(Dân trí) - Hơn 30 văn kiện hợp tác trị giá gần 3 tỷ USD cùng 3 dự án hợp tác ODA 200 triệu USD là những "trái ngọt" trong chuyến công tác Nhật Bản của Thủ tướng, tiếp nối hành trình "từ trái tim đến trái tim".
Từ năm 1977, cựu Thủ tướng Fukuda Takeo đã đưa ra học thuyết "từ trái tim đến trái tim", đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN, trong đó có quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Khi phát biểu tại cuộc họp cấp cao ASEAN - Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bổ sung khái niệm "từ hành động đến hành động, từ cảm xúc đến hiệu quả" vào định hướng phát triển quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong tình hình mới.
Và hành trình "từ trái tim đến trái tim" ấy sau 50 năm đã dần đem lại hiệu quả. Nhiều "trái ngọt" cũng được ký kết ngay trong chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khi tới đất nước mặt trời mọc lần này.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp tiêu biểu của Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền tải thông điệp đề nghị doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đồng thời chứng kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trao đổi hơn 30 văn kiện hợp tác, trị giá gần 3 tỷ USD.
Hợp tác ODA giữa hai nước tiếp tục sôi động khi hai Thủ tướng chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá hơn 200 triệu USD.
Ngày 16/12, khán phòng tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ở Thủ đô Tokyo không còn ghế trống. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước thậm chí đứng hàng tiếng đồng hồ để theo dõi sự kiện.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy điện khí LNG cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam.
Dự án điện khí này có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, với công suất 1.500MW, sử dụng công nghệ sản xuất điện bằng tuabin khí, chu trình hỗn hợp hiện đại và có hiệu suất cao, nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải nhấn mạnh việc trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án 2 tỷ USD này là một trong những đóng góp cho thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt - Nhật nói riêng và chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản nói chung.
Đây cũng là dịp khẳng định thành quả của quá trình hợp tác về mặt kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, trong đó có phần nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản của tỉnh Thái Bình.
"Với Thái Bình, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay. Dự án có ý nghĩa rất to lớn, ngoài việc góp phần chuyển đổi cơ cấu, nâng cao quy mô kinh tế của tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, còn đóng góp lớn vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", ông Hải nhấn mạnh.
Bí thư Ngô Đông Hải cho biết chủ trương của Chính phủ là xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm nhiệt điện quốc gia, trong đó chú trọng đầu tư mới các dự án sử dụng năng lượng sạch và có lộ trình chuyển đổi dự án đốt than hiện có sang dùng năng lượng hydrogen hoặc methanol.
Dự án điện LNG trị giá 2 tỷ USD Thái Bình vừa hợp tác với Nhật Bản bước đầu được cấp phép 1.500MW, nhưng địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa dự án vào hoạt động, đồng thời tham mưu Chính phủ tiếp tục cho mở rộng công suất lên 3.000-4.500MW.
Khát vọng của Thái Bình, theo ông Hải, là trở thành cứ điểm sản xuất năng lượng sạch, giảm phát thải và hướng tới zero carbon.
Sau khi được đưa vào Quy hoạch điện VIII, Thái Bình được Thủ tướng giao nhiệm vụ phải có định hướng phát triển không gian mới ngoài biển. Tỉnh đã xây dựng phương án quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt.
Vị Bí thư Tỉnh ủy kỳ vọng sự kết hợp của các dự án điện khí LNG, điện gió… khi được cấp phép chủ trương đầu tư, sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng xanh, năng lượng sạch, hướng tới giảm phát thải ròng bằng "0"…
Với định hướng vươn lên mạnh mẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài, Thái Bình đã có quá trình chuẩn bị rất dày công để "dọn ổ đón đại bàng", bằng việc đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực của các cơ quan trong hệ thống chính quyền.
Mặt khác, tỉnh cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. "Thái Bình có nhiều cách làm linh hoạt trong xúc tiến thu hút đầu tư, mạnh dạn tiếp cận với các đối tác nước ngoài, đặc biệt những nước có công nghệ tiên tiến hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả một số nước ở châu Âu", ông Hải nói.
Trong 3 năm trở lại đây, thu hút đầu tư của Thái Bình đã bứt phá mạnh mẽ. Riêng năm 2023, thu hút đầu tư nước ngoài của Thái Bình vượt mốc 3 tỷ USD. Kết quả này nhờ quá trình chuẩn bị dài hơi từ khâu đề xuất đưa vào quy hoạch đến duyệt, xem xét nhà đầu tư, hay việc tham mưu hoàn thiện quy định pháp luật, nhất là các quy hoạch liên quan.
Ông Hải dẫn chứng khu công nghiệp đầu tiên của Thái Bình là Liên Hà Thái, chỉ trong 2 năm đã vừa giải phóng mặt bằng diện tích 600ha, vừa cơ bản xây dựng hoàn thiện hạ tầng, vừa thu hút đầu tư được khoảng hơn 440 triệu USD. Vị Bí thư Tỉnh ủy gọi tên quá trình này trong 3 chữ "rất thần tốc".
Chia sẻ "bí quyết", Bí thư Ngô Đông Hải nói rằng khi ấy, tỉnh xác định yêu cầu hàng đầu là khắc phục ngay điểm yếu, điểm còn thua kém với tỉnh bạn về hạ tầng và mặt bằng. Dù giải phóng mặt bằng ở địa phương là công việc rất khó khăn vì "đất chật người đông", song theo ông Hải, bằng nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, Thái Bình đã tạo ra "kỳ tích" trong nhiệm vụ đầy thách thức này.
Bên cạnh đó, Thái Bình tự nhìn nhận là địa phương phát triển sau, nhiều năm kinh tế khó khăn, chưa có nhiều đột phá nên môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, năng lực cán bộ cũng thua kém tỉnh bạn. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh rất tập trung nâng cao, đẩy mạnh, đổi mới những điều này để tạo ra sự thay đổi căn bản và vượt bậc.
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế Việt - Nhật, TP Cần Thơ, tỉnh Bắc Giang và Công ty TNHH AeonMall Việt Nam đã cùng các đối tác trao thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Mall tại Cần Thơ và Bắc Giang, với trị giá mỗi trung tâm trị giá khoảng 250 triệu USD).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản tạo động lực mạnh mẽ cho việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động.
Việc trao thỏa thuận hợp tác với AeonMall, theo ông Trường, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
TP Cần Thơ có diện tích hơn 1.400km2 với dân số gần 1,3 triệu người, nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL. Trong khi đó, Tập đoàn AeonMall là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Á, có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Tập đoàn được thành lập vào năm 1989 và hiện có hơn 200 trung tâm thương mại tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, AeonMall bắt đầu hoạt động từ năm 2014 với Trung tâm AeonMall Long Biên. Đến nay, tập đoàn mở thêm 5 cơ sở khác tại Hà Nội (1), TPHCM (2), Bình Dương (1), Hải Phòng (1).
Chủ tịch Cần Thơ cho biết khi AeonMall đầu tư tại địa phương cũng đã có những tác động tích cực.
Trước hết là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khi tạo ra nhiều việc làm, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Đầu tư này cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi mang đến cho người dân một không gian mua sắm, vui chơi, giải trí hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Đánh giá một cách tổng quát, ông Trường cho rằng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Cần Thơ góp phần nâng cao vị trí của thành phố trên bản đồ kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhật Bản đứng đầu trong 22 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI tại Cần Thơ với 8 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,35 tỷ USD, hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin, dịch vụ.
Ưu tiên thúc đẩy hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản là một trong những mục đích của chuyến công tác tại Nhật Bản lần này, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong chuỗi hoạt động dày đặc tại đất nước mặt trời mọc, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã dành thời gian tiếp Thống đốc 7 tỉnh của Nhật Bản, nhằm bàn về định hướng hợp tác này.
Bên cạnh hợp tác giữa các địa phương, hợp tác doanh nghiệp hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với việc tổ chức các diễn đàn, tọa đàm kinh tế và gặp gỡ nhiều lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Nhật Bản.
Trong nhiều thỏa thuận mà doanh nghiệp hai nước ký kết, Công ty TNHH phần mềm Kaopiz của Việt Nam và đại diện Tập đoàn Hammock cũng trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội đầu tư, hợp tác mới trong việc nghiên cứu, phát triển và tích hợp các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, nhận dạng hình ảnh và nhận dạng chữ viết.
Ông Trịnh Công Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH phần mềm Kaopiz, chia sẻ vui mừng khi được Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành hai nước Việt Nam - Nhật Bản tạo điều kiện để đơn vị có cơ hội giao lưu, hợp tác cũng như đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo ông Huân, Dự án chuyển đổi số ứng dụng công nghệ AI/IoT vào việc lập kế hoạch sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành cho nhà máy sản xuất ô tô Nhật Bản lớn tại miền Trung Việt Nam, tạo khả năng mở rộng công suất lắp ráp tăng gấp 2 lần chỉ sau 3 năm.
"Sự kết hợp giữa thế mạnh về công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp tiên tiến của Nhật Bản cùng đội ngũ kỹ sư trẻ, năng động, trình độ cao trong môi trường kinh doanh đang rộng mở của Việt Nam tạo ra cơ hội hợp tác vô cùng to lớn", theo ông Huân.
Một dấu ấn đặc biệt trong chuyến công tác tới xứ sở hoa anh đào lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, là việc Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một diễn đàn hợp tác lao động cấp quốc gia ở nước ngoài - nơi đang có khoảng 520.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc.
Diễn đàn này cũng được tổ chức vào một dịp rất đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và 30 năm hợp tác về lao động, việc làm, an sinh và dạy nghề giữa hai quốc gia. Sự kiện mang tính tổng kết chặng đường 30 năm qua, và quan trọng hơn, tập trung điều chỉnh những chính sách để giúp quyền lợi của người lao động tăng lên.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực xã hội và lao động của Việt Nam - Nhật Bản diễn ra rất sôi động, với minh chứng rõ nét là lực lượng lao động Việt Nam tại Nhật hiện có khoảng 350.000 người - đứng đầu trong những quốc gia có lao động tại Nhật Bản.
Là người tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự nhiều hoạt động trong chuyến công tác tới Nhật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Thủ tướng Nhật Bản
Kishida Fumio cũng như đại diện các tập đoàn lớn của Nhật, đều đánh giá rất cao người lao động Việt Nam với những đức tính vừa chăm chỉ, chịu khó, vừa sáng tạo.
Nhu cầu rất cao, tiềm năng rất lớn là nhận định được người đứng đầu ngành lao động - thương binh và xã hội đưa ra khi nói về hợp tác lao động Việt - Nhật.
Bộ trưởng Dung cho biết tới đây, hai quốc gia sẽ tiếp tục bàn bạc với định hướng giảm bớt thuế, thủ tục visa và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản cũng thống nhất tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ trước mắt mà về cả về lâu dài cho cả hai quốc gia.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng cùng Bộ Tư pháp; Bộ Y tế, Phúc lợi và Xã hội Nhật Bản, có chương trình ký kết liên tịch, trong đó tập trung vào 4 nhóm lực lượng lao động, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Trong đó, thứ nhất là tạo điều kiện tối đa để các địa phương của Việt Nam - Nhật Bản thống nhất hợp tác về lao động.
Thứ hai, tăng cường lực lượng thực tập sinh kỹ năng.
Ba là đào tạo kỹ sư thực hành, tập trung vào lực lượng đặc định. "Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất, ngay đầu năm 2024 sẽ tổ chức thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam, tạo điều kiện cho những em, những cháu từng học tập và làm việc tại Nhật Bản có điều kiện quay trở lại tiếp tục công việc", Bộ trưởng Dung nói.
Thứ tư, Bộ trưởng nhấn mạnh định hướng tập trung hỗ trợ những thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sang Nhật Bản với chương trình miễn phí 100%.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý cấp chiến lược.
Ông Kishida khẳng định nguồn nhân lực của Việt Nam, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao và thực tập sinh kỹ năng, là không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Ông cũng vui mừng trước việc hai bên sẽ tổ chức kỳ thi tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định tại Việt Nam.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước này.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, Thủ tướng cũng không quên đề cập vấn đề hợp tác lao động kèm lời đề nghị miễn các khoản thuế cho lao động Việt Nam, đơn giản hóa tiến tới miễn visa cho công dân Việt.
Đánh giá cao sự cần cù, năng động của người lao động, lợi thế về dân số và nguồn nhân lực của Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro cam kết sẽ hỗ trợ các chính sách nâng cao điều kiện sống cho người Việt Nam tại Nhật Bản, cải thiện thu nhập trong bối cảnh đồng yên mất giá. Ông cũng ủng hộ việc đơn giản hóa thủ tục tiến tới miễn visa cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong hợp tác lao động với Nhật Bản, Việt Nam cần hướng đi phù hợp thực tế, như tuyển dụng, phái cử lao động có trình độ, kỹ năng; có khát khao học hỏi, kiên trì, vươn lên bắt kịp sự phát triển của thời đại trong những lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ thông tin.