DNews

Hơn 1.000 cán bộ dôi dư khi sáp nhập phường được TPHCM tính toán ra sao?

Q.Huy

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, TPHCM có thể gặp khó khăn ban đầu là các phường sau sáp nhập sẽ dôi dư từ 1 đến 2 bí thư, chủ tịch. Các vị trí khác sẽ được sắp xếp, tinh giản trong 5 năm tới.

Hơn 1.000 cán bộ dôi dư khi sáp nhập phường được TPHCM tính toán ra sao?

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025. Với nghị quyết này, TPHCM sẽ sắp xếp lại 80 phường còn lại 41 phường, giảm 39 đơn vị hành chính so với hiện tại.

Từ nay đến ngày bộ máy các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động chỉ còn hơn 1 tháng, TPHCM cần giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan tới việc bố trí trụ sở, chuyển giao hồ sơ, tài liệu, trách nhiệm quản lý. Một trong những nhiệm vụ khó và đặc biệt quan trọng đối với thành phố thời điểm này là sắp xếp, bố trí số lượng cán bộ dôi dư khi nhiều phường phải sáp nhập.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết, thành phố sẽ xử lý số lượng nhân sự dôi dư theo lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2029. Trong đó, một số vị trí cần sắp xếp trước ngày 1/1/2025, một số vị trí được sắp xếp năm 2025 và cũng có một số vị trí sẽ sắp xếp từ nay đến năm 2029.

Dôi dư hơn 1.000 nhân sự

Sau khi giảm 39 phường so với trước đây, bộ máy nhân sự tại các phường từ 3.137 người còn 2.115 người, dôi dư 1.022 người. Số lượng nhân sự dôi dư gồm cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở.

Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM phân tích, số lượng cán bộ dôi dư sau sáp nhập xã phường sẽ gồm: bí thư, chủ tịch UBND phường, chủ tịch hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, bí thư Đoàn Thanh niên... Các vị trí cần thực hiện sắp xếp trước ngày 1/1/2025 là bí thư và chủ tịch phường.

Hơn 1.000 cán bộ dôi dư khi sáp nhập phường được TPHCM tính toán ra sao? - 1

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

"Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại TPHCM có thể gặp khó khăn ban đầu là bộ máy của đơn vị hành chính mới sẽ dôi dư từ 1 đến 2 bí thư, chủ tịch. Thành phố cần thực hiện bố trí trước ngày 1/1/2025. Đối với các vị trí khác, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thành phố lộ trình 5 năm để sắp xếp, tinh giản dần", bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho hay.

Theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, chậm nhất 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định. Trường hợp đặc biệt, địa phương cần báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cũng khẳng định, địa phương không xảy ra tình trạng cán bộ rời bỏ khu vực công sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Cán bộ của TPHCM đa số đều đạt chuẩn, có trình độ chuyên môn cao nên có thể điều chuyển từ vị trí này qua vị trí khác khi dôi dư. Các trường hợp được sắp xếp nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế là người có sức khỏe yếu hoặc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.

"Số lượng nhân sự dôi dư sẽ được sắp xếp theo phương án nhân sự của từng quận. Số nhân sự này có thể được điều động đến vị trí khác, về các phòng, ban của quận còn thiếu nhân sự hoặc tiếp nhận để làm công chức", bà Nguyễn Thị Hồng Thắm thông tin.

Cán bộ phường có thể lên quận, thành phố

Liên quan vấn đề nhân sự, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ, với việc 1/3 cán bộ các phường thuộc diện sắp xếp sẽ dôi dư, thành phố giải quyết theo lộ trình chứ không phải "ngày một, ngày hai". Thành phố phân chia rõ nhóm nhân sự nào cần được giải quyết trong năm 2024, nhóm nào trong năm 2025 và nhóm nào đến năm 2029. 

"Ví dụ, viên chức lĩnh vực y tế, người hoạt động không chuyên trách dôi dư được xử lý trong năm 2025. Những lĩnh vực còn lại sẽ xử lý từ nay đến năm 2029. Nhân sự dôi dư được ưu tiên bố trí tại địa phương, trường hợp không đủ biên chế mà cán bộ có năng lực, tầm nhìn thì báo cáo cấp trên để đưa lên các phòng, ban của quận hoặc giới thiệu lên cấp thành phố", ông Võ Văn Hoan cho hay.

Hơn 1.000 cán bộ dôi dư khi sáp nhập phường được TPHCM tính toán ra sao? - 2

TPHCM sẽ có chính sách hỗ trợ cho các cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp (Ảnh: Q.Huy).

Lãnh đạo TPHCM cũng thông tin, thành phố sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và TPHCM. Sở Nội vụ sẽ tham mưu thành phố tờ trình về nghị quyết liên quan mức bồi dưỡng, hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Nội dung này sẽ được trình HĐND TPHCM thông qua vào kỳ họp tháng 12.

Ông Võ Văn Hoan cũng làm rõ, quan điểm chung của TPHCM là cơ sở vật chất của các đơn vị hành chính hiện hữu vẫn cần giữ lại, không thu hồi, đấu giá. Các đơn vị hành chính mới tiếp tục quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, không để phí.

"Tôi lấy ví dụ các trường học vẫn giữ nguyên, không nhập trường này với trường kia. Cơ sở vật chất phục vụ y tế của phường vẫn dùng cho mục đích này chứ không thay đổi. Trụ sở cấp ủy, chính quyền phường cũ có thể bố trí một nơi cho hoạt động của cơ quan đảng, đoàn thể, các cấp lãnh đạo, một nơi là phòng họp lớn, một nơi là địa điểm giải quyết thủ tục hành chính", Phó chủ tịch UBND TPHCM phân tích.

Lãnh đạo TPHCM cũng nhấn mạnh việc không yêu cầu người dân phải thay đổi ngay các giấy tờ khi sắp xếp phường, người dân chỉ cần thực hiện khi có nhu cầu. Các cơ quan phải thừa nhận tính hợp pháp của các loại giấy tờ trước đây, không thu bất kỳ chi phí nào khi người dân muốn thay đổi thông tin.

"Nơi nào yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải thay đổi đăng ký trước đây là sai, giấy tờ nhà, đất cũng vậy. Các cơ quan cũng phải thừa nhận các loại giấy tờ gốc khi có giao dịch nhà, đất, không được làm khó. Để người dân phải ra xếp hàng, chờ đợi nộp hồ sơ là không được", ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Hơn 1.000 cán bộ dôi dư khi sáp nhập phường được TPHCM tính toán ra sao? - 3
Để người dân phải xếp hàng, chờ đợi nộp hồ sơ sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là không được.
Ông Võ Văn Hoan Phó chủ tịch UBND TPHCM

Theo lộ trình dự kiến của TPHCM, từ nay đến hết ngày 31/12, các quận cần tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội các phường trực thuộc theo đơn vị hành chính mới, chỉ định ban chấp hành, bí thư, phó bí thư các phường và có chủ trương nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường mới. Các phường cần rà soát, thống kê bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, dự án để chuẩn bị bàn giao.

Các địa phương đồng loạt tổ chức hội nghị công bố quyết định sắp xếp các phường từ ngày 28/12 đến ngày 30/12.

Quyết định bổ nhiệm các chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong thời gian này, các quận cũng thực hiện thay đổi con dấu cơ quan, đơn vị chịu ảnh hưởng bởi nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính.

Việc kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp tiếp tục được thực hiện trong năm 2025 để chuẩn bị điều kiện cần thiết tổ chức thành công đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.