Diện mạo tương lai của nhà ga hình tà áo dài ở Tân Sơn Nhất
(Dân trí) - Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có lớp mái cong mềm mại trải dài từ ga đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại - văn phòng, liên tưởng đến đường nét mềm mại của tà áo dài Việt Nam.
Nằm trên mặt bằng diện tích 112.500m2, nhà ga T3 có lớp mái cong mềm mại trải dài từ ga đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại - văn phòng, được lấy cảm hứng từ tà áo dài Việt Nam, biểu trưng cho sự duyên dáng, thanh lịch.
Nhà ga T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, sau hoàn thành sẽ cùng với hai nhà ga hiện hữu ở Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phục vụ công suất 50 triệu hành khách/năm.
Nhà ga T3 có tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng, gồm ba hạng mục chính: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn.
Bên cạnh kiến trúc đậm bản sắc Việt Nam, điểm nhấn của nhà ga còn hướng đến không gian xanh tiên tiến. Hành khách di chuyển vào sân bay được chào đón bởi thảm thực vật, tạo thành hành lang xanh trong thành phố.
Hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, kiến trúc nhà ga được thiết kế mềm mại, trẻ trung như sức sống của một thành phố năng động đang vươn mình phát triển. Trong ảnh là khu phức hợp thương mại - văn phòng tích hợp các yếu tố tự nhiên và cảnh quan, tạo nên môi trường thân thiện.
Nhà ga được thiết kế thành hai phần đi và đến riêng biệt. Trong ảnh là 2 tầng cầu cạn dẫn vào ga đi, đoạn trước cửa vào ga có mái che và được chia làn rộng dành cho ô tô dừng trả hành khách.
Từ nhà ga kết nối ra sân đỗ máy bay có 27 cổng, trong đó 13 cửa dẫn trực tiếp vào ống lồng và 14 cửa dẫn ra điểm chờ xe trung chuyển. Sân đỗ máy bay nhà ga T3 khai thác được tất cả loại máy bay thân rộng như Code C (Airbus A320, A321) và Code E (Airbus A350, Boeing) giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất hiện nay.
Bên trong nhà ga được thiết kế đón ánh sáng tự nhiên. Tại sảnh đến nhà ga T3 có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy ký gửi hành lý tự động và 42 ki-ốt check-in. Có 25 cửa kiểm tra an ninh trước khi ra khu vực chờ bay (ảnh phải).
Ngày 31/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp UBND TPHCM tổ chức Lễ khởi công gói thầu thuộc dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Nguồn vốn để thực hiện dự án được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (70%) và vốn vay thương mại (30%).
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc ban điều hành Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) cho biết, Gói thầu số 12 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3) được khởi công ngày 31/8 ở công trường hầu như đã đào móng đã xong, chỉ còn lại một phần.
Dự kiến hạng mục này sẽ được thi công trong 20 tháng, hoàn thành đưa vào chạy thử vào đầu quý II/2025.