưa bão cho làng.

Ông Trần Quốc Toàn - Bí thư thôn Nghi Sơn - cho biết làng Nghi Sơn có một bản hương ước giữ rừng được truyền qua nhiều đời, 12 chi tộc thay nhau bảo vệ và giữ gìn rừng như tính mạng. Đã có những hình phạt được đưa ra tùy theo mức độ, nhẹ thì phạt lúa, nặng thì trục xuất khỏi làng.

Hương ước của làng ghi rõ, cần phải bảo vệ rừng, cấm bất cứ ai xâm phạm nơi linh thiêng ấy. Rừng do tổ tiên, cha ông trồng nên, tồn tại cùng làng bao đời qua, che mưa chắn gió cho làng nên nó có giá trị thiêng liêng như linh hồn của làng. Đó là đặc ân lớn của làng.

Rừng giữ làng, làng phải giữ rừng, rừng còn thì làng còn.

Khu rừng cấm toàn gỗ quý ở Quảng Nam được cả làng bảo vệ  - 2

Miếu Rừng được lập trước rừng Cấm Miếu, mùng 8 tháng Giêng hàng năm người dân lại tề tựu làm lễ cúng Khai sơn (Ảnh: Ngô Linh).

"Dân làng tôi chỉ có trồng thêm rừng chứ chưa bao giờ dám phá rừng. Hàng trăm cây sao đen, cây thảo quả được trồng thêm vừa tạo cảnh quan, vừa tăng giá trị cho cánh rừng", ông Toàn nói.

Lễ hội khai sơn

Theo gia phả của các tộc họ trong làng, khoảng giữa thế kỷ 15 (Năm Nhâm Tuất, 1442), một số tiền nhân có nguồn gốc Phủ Thừa Tuyên (nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đến khai phá và sinh cơ lập nghiệp.

Khu rừng cấm toàn gỗ quý ở Quảng Nam được cả làng bảo vệ  - 3

Ông Đinh Hữu Năm, một trong những người cất công sưu tầm, biên soạn lịch sử làng Nghi Sơn, cũng là một trong những người hiểu rất rõ về hương ước giữ rừng của làng (Ảnh: Ngô Linh).

Trong quá trình khai sơn, lập ấp, các tiền nhân rất coi trọng gìn giữ các cánh rừng, xem đó là những "linh sơn" chở che cho cuộc sống bình yên của dân làng.

Hàng năm, cứ vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch, dân trong làng bất kể đi làm ăn ở đâu cũng tề tựu đông đủ trước Miếu Rừng với lễ cúng Khai sơn. Nghi lễ này trước để tạ ơn núi rừng, sau đó vào lễ cúng bái tiền hiền nhằm đền ơn người khai hoang lập đất và dặn dò con cháu việc giữ đất, giữ rừng. Đây cũng là dịp các tộc họ, dân làng gặp mặt, thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Theo lãnh đạo xã Quế Hiệp, nhiều đời đã qua, người dân làng Nghi sơn vẫn luôn giữ gìn và bảo vệ khu rừng như một phần máu thịt của mình, không ai xâm phạm đến rừng.

Khu rừng cấm toàn gỗ quý ở Quảng Nam được cả làng bảo vệ  - 4

Nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu anh dũng, từng bám trụ tại khu vực rừng Cấm Miếu, làng Nghi Sơn (Ảnh: Ngô Linh).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm