Hàng nghìn người dân góp đồng đúc bức tượng Bác Hồ đầu tiên ở Thanh Hóa
(Dân trí) - Cách đây 54 năm, bức tượng Bác Hồ bằng đồng nặng 370kg được hoàn thiện tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Để làm ra bức tượng, hàng nghìn người dân góp đồng, góp công suốt nhiều tháng.
21 ngày phác thảo phôi đúc tượng
Họa sĩ, Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ (quê xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) năm nay 84 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc đến ký ức về những tháng ngày cùng người dân làng nghề đúc đồng Trà Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) đúc tượng Bác Hồ, ông rưng rưng xúc động.
"Đó là kỷ niệm không thể nào quên trong suốt hàng chục năm làm nghề họa sĩ, điêu khắc của tôi. Bức tượng không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam dành cho Bác Hồ, mà còn mang đậm tình đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của người dân làng nghề đúc đồng Trà Đông nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung", ông Quỳ nói.
Ông Quỳ kể, năm 1970, hơn một năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương đúc tượng Bác Hồ bằng đồng để tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người.
Lúc bấy giờ, họa sĩ Lê Đình Quỳ là cán bộ của Ty Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), ông được mời thiết kế chân dung Bác Hồ, làm phôi để các nghệ nhân làng nghề Trà Đông đúc tượng.
Nhận nhiệm vụ cao cả, ông Quỳ đi đến nhiều địa phương - nơi Bác Hồ từng ghé thăm và làm việc ở Thanh Hóa thu thập tư liệu, hình ảnh để phác họa chân dung Bác Hồ.
"Trước khi làm phôi, tôi phải đi đến những nơi Bác Hồ từng ghé thăm và làm việc để thu thập tư liệu, hình ảnh về Bác. Để khắc họa chính xác chân dung về Bác Hồ, tôi còn phải lục tìm lại ký ức trong những lần được gặp Bác, sau đó cẩn thận vẽ, phác thảo phôi tượng.
Phải mất 21 ngày tôi mới hoàn thiện phôi tượng. Trong suốt quá trình làm phôi, không ít lần tôi phải sửa đi, sửa lại phôi sao cho ưng ý. Ngày ấy chưa có vật liệu đầy đủ, phôi tượng được làm bằng đất sét. Khi tạo phôi, tôi phải cố gắng làm sao cho các chi tiết phải chân thực, hài hòa, có hồn. Đây là khâu quan trọng nhất để tạo nên sự thành công cho tác phẩm", ông Quỳ nói.
Hàng nghìn người dân góp đồng đúc tượng Bác Hồ
Cũng như ông Quỳ, đối với người dân làng nghề đúc đồng Trà Đông, hơn nửa thế kỷ trôi qua, kỷ niệm về ngày đúc tượng đồng Bác Hồ luôn được người dân ghi nhớ và gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Là một trong những gia đình từng tham gia đúc tượng Bác Hồ, ông Nguyễn Bá Châu, nghệ nhân đúc đồng, cho biết đó là niềm tự hào, vinh dự lớn đối với người dân làng nghề đúc đồng Trà Đông.
Ông Châu cho biết, năm 1970, bố ông là cụ Nguyễn Bá Xuân (SN 1924) làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã đúc đồng Trà Đông. Khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, ông Xuân cùng nhiều thành viên của hợp tác xã hăng hái tham gia đúc tượng.
Thời điểm đó, ngoài những người thợ có tay nghề, kỹ thuật, nhiều thanh niên trai tráng, thậm chí trẻ nhỏ cũng hào hứng phụ giúp cha, ông mình đúc tượng. Ông Châu khi đó 8 tuổi nhưng cũng vinh dự được nhiều lần theo bố làm việc.
Theo ông Châu, do điều kiện địa phương lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, để có nguyên liệu đúc đồng, hàng nghìn người dân trong xã đã tự nguyện đóng góp đồng. Thời gian hoàn thiện bức tượng kéo dài gần 2 tháng.
"Có hơn 4 tạ đồng được người dân ủng hộ đúc tượng. Để hoàn thiện bức tượng, người dân trong xã phải sử dụng 12 lò đúc tại sân hợp tác xã cùng nhau làm việc. Do không có máy móc hiện đại như bây giờ, tất cả các công đoạn được làm thủ công, gần 2 tháng, bức tượng được hoàn thiện, với trọng lượng 370kg", ông Châu chia sẻ.
Ông Châu cũng cho hay, sau khi bức tượng Bác Hồ được hoàn thiện, người dân địa phương ai cũng vui mừng, xúc động. Đặc biệt, trong buổi rước tượng Bác Hồ về huyện, hàng nghìn người dân đã tập trung hò reo trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
"Đó là ngày hội lớn của người dân làng Trà Đông. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn luôn tự hào và răn dạy con cháu cần xem đó là niềm vinh dự để cố gắng phát huy tinh thần yêu nước, hăng say lao động sản xuất", ông Châu tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa, cho biết năm 2023, địa phương tổ chức khánh thành khu Di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa (thời kỳ 1967-1973) tại xã Thiệu Viên nên bức tượng Bác Hồ được rước về nhà truyền thống tại xã Thiệu Viên.
"Xã Thiệu Viên là địa điểm trước đây Tỉnh ủy Thanh Hóa từng làm lễ truy điệu trong ngày Bác Hồ mất. Sau khi Bác mất, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã giao cho địa phương, cụ thể là xã Thiệu Trung, đúc tượng Bác Hồ bằng đồng. Địa phương rất vinh dự và tự hào khi được giao nhiệm vụ này", ông Biện nói.
Ông Lê Hai Tư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Viên, cho biết từ khi tượng Bác được thờ tự tại Khu di tích lịch sử cách mạng ở địa phương, người dân và chính quyền nơi đây rất tự hào và vinh dự; thường xuyên tổ chức các hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh, dọn vệ sinh trong ngoài khu di tích.
"Không chỉ vậy, đây còn là địa chỉ đỏ về giáo dục cách mạng, lịch sử đối với các em học sinh. Năm học 2023-2024, tại đây đón hơn 1.000 lượt học sinh trong huyện đến dâng hương báo công với Bác.
Ngoài ra, vào các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh 2/9, có nhiều đoàn tham quan của các huyện lân cận và tỉnh Nghệ An cũng thường về đây dâng hương báo công", ông Tư chia sẻ.