Hàng loạt trụ sở, nhà khách bỏ hoang tại các vị trí "đất vàng" ở Hà Tĩnh
(Dân trí) - Nhiều năm nay, Hà Tĩnh tồn tại hàng loạt trụ sở cũ, nhà khách nằm ở những vị trí đắc địa nhưng bị bỏ hoang. Chính quyền nhiều lần vào cuộc tìm cách giải quyết nhưng chưa thể xử lý dứt điểm.
Năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Tĩnh chuyển về trụ sở mới trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Kể từ đó đến nay đã 8 năm, toàn bộ cơ sở vật chất cũ của cơ quan này (vùng khoanh đỏ), tại số 61 Phan Đình Phùng, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh, bỏ không.
Trụ sở cũ của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh nằm ở vị trí đắc địa, giữa trung tâm thành phố Hà Tĩnh, giáp với 2 tuyến phố sầm uất bậc nhất là Phan Đình Phùng và Nguyễn Huy Tự.
Suốt gần một thập kỷ, trụ sở cũ của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh hoang hóa, xuống cấp, gây lãng phí khiến người dân xót xa. Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, vấn đề này được trả lời như sau: Việc tổ chức đấu giá sẽ được triển khai sau khi trụ sở của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (nằm cạnh bên) chuyển sang vị trí mới và bàn giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi bàn giao, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính nghiên cứu để đưa ra phương án các chỉ tiêu quy hoạch khu đất (gồm trụ sở cũ Sở NN&PTNT và trụ sở Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) đảm bảo phù hợp với kiến trúc cảnh quan toàn khu vực, nâng hiệu quả sử dụng đất, tăng ngân sách nhà nước, trình các cơ quan liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh để có cơ sở đấu giá. Do đó, hiện nay, khu đất này tạm thời chưa triển khai các trình tự, thủ tục để tổ chức đấu giá.
Nhiều năm nay, Nhà khách Hương Sen nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) cũng rơi vào tình cảnh bỏ hoang, vừa gây lãng phí, vừa làm mất mỹ quan đô thị.
Nhà khách Hương Sen (khoanh đỏ) nằm ở vị trí đắc địa, cạnh quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Nơi đây tập trung nhiều cơ quan, đoàn thể như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, Thành ủy, Điện lực thành phố,...
Do bỏ hoang nhiều năm, Nhà khách Hương Sen hiện nay xuống cấp, phủ rêu mốc. Phía trong khuôn viên, cây cỏ dại mọc um tùm. Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình này từng được định giá 63 tỷ đồng và đưa ra xử lý theo hướng đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hình thức đấu giá để cho thuê một lần cho cả thời gian thuê, nhưng không tìm được nhà đầu tư.
Sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí một phần đất của Nhà khách Hương Sen để xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Hiện khuôn viên Nhà khách Hương Sen có diện tích 2.895,9m2 với tài sản tòa nhà 6 tầng, nhà kho, cổng bằng thép, hàng rào xây, sân đường nội bộ, tiểu cảnh và cây cối.
Năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phê duyệt đề án cho thuê cơ sở nhà, đất Nhà khách Hương Sen với mục đích khách sạn, thương mại, dịch vụ. Hình thức cho thuê là trả tiền hàng năm trong thời hạn 25 năm, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực; mức giá khởi điểm hơn 1 tỷ đồng/năm. Song, đề án này vẫn không thực hiện thành công.
Tiếp đó, cuối năm 2020 và 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành các quyết định về việc bán tài sản công và phê duyệt phương án bán đấu giá tài sản công cơ sở nhà, đất Nhà khách Hương Sen.
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh này đang triển khai các nội dung nhằm xác định giá đất cụ thể. Sau khi có kết quả, tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu giá khởi điểm để tiếp tục tổ chức bán đấu giá.
Cùng chung tình trạng trên, tại thành phố Hà Tĩnh còn có hàng loạt trụ sở cũ của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (trong hình), Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Cục Thống kê,... bị bỏ hoang sau khi các cơ quan này chuyển trụ sở mới. Một số trụ sở, tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi, sắp xếp lại để chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng hoặc tiến hành bán đấu giá nhưng quá trình triển khai lại vướng quy hoạch và các quy định của pháp luật.